Nổi danh với trí tuệ siêu phàm, nhưng cuộc sống của thần đồng nhí 10 tuổi thực sự khiến nhiều phụ huynh ái ngại.
Là cha là mẹ ai cũng muốn con của mình thành công trên con đường trải hoa hồng không gai góc, cha mẹ của Zhang Yiwen (Thương Khâu, tỉnh Hà Nam) cũng không nằm ngoài số đông đó.
Nhưng họ khác với mọi người ở cách dạy con.
Dư luận tò mò ngạc nhiên khi biết rằng cô bé 10 tuổi thi đỗ đại học lại không một lần đi đến lớp, cô bé tự học ở nhà dưới sự hướng dẫn của phụ huynh. Lý do chính nằm ở việc bố mẹ của cô cảm thấy giáo dục ở trường có quá nhiều sai sót.
Năm 2016, khi mới 9 tuổi, khi mới chỉ cao 140 cm, Yiwen đã trở thành thí sinh nhỏ tuổi nhất tham gia kỳ thi đại học Gaokao – kỳ thi Đại học được xếp vào hàng khó, khốc liệt, kinh khủng nhất thế giới tại Trung Quốc.
Gaokao bao gồm 4 môn thi, mỗi môn 3 tiếng: Tiếng Trung, tiếng Anh, Toán và một môn khoa học tự chọn (Sinh học, Hóa học, Vật lý) hoặc một môn xã hội tự chọn (Địa Lý, Lịch sử, Chính trị).
Đề chủ yếu là câu hỏi trắc nghiệm và điền vào chỗ trống, nổi tiếng là rất khó. Đề Toán được so sánh với chương trình cấp đại học ở Anh. Tuy nhiên, đối với nhiều sinh viên, đáng sợ nhất là bài luận.
Những sinh viên Trung Quốc có điểm số cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học quốc gia (gaokao) của Trung Quốc giờ đây có thể đăng ký các chương trình cử nhân của Đại học Birmingham mà không phải làm thêm các bài kiểm tra nào khác.
Khoảng 10 triệu học sinh tham dự kỳ thi này hàng năm, nhưng chỉ 2% trong số đó được nhận vào 38 trường đại học hàng đầu của Trung Quốc, và chỉ 0,05% vào được Thanh Hoa và Bắc Kinh – được coi là Oxbridge (Oxford và Cambridge) của Trung Quốc.
Kỳ thi năm đó, số điểm của cô bé không đủ đỗ. Một năm sau, cha mẹ của Yiwen quyết tâm cho con gái dự thi lần hai.
Với lần thi thứ 2, Zhang Yiwen đạt số điểm cao ngoài mong đợi, cô bé đỗ vào Trường Kỹ thuật Điện tử và Thông tin của Học viện Công nghệ Thương Khâu trong sự ngỡ ngàng của mọi người.
Tại thời điểm đó, công chúng dành nhiều lời khen ngợi đến nữ sinh mới chỉ vừa học hết tiểu học đã vượt qua kỳ thi có tính cạnh tranh gay gắt. “Thần đồng”, “Thông minh vượt bậc” là những mỹ từ mà nhiều người dành tặng cho cô bé 10 tuổi.
Ông Zhang Mintao, cha của cô bé, chia sẻ với truyền thông vào năm 2017 rằng: “Tôi cảm thấy một giáo viên không thể nào có đủ khả năng dạy dỗ, theo sát một người trong một lớp đông học sinh như thế. Con gái tôi đã học hết kiến thức phổ thông với số điểm xuất sắc về tiếng Trung, tiếng Anh, toán học”.
Sau khi con gái nhỏ tuổi đỗ đại học, cha mẹ tiếp tục nuôi hy vọng cô bé học hết chương trình đại học 4 năm chỉ trong 3 năm và chuyển sang một trường khác để lấy bằng tiến sĩ.
Tuy nhiên, đằng sau thành công ấn tượng của bé gái 10 tuổi là một câu chuyện phản khoa học.
Vì căng thẳng bởi lối học vượt, Zhang Yiwen đã khó khăn khi hòa nhập ở trường học, dù đỗ đại học ngay lúc còn nhỏ, cô bé sớm gặp khó khăn khi phải lớn trước tuổi.
Theo các chuyên gia giáo dục, không phủ nhận rằng Yiwen thông minh và có tố chất, nhưng việc bỏ qua nền giáo dục cơ bản là điều nguy hại tới sự phát triển của trẻ.
Một cô bé đi học đại học khi mới chỉ 10 tuổi vấp phải nhiều khó khăn khi các bạn chung lớp đều gấp đôi tuổi. Vóc dáng nhỏ bé, vốn sống quen trong vòng tay cha mẹ, Yiwen hiếm khi dám tự làm điều gì một mình mà phải có bạn cùng phòng đi cùng.
Chưa kể, các vấn đề ở tuổi trưởng thành mà các sinh viên thường trải qua, cùng nhau bàn luận cũng là điều quá xa vời với một bé gái mới lớn. Hơn nữa, vì học vượt lớp nên cô bé đã không có đủ thời gian để kết bạn và trải nghiệm quãng thời gian trưởng thành như những đứa trẻ bình thường.
Trên thực tế, các tài năng nhí, có trí thông minh vượt trội ngay từ khi nhỏ tuổi nhưng lại sống dưới sức ép nặng nề của cha mẹ, thường không có một tuổi thơ trọn vẹn và lớn lên lại gặp nhiều khó khăn hơn so với những người bình thường khác.
Chỉ số thông minh cao, các tài năng nhí dễ bị ép trưởng thành sớm, tiếp cận những vấn đề vượt qua độ tuổi. Điều này dẫn đến việc thiếu hụt các kỹ năng mềm. Đây cũng là lý do khiến họ khó thành công trong sự nghiệp hay trải qua cuộc sống thuận lợi.
Minh Anh (Tổng hợp)