Chia sẻ với phóng viên TG&VN trong những ngày dịch Covid-19 thay đổi khó lường tại Thụy Sỹ, Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan cho biết, các cán bộ của Đại sứ quán (ĐSQ) đang tăng cường mạnh mẽ các nỗ lực chống ‘giặc’ Covid-19 và luôn trong tâm thế sẵn sàng bảo hộ công dân.
Đại sứ Việt Nam tại Thụy Sỹ Lê Linh Lan.
Kịp thời triển khai biện pháp chống “giặc”
Tại Thụy Sỹ, thời gian đầu, do số lượng người lây nhiễm Covid-19 chưa cao và phản ứng chậm của Chính phủ nên người dân quốc gia này có tâm lý cho rằng, tình hình không quá nghiêm trọng. Tuy nhiên, sau khi Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch; tốc độ lây lan nhanh lên mức 20-30% ngày, Chính phủ đã bắt đầu hành động và đưa ra quyết sách quyết liệt thì tâm lý căng thẳng, bất an gia tăng nhanh chóng.
Vì vậy, Đại sứ Lê Linh Lan cho rằng, việc bám sát, trấn an và kịp thời hỗ trợ công dân Việt tại Thụy Sỹ là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của ĐSQ. Trên cơ sở theo dõi và dự báo tình hình sát sao của dịch bệnh tại Thụy Sỹ và các biện pháp của Chính phủ sở tại, xác định nhiệm vụ trọng tâm của ĐSQ trong thời điểm này là bảo hộ công dân, ngay từ khi quốc gia này có ca nhiễm Covid-19 đầu tiên, ĐSQ đã nhanh chóng triển khai 5 mảng công việc cụ thể như sau:
Thứ nhất, chủ động phối hợp với nhóm chuyên gia công nghệ người Việt thuộc Hội trí thức chuyên gia, thanh niên, sinh viên Việt Nam tại Thụy Sỹ, rà soát, xây dựng dữ liệu du học sinh để có thể chủ động liên lạc và hỗ trợ trong tình huống khẩn cấp. Sự chủ động của ĐSQ đã nhận được phản hồi tích cực của cộng đồng du học sinh và cho đến nay, ĐSQ đã có danh sách tương đối đầy đủ với thông tin nhân thân, địa chỉ email, trường học của các em sinh viên.
Thứ hai, thường xuyên cung cấp, cập nhật thông tin về bệnh dịch, về các biện pháp ứng phó với đại dịch Covid-19 của Chính phủ Việt Nam, những quy định trong phòng chống dịch, chủ trương chính sách có liên quan của Chính phủ Việt Nam, những thông tin hữu ích về việc đi lại, xuất nhập cảnh vào Việt Nam trong giai đoạn dịch bệnh trong lần lượt 3 thông báo và khuyến cáo.
ĐSQ cũng có có hình thức thông báo rộng rãi (trên website của ĐSQ, thông qua các đầu mối và các trang facebook của Hội người Việt, Hội thanh niên, Hội sinh viên, Hội chuyên gia…), vận động cộng đồng và du học sinh tuân thủ nghiêm túc những chỉ dẫn, biện pháp phòng chống dịch bệnh của sở tại và WTO, hạn chế di chuyển, đặc biệt là di chuyển quốc tế để tránh lây nhiễm chéo và gặp rủi ro trên đường.
Thứ ba, cung cấp thông tin đường dây nóng bảo hộ công dân và điện thoại của cán bộ phụ trách cộng đồng của ĐSQ để các du học sinh liên hệ khi cần hỗ trợ. Các cán bộ ĐSQ đã trực điện thoại 24/7, cung cấp thông tin, nắm bắt tình cảnh và nguyện vọng, hướng dẫn cho các du học sinh và kiều bào thu xếp về Việt Nam do trường học đóng cửa. Đến nay, khoảng trên 200 sinh viên đã về nước an toàn. Một số bạn gặp khó khăn trong quá trình về nước do các hãng hàng không bỏ chuyến, hoặc dừng ở điểm quá cảnh cũng đã được ĐSQ hỗ trợ kịp thời.
Thứ tư, đẩy mạnh áp dụng các biện pháp công nghệ thông tin, sử dụng facebook và đường link đăng ký thông tin ứng dụng google để tiếp nhận thông tin và yêu cầu hỗ trợ của du học sinh và cộng đồng kiều bào. Trong bối cảnh Chính phủ Thụy Sỹ hạn chế việc di chuyển của công dân nhằm tránh lây nhiễm, ĐSQ đã kịp thời điều chỉnh chế độ làm việc, tiếp khách và nhận hồ sơ lãnh sự qua bưu điện, đồng thời vẫn cố gắng hỗ trợ tối đa cho công dân Việt Nam giải quyết các giấy tờ lãnh sự, hộ tịch.
Thứ năm, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ, Mặt trân Tổ quốc Việt Nam, ĐSQ đã trao đổi thông tin và vận động cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sỹ, Hội hữu nghị Thụy Sỹ – Việt Nam có hình thức đóng góp ủng hộ chiến dịch phòng chống Covid-19 của Việt Nam.
ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sỹ thường xuyên cập nhật các thông báo, thông tin mới nhất về tình hình dịch Covid-19, số điện thoại bảo hộ công dân, khuyến cáo công dân về tình hình dịch bệnh trên website của ĐSQ.
Nỗ lực để “không ai mắc kẹt phía sau”
Thông tin về tình hình người Việt tại Thụy Sỹ, Đại sứ Lê Linh Lan cho hay, hiện có khoảng hơn 340 sinh viên Việt đang học ở các trường cao đẳng, đại học tại Thụy Sỹ; khoảng 300 nghiên cứu sinh và cán bộ người Việt làm việc tại các cơ quan đại diện, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp ở Thụy Sỹ. Cộng đồng người Việt sinh sống và làm việc ở Thụy Sỹ (trong đó nhiều người đã có quốc tịch Thụy Sỹ) khoảng 10.000 người. Đến nay, trong cộng đồng mới chỉ có 1 trường hợp xác định nhiễm Covid-19 và đã được y tế sở tại hướng dẫn tự cách ly, điều trị khỏi bệnh ở nhà.
Tuy nhiên, diễn biến nhanh và phức tạp của dịch bệnh tại Thụy Sỹ đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là các ngành dịch vụ, khách sạn, gây khó khăn cho cộng đồng doanh nghiệp Việt và du học sinh đang học và thực tập trong lĩnh vực này. Dịch bệnh đã tác động mạnh đến tâm lý và mọi mặt cuộc sống của du học sinh và kiều bào ta tại Thụy Sỹ.
Có thể nói, thời gian qua, phần lớn công việc của ĐSQ là tập trung hỗ trợ, trấn an tinh thần và bảo hộ công dân Việt Nam tại Thụy Sỹ. Mỗi ngày, cán bộ ĐSQ đều nhận được rất nhiều cuộc điện thoại qua đường dây nóng bảo hộ công dân và hàng trăm email của cộng đồng người Việt đề nghị cung cấp thông tin về dịch bệnh, đề nghị hỗ trợ, hướng dẫn về các thủ tục gia hạn giấy phép lưu trú; hỗ trợ thông tin tìm chỗ lưu trú khi phải ở lại Thụy Sỹ… Tất cả những đề nghị này đều được các cán bộ ngoại giao của ĐSQ tận tình hướng dẫn và nhanh chóng tìm giải pháp hỗ trợ.
“Trường học đồng loạt đóng cửa; nơi thực tập, làm việc của đa số sinh viên học ngành khách sạn, du lịch cũng bị đóng cửa; sinh viên không có chỗ làm, chỗ ở trong khi chi phí sinh hoạt tại Thụy Sỹ lại quá đắt đỏ. Thêm vào đó, chi phí xét nghiệm, khám và chữa bệnh cho người nước ngoài bên Thụy Sỹ rất cao, trong điều kiện bảo hiểm chỉ có thể chi trả một phần. Nỗi lo chồng chất như vậy nên đại đa số cộng đồng người Việt tại Thụy Sỹ mong muốn được trở về nhà với gia đình, ‘tránh dịch’ tại Việt Nam”, Đại sứ Linh Lan tâm sự.
Thụy Sỹ là một trong 10 quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi đại dịch Covid-19. Tính đến 20h ngày 29/3, Thụy Sỹ có 14.352 ca mắc Covid-19, trong đó có 282 ca tử vong.
Hiểu được những tâm tư đó, ĐSQ đã xác định, các đường bay từ Thụy Sỹ về Việt Nam sẽ phải quá cảnh ít nhất qua một sân bay trung chuyển là Paris, Hong Kong, Bangkok, Singapore… Vì vậy, ĐSQ phối hợp chặt chẽ với ĐSQ Việt Nam tại các quốc gia này nhằm trao đổi thông tin, phối hợp hỗ trợ kịp thời.
Hiện tại, đã có 2/3 số sinh viên Việt Nam tại Thụy Sỹ trở về nước. Tuy nhiên, việc trở về Việt Nam ngày càng trở nên khó khăn do các hãng hàng không liên tục hủy chuyến hoặc du học sinh bị “mắc kẹt” tại các sân bay trung chuyển như ở Paris và Bangkok.
Để “giải cứu” du học sinh “mắc kẹt” tại các sân bay trung chuyển, cán bộ của ĐSQ đã không quản ngày đêm, sẵn sàng giải đáp, hỗ trợ và tìm mọi biện pháp cần thiết, liên hệ với Đại sứ quán các nước nơi các du học sinh quá cảnh (Pháp, Thái Lan…) để thu xếp cho chuyến hồi hương của các em được suôn sẻ nhất.
Mỗi chuyến bay cất cánh trở về Việt Nam an toàn, cán bộ ĐSQ lại thêm một lần “thở phào nhẹ nhõm”. “ĐSQ cũng nhận được những tin nhắn rất xúc động, tình cảm chân thành cảm ơn sự giúp đỡ trách nhiệm của ĐSQ trong những chuyến hồi hương này”, Đại sứ Lê Linh Lan bày tỏ.
Như trường hợp của em Nguyễn Thị Yến Linh, sinh viên năm 3 ngành quản trị du lịch khách sạn tại học viên HTMi (Thụy Sỹ).Trước khi ra sân bay Zurich, Yến Linh đã nhiều lần liên hệ với ĐSQ để hỏi những thông tin cần thiết về quy định nhập cảnh tại Việt Nam. Cán bộ ĐSQ đã cảnh báo về nguy cơ hãng Thai Airways có thể không cho sinh viên lên máy bay nếu không có chứng nhận y tế và kết bạn trên facebook với Yến Linh để tiện liên lạc trong trường hợp khẩn cấp.
Đúng lịch trình, chuyến bay về Hà Nội của Yến Linh sẽ cất cánh sau 1 giờ 35 phút quá cảnh tại Thái Lan, nhưng… hãng thông báo hủy đột ngột vì Việt Nam quyết định ngừng nhập cảnh. Ngay lập tức, Yến Linh đã liên hệ qua facebook với cán bộ ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sỹ và được thông tin chi tiết bao gồm địa chỉ, đường dây nóng của ĐSQ Việt Nam tại Thái Lan. Sau 10 tiếng chờ đợi trong lo lắng, Yến Linh đã check-in được một chuyến bay khác về thẳng Hà Nội vào 17h30 cùng ngày.
Đại sứ Lê Linh Lan vẫn nhớ lời gửi gắm của Yến Linh sau khi trở Việt Nam và cách ly tại Nho Quan (Ninh Bình), nơi để nhớ đến lúc tâm trạng rối ren, là ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sỹ! Và để có thể lên được chuyến bay vào lúc 17h30 chiều hôm đó là nhờ sự trợ giúp, tác động từ phía ĐSQ Việt Nam tại Thái Lan cùng các ban ngành khác. Chúng em thật sự biết ơn vì điều đó!
Đại sứ Lê Linh Lan khuyến cáo, cộng đồng người Việt ở nước ngoài không về Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh đã lan ra gần như tất cả các quốc gia trên toàn thế giới. (Nguồn: Haiquan)
Bình tĩnh, mạnh mẽ và cùng chiến thắng
Đại sứ Lê Linh Lan cho hay, hiện tại, dường như, những biện pháp mạnh mẽ và đồng bộ của Chính phủ Thụy Sỹ đã bắt đầu phát huy tác dụng. Người dân Thụy Sỹ ủng hộ và tuân thủ các khuyến cáo của Chính phủ với thái độ bình tĩnh nên mọi việc vẫn trong tầm kiểm soát, dù mật độ lây nhiễm của Thụy Sỹ cao hàng đầu thế giới.
“Vì vậy, chúng ta phải bình tĩnh nhưng không chủ quan, cẩn trọng nhưng không nên quá lo lắng, tập trung vào các hành động thiết thực như tăng cường sức khỏe, nghiêm túc tuân thủ các hướng dẫn, khuyến cáo của chính quyền sở tại để tự bảo vệ bản thân, gia đình, qua đó đóng góp vào cuộc chiến chống Covid-19.
Đặc biệt, cần nghiêm túc tuân thủ khuyến cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, đề nghị công dân Việt Nam ở nước ngoài tạm thời hạn chế di chuyển và không về Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh đã lan ra gần như tất cả các quốc gia trên toàn thế giới để tránh tình trạng nhiều công dân Việt Nam bị ‘kẹt’ tại các sân bay quốc tế nước ngoài.
ĐSQ Việt Nam tại Thụy Sỹ cũng như các Cơ quan đại diện Việt Nam trên thế giới luôn đồng hành và sẵn sàng hỗ trợ công dân trong trường hợp cần thiết. Hãy luôn mạnh mẽ để cùng nhau chiến thắng cuộc chiến chống đại dịch Covid-19!”, Đại sứ Lê Linh Lan nhấn mạnh.