Dù xuất thân từ những trường đại học hàng đầu đất nước, nhiều sinh viên trẻ tuổi vẫn rơi vào cảnh không có việc làm, đặc biệt ở quốc gia cạnh tranh như Hàn Quốc và Trung Quốc.
“Làm gì tiếp theo đây?” trở thành nỗi niềm thường trực của những thí sinh thi đại học cho đến khi vào nhận tin trúng tuyển. Trớ trêu thay, họ lại phải đối diện với câu hỏi này một lần nữa sau 4 năm phấn đấu đạt thành tích tốt để tìm việc làm hậu tốt nghiệp.
Dù xuất thân từ những trường đại học hàng đầu đất nước, rất nhiều bạn trẻ, đặc biệt ở Hàn Quốc và Trung Quốc, vẫn rơi vào cảnh không có việc làm.
Cơn khát việc làm
Cho Min-kyong (27 tuổi) sở hữu bằng kỹ sư từ một trong những trường đại học danh giá nhất Hàn Quốc. Ngoài ra, cô từng giành một giải thưởng thiết kế trong trường và sở hữu điểm tiếng Anh hoàn hảo.
Tưởng rằng sau khi ra trường, Cho sẽ được các công ty lớn trải thảm đỏ đón mời. Tuy nhiên, cả 10 công ty mà cô gửi đơn xin việc đều lắc đầu từ chối. Cô rơi vào tình trạng chán nản và tuyệt vọng kéo dài.
Cho Min-kyong chính là trường hợp điển hình phản ánh cơn khát việc làm đang ngày càng trầm trọng tại Hàn Quốc, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á.
Năm 2018, quốc gia này chỉ tạo ra vỏn vẹn 97.000 việc làm, thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008. Tính đến tháng 3/2019, cứ 4 bạn trẻ Hàn Quốc trong độ tuổi 15-29 tuổi thì có 1 người không có việc làm. 6 tháng đầu năm 2020, vì dịch Covid-19, con số này còn tệ hơn.
Bên cạnh đó, trung bình cứ 3 trên 4 thanh niên sở hữu bằng cử nhân đại học. Vì có trình độ học vấn cao, phần lớn những bạn trẻ này từ chối làm các công việc chân lấm tay bùn. Họ cho rằng ngành nghề đó làm họ bị mất giá.
“Hàn Quốc đang phải trả giá cho cơn sốt giáo dục đại học. Có quá nhiều người học cao trong khi số lượng công việc chất lượng cao chỉ có giới hạn”, chuyên gia Ban Ga-woon thuộc Học viện nghiên cứu thị trường lao động Hàn Quốc cho biết.
Tình hình không mấy khả quan hơn tại Trung Quốc. Hàng trăm sinh viên ưu tú vừa tốt nghiệp ở quốc gia này bị nhiều nhà tuyển dụng từ chối sau khi các công ty điều chỉnh chiến lược nhân sự do đại dịch Covid-19, cùng với sự tăng trưởng giảm tốc xuất hiện từ cuối năm 2018.
Trong số đó có Tan Shiyang, một sinh viên tốt nghiệp loại ưu ngành khoa học y sinh và kỹ thuật y tế của trường Đại học Hàng không Bắc Kinh, một trong những đại học tốt nhất Trung Quốc.
Tự tin vào học vấn của mình, Tan từ chối tất cả lời mời tuyển dụng để chọn Công ty Mindray Thâm Quyến, nhà sản xuất thiết bị điện tử y tế lớn nhất quốc gia, với mức lương hơn 2.100 USD/tháng.
Tuy nhiên, vào tháng 12/2018, công ty này lại từ chối nhận cậu vào làm và gửi kèm theo số tiền 700 USD bồi thường. Không chỉ riêng Tan, hơn 250 sinh viên bất ngờ bị Mindray rút lại đề nghị làm việc.
Tháng 6/2020, dự kiến các trường đại học ở Trung Quốc sẽ cho “ra lò” khoảng 9 triệu sinh viên tốt nghiệp, một con số cao kỷ lục. Tuy nhiên, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường nhận định tình hình đối với các cử nhân năm nay “sẽ rất ảm đạm” do thị trường kinh tế đang bị ảnh hưởng nặng nề từ dịch Covid-19.
Theo kết quả khảo sát tại 1 triệu doanh nghiệp quốc gia, số vị trí việc làm cần tuyển người trong quý I/2020 giảm 30% so với cùng kỳ năm 2019.
Liu Licheng (22 tuổi), một sinh viên năm cuối, đã nộp hơn 50 đơn xin việc kể từ giữa tháng 2 vừa qua. “Tôi đã kỳ vọng ít nhất sẽ nhận được một thư mời phỏng vấn nhưng không, chẳng có cái nào cả”, Liu cho hay.
Tốt nghiệp loại ưu cũng không có việc làm
Thực trạng này có phần bất công so với công sức sinh viên Hàn Quốc và Trung Quốc bỏ ra, đặc biệt những bạn trẻ tốt nghiệp từ những trường đại học danh giá nhất quốc gia. Họ cảm thấy “vỡ mộng” khi ra trường mà lại thất nghiệp.
Hai quốc gia Đông Á này vốn nổi tiếng với kỳ thi đại học cam go như đấu trường sinh tử, dù là Gaokao ở Trung Quốc hay Suneung ở Hàn Quốc. Để được ghi danh vào bảng vàng, sinh viên phải học tập rất cực khổ ngay từ năm lớp 10.
Ở Trung Quốc, kỳ thi đại học gaokao được đánh giá là có thể mở ra hoặc phá vỡ tương lai của người trẻ tại đất nước tỷ dân. Tỷ lệ chọi thấp nhất giữa các học sinh là 1/50 để đặt chân vào những trường danh giá như Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh.
Một loạt các “công xưởng” luyện thi đại học ra đời, nổi tiếng là khắc nghiệt hơn cả trong quân đội. Áp lực từ gaokao khiến nhiều bạn trẻ phải cầu cứu đến chất cấm, chất gây nghiện được quảng cáo là “thuốc thông minh, giúp tăng cường tập trung” trên mạng.
Tại xứ sở kim chi, điểm số trong kỳ thi Suneung còn ảnh hưởng tới nhiều khía cạnh khác nhau trong đời sống của các bạn trẻ sau này, bao gồm cả triển vọng nghề nghiệp và cả hôn nhân.
Đa số cho rằng học sinh nào ngủ quá 4 tiếng mỗi đêm sẽ trượt đại học. Có thể nói, áp lực đè trên vai thế hệ trẻ là rất lớn.
“Ngày nào cũng thế, cuộc sống của hầu hết học sinh trung học ở Hàn Quốc chẳng khác nào địa ngục. Ngay khi học kỳ mới bắt đầu, trường học trở thành một nơi đáng sợ”, một nam sinh cuối cấp chia sẻ.
Ngoài ra, không ít bạn trẻ Hàn Quốc bước khỏi phòng thi cảm thấy lạc lõng, trống vắng và mất hết động lực phấn đấu do suốt 12 năm qua họ chỉ có một mục tiêu là thi đại học thật tốt.