Hành trình chinh phục học bổng toàn phần bậc thạc sĩ Erasmus Mundus (EM) trị giá hơn 1,3 tỷ đồng/2 năm của nữ sinh Bảo Nhi- thủ khoa Đại học Ngoại ngữ Huế.
Nguyễn Châu Bảo Nhi, 23 tuổi (Thừa Thiên Huế) vừa được nhận học bổng toàn phần bậc thạc sĩ Erasmus Mundus (EM) trị giá hơn 1,3 tỷ đồng cho 2 năm học ở 3 nước Anh, Malta và Estonia, chương trình Adult Education for Social Change (IMAESC).
Bảo Nhi là thủ khoa tốt nghiệp ngành Ngôn ngữ Anh, Đại học Ngoại ngữ (Đại học Huế). Cô từng được học bổng toàn phần Share cho 1 kỳ trao đổi tại Đại học Groningen, Hà Lan; học bổng toàn phần cho khóa học ngắn hạn Development Studies được tài trợ bởi tổ chức Na Uy Kultustudier và Đại học Oslo Metropolitan; các danh hiệu và giải thưởng dành cho thành tích học tập xuất sắc bậc đại học.
Hiểu rõ thế mạnh bản thân
Sau thời gian trao đổi làm sinh viên ở Hà Lan năm 2018, Nhi luôn khao khát quay trở lại châu Âu. Nữ sinh nhận thấy đây là nơi phù hợp để bản thân học hỏi và phát triển, thêm lý do khác nữa là cô yêu những thành phố cổ kính ở châu Âu.
Nữ sinh gốc Huế tâm sự: “Khi học ở Hà Lan, tôi đã được trải nghiệm 11 nước châu Âu. Tôi bắt đầu tự hỏi là tại sao Việt Nam được xếp là “developing” (nước đang phát triển) còn những nước châu Âu mình đi qua là “developed” (nước phát triển) ? Hay nếu đã là nước phát triển thì cần gì nữa để phát triển bền vững?…”
Sau khi tự tìm hiểu nhiều hơn về lĩnh vực này, nữ sinh biết đây là điều bản thân muốn và cần theo đuổi. Những lý do trên đã trở thành mục tiêu của Nhi từ trước khi tốt nghiệp đại học là sẽ trở lại châu Âu để học thạc sĩ chuyên ngành Phát triển bền vững.
Để có một hồ sơ apply học bổng nắm chắc phần thắng, Nhi cho rằng, cần nắm rõ được lợi thế – bất lợi của bản thân. Cô có điểm mạnh về thành tích học tập, nhưng không có thế mạnh về hoạt động ngoại khóa, kinh nghiệm lãnh đạo; cũng không có 1-2 kinh nghiệm làm việc chuyên nghiệp vì là sinh viên mới ra trường. Do vậy, Nhi lựa chọn học bổng merit-based (học bổng tài năng, chú trọng vào thành tích học thuật) phù hợp nhất với cô.
Theo Nhi, khi lựa chọn loại học bổng, cần nghiên cứu thật kỹ điều kiện của học bổng/chương trình xem bản thân có nằm trong đối tượng được apply hay không. “Tôi tìm hiểu rất nhiều học bổng thạc sĩ ở châu Âu, bao gồm: học bổng Chevening (học bổng lãnh đạo), DAAD hay IDEAS (yêu cầu kinh nghiệm làm việc). Không nên lựa chọn nếu bản thân không đáp ứng được”.
Đồng thời, việc tìm hiểu kỹ các tiêu chí đã giúp nữ sinh nắm bắt được thế mạnh của bản thân để phát huy và điểm yếu cần khắc phục cải thiện. Đối với dạng học bổng merit-based (học bổng dựa trên thành tích) đều chú trọng vào nhiều yếu tố, Nhi nói.
Về tiêu chí phù hợp và thành tích của nền tảng học thuật, Nhi không có điểm mạnh về phần này. Bởi tất cả bằng cấp danh hiệu trước đó của nữ sinh đều là về ngành Ngôn ngữ Anh, kinh nghiệm làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu phát triển chưa có.
Do đó, Nhi tự trang bị kiến thức của ngành mới bằng cách đăng ký các khóa học online để kiếm chứng chỉ; các khóa học ngắn hạn để tăng độ tín nhiệm của ngành. Nhi quyết định theo học khóa ngắn hạn “Development studies” vừa tiếp thu kiến thức, vừa được cấp 30 tín chỉ theo chuẩn châu Âu. “Đây là cách để cho ban xét duyệt hồ sơ nhận ra rằng các bạn nghiêm túc theo đuổi ngành mới, mà đam mê thôi là chưa đủ, bạn đã chuẩn bị sẵn sàng và kỹ càng để thành công với ngành mới rồi”.
Thông qua khóa học này giúp cô dần định hướng mảng nghiên cứu trong lĩnh vực Phát triển. Nhi chọn mảng Giáo dục, vì cô tin giáo dục con người là nền tảng cho mọi sự phát triển.
Thêm một điều quan trọng nữa là kinh nghiệm khi xin thư giới thiệu. Nhi lựa chọn thầy cô từng trực tiếp dạy mình và có học hàm cao. “Những người từng dạy chúng ta sẽ hiểu được thế mạnh, điểm yếu và mức độ phù hợp của học trò mình với học bổng. Điều đó cũng ảnh hưởng rất nhiều tới việc hội đồng đánh giá ứng viên có xứng đáng được nhận học bổng hay không?”, Bảo Nhi nói.