Dù đã trúng tuyển một trường đại học tốp đầu, nhưng nữ sinh dân tộc Tày quyết định không học đại học để chọn cho mình hướng đi riêng.
Sinh ra trong một gia đình thuộc hộ cận nghèo ở huyện miền núi tỉnh Bắc Giang, từ nhỏ Ngọc Thị Hoàn (sinh năm 2000) đã phải gắn bó với đồng ruộng và nghề làm bánh truyền thống của gia đình.
Là con út trong gia đình có 4 chị em gái, khi các chị lên thành phố đi học, bố mẹ chỉ trông đợi vào một mình Hoàn để đỡ đần việc gia đình.
Cứ 4h30 phút mỗi sáng, Hoàn lại thức dậy cùng mẹ gói bánh cho kịp phiên chợ sáng. Nhiều lần em bùi ngùi nhìn theo dáng mẹ xiêu vẹo gánh hàng đi bán mà thương.
Hiểu được nỗi vất vả của bố mẹ, Hoàn chẳng bao giờ kêu ca nửa lời dù có hôm đi học thêm đến tối mịt mới về, em lại vội vàng lao vào giúp mẹ gói bánh.
Vốn có học lực tốt, Hoàn và bố mẹ đều có một khao khát là em sẽ đỗ vào một trường đại học mà em yêu thích. Vốn yêu thích lập trình từ hồi cấp 2, em đăng ký ngành An toàn thông tin của Học viện Kỹ thuật mật mã. 3 năm cấp 3 Hoàn đều đạt danh hiệu học sinh giỏi, lại nhiều năm được chọn đi thi học sinh giỏi cấp huyện, cấp tỉnh môn Tin học, ước mơ của Hoàn vốn nằm trong tầm tay.
Nhưng đến cuối năm lớp 12, khi bố mẹ em đã gần 60 tuổi, ốm đau cũng nhiều hơn trước. Thương bố mẹ phải nuôi mình 5 năm học đại học, Hoàn bắt đầu có ý định từ bỏ ước mơ đại học.
Cầm tờ giấy báo đỗ đại học trong tay, nhưng em bắt đầu tìm hiểu thông tin về các trường nghề. Chỉ trong vòng 2-3 tuần, Hoàn quyết định đăng ký ngành Thiết kế đồ họa của Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội – nơi mà em chỉ mất 3 năm theo học.
Với nền tảng sẵn có và nỗ lực không ngừng, chỉ sau 1 năm học đầu tiên, Hoàn đã có thể nhận thiết kế. Thu nhập của em đủ để lo chi phí sinh hoạt cho bản thân, thậm chí còn có thể mua quà gửi về cho bố mẹ.
Năm 2019, Hoàn đạt giải Ba nghề Thiết kế đồ họa kỳ thi tay nghề thành phố. Ở trường, Hoàn được đánh giá là một sinh viên tích cực, năng nổ trong các hoạt động học tập cũng như ngoại khóa.
Năm nay, cũng là năm học thứ 3, Hoàn tự xin thực tập ở một doanh nghiệp chuyên về truyền thông, làm đúng chuyên ngành mà mình đã theo học. Sau một thời gian thử việc, Hoàn được công ty nhận vào làm chính thức với mức thu nhập 8-10 triệu đồng/ tháng ngay khi còn đang là sinh viên năm cuối.
Nói về quyết định của mình, cô nữ sinh người dân tộc Tày chia sẻ: “Em thấy mình đã có một sự lựa chọn đúng đắn. Hiện tại, em yêu thích và hài lòng với công việc mình đã chọn”.
“Em biết là có nhiều trường đại học cũng đào tạo chuyên ngành này, nhưng em tự tin vào những kỹ năng mà mình có. Em cũng nhận thấy, bây giờ các doanh nghiệp không còn quá coi trọng bằng cấp nữa, mà họ chú ý nhiều hơn tới kỹ năng thực tế của người lao động, giống như ở công ty em đang làm”.
Hoàn cho rằng, thành kiến của xã hội về việc học nghề đã thu hẹp hơn rất nhiều. “Vì thế, em thực lòng khuyên các bạn, nếu cảm thấy học nghề phù hợp với khả năng và hoàn cảnh của mình, thì hãy mạnh dạn lựa chọn”.
Chia sẻ về cô sinh viên Ngọc Thị Hoàn, cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang – trưởng bộ môn Thiết kế đồ họa, khoa Công nghệ thông tin, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội nhận xét: “Hoàn là một cô lớp trưởng rất chăm chỉ, năng động, có khả năng học tập cũng như quản lý tốt. Đúng như năng lực của em, dù mới là sinh viên năm cuối, em đã có được một công việc tốt ở một doanh nghiệp”.
Chia sẻ về ngành Thiết kế đồ họa, chị Trang cho biết nhu cầu của ngành nghề này đang rất lớn.
“Chúng tôi vẫn nói với nhau rằng, riêng nghề này thì không có gì phải lo. Hằng năm, nhà trường thường tuyển sinh 2 lớp, mỗi lớp 30-40 sinh viên. Chương trình học của chúng tôi trải dài từ các môn cơ bản như vẽ tay, các định luật, định lý, thiết kế… đến nhận diện thương hiệu, quay phim, làm phim, thiết kế 3D… Chính vì sự đa dạng trong chương trình học như vậy nên sau năm thứ nhất, các bạn đã có đủ kiến thức để xin làm những công việc ‘part-time’. Hoàn là một trong những sinh viên như vậy”.
Nữ giáo viên này cũng tiết lộ, với nghề thiết kế đồ họa, trung bình sinh viên mới ra trường thu nhập tối thiểu từ 5-7 triệu đồng/ tháng. Nếu các em thành thạo những kỹ năng sâu hơn, mức thu nhập sẽ cao hơn, thậm chí có nhiều bạn sinh viên của trường đã đạt mức thu nhập gần 20 triệu đồng/ tháng.
“Bản thân tôi cũng có nhiều mối liên hệ với các doanh nghiệp, tôi nhận thấy các doanh nghiệp bây giờ dần dần không còn cần đến bằng cấp hay kinh nghiệm như trước nữa, mà họ sẽ nhìn vào thực tế xem sinh viên làm được cái gì”.