Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp đúc rút nguyên nhân cơ bản khiến thí sinh chọn sai ngành học là nghe bạn bè. Các em lệ thuộc suy nghĩ của người lớn và lao theo ngành hot.
12 năm gắn bó với công tác hướng nghiệp, TS Huỳnh Anh Bình, Giám đốc Trung tâm Hướng nghiệp TP.HCM, nhận thấy nhiều học sinh chưa quan tâm chọn nghề.
Ông thông tin kết quả khảo sát do trung tâm thực hiện cho thấy 75% người vào đại học, cao đẳng mới nhận ra mình chọn sai nghề. 92% thí sinh vẫn chọn ngành dù không biết phải học những môn nào. Trên 50% người mong muốn chọn lại nếu có cơ hội lần hai.
Suy nghĩ sai lầm “di căn” từ người lớn
TS Huỳnh Anh Bình cho biết việc chọn sai nghề dẫn tới nhiều hệ lụy, bao gồm thời gian, sức lực, tiền bạc, cơ hội. Nó khiến sinh viên đi chậm lại so với người khác, dễ cảm thấy thua kém, rồi bỏ cuộc giữa chừng.
Ông khẳng định nguyên nhân thí sinh chọn sai ngành rất cơ bản, dễ nhận thấy. Các em chọn lựa theo sự tác động từ bạn bè, lệ thuộc quá nhiều vào giấc mơ nghề nghiệp của bố mẹ hoặc lao theo ngành hot.
Theo chuyên gia về hướng nghiệp này, việc giới trẻ quan tâm đến ngành hot rất bình thường. Đơn giản, hiện tại, họ nghĩ đây là ngành thu hút nguồn nhân lực, dễ kiếm nhiều tiền, thời thượng, được nhiều người tôn trọng. Tuy nhiên, khi chạy theo nó, thí sinh quên mất việc tự xem xét mình có hợp ngành đó không.
TS Huỳnh Anh Bình thừa nhận ngành hot dễ tìm việc làm nhưng người lao động cũng phải hot trong lĩnh vực đó, doanh nghiệp mới lựa chọn họ.
Trong quá trình chọn ngành, nhiều thí sinh không nhìn vào bức tranh thị trường lao động mà quyết định dựa trên những suy nghĩ sai lầm “di căn” từ người lớn – cho rằng bằng đại học bảo chứng cho cơ hội việc làm, bằng cao đẳng, trung cấp, học nghề khó xin việc hơn.
“Chính những thông tin như vậy cộng với việc ở độ tuổi 17, 18, chưa biết nhiều, Thí sinh rất dễ bị ảnh hưởng. Các em chạy theo ngành hot. Một số em lại quá tập trung vào những sở thích ngắn hạn, bỏ qua yếu tố thị trường lao động trong và ngoài nước”, ông Bình nói.
Ông nói thêm trong thời đại tư duy toàn cầu, người lao động có thể chọn làm cho cơ quan Nhà nước, các tập đoàn lớn trong nước, nước ngoài hoặc tự khởi nghiệp.
TS Anh Bình nhấn mạnh với thế giới 4.0, thị trường lao động rất rộng mở với sự dịch chuyển nhân lực trong, ngoài nước cùng sự cạnh tranh rất khốc liệt.
Chuyên gia tư vấn hướng nghiệp Huỳnh Anh Bình cho rằng hiểu mình, hiểu nghề là cái gốc vấn đề, yếu tố cơ bản để thí sinh đưa ra lựa chọn đúng đắn.
Để hiểu nghề, thí sinh cần tập trung xem xét xu hướng của thị trường lao động trong tương lai gần, có thể dự đoán 4 năm tới hoặc xa hơn, 10 năm nữa, ngành nghề đó sẽ ra sao trong cuộc cách mạng 4.0.
Tiếp đó, các em cân nhắc đến đam mê, sở thích, năng lực, điểm mạnh của bản thân, cân đối với nhu cầu nhân lực tại địa phương.
Yếu tố gia đình như điều kiện kinh tế cũng cần được xem xét, cân đối trong quá trình chọn ngành. Sức khỏe bản thân, năng khiếu cũng tác động đến đến nghề nghiệp sau này. Do đó, thí sinh nên lưu ý.
“Khác biệt của người thành công nằm ở chỗ họ chọn đúng nghề và giỏi nghề. Đó là điều các em cần suy nghĩ rõ ràng khi đưa ra quyết định”, ông Bình khuyên.
Ông nói thêm trước ngưỡng cửa đại học, thí sinh chưa cần quan tâm đến vấn đề thất nghiệp. Đây là chuyện quốc gia nào cũng có và tỷ lệ thất nghiệp ở nước ta cũng ở mức thấp. Hơn nữa, chỉ người không làm được việc mới thất nghiệp.
Ngoài ra, TS Huỳnh Anh Bình hy vọng trước khi đưa ra quyết định, thí sinh nên nhận thức rõ nếu chọn sai, các em sẽ đánh đổi rất nhiều.
“Người phải gánh chịu không chỉ có thí sinh mà còn gia đình, những người xung quanh, thậm chí xã hội”, ông cảnh báo.