Dù cũng tuyên thệ nhậm chức, đệ nhất phu nhân không được coi là nhân viên chính thức của Nhà Trắng. Họ không được trả lương và phải đảm đương nhiều trách nhiệm.
Ngày 20/1/2021, theo lịch trình, Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ tuyên thệ nhậm chức tổng thống thứ 46 của Mỹ. Cùng với ông, bà Kamala Harris sẽ trở thành phó tổng thống. Bà Jill Biden – vợ ông Biden – cũng sẽ tham sự buổi lễ trọng đại này và tuyên thệ nhậm chức đệ nhất phu nhân.
Lương của tổng thống và phó tổng thống không phải điều bí mật, lần lượt là 400.000 USD/năm (cùng phụ cấp) và khoảng 235.100 USD/năm, theo USA Today.
Trong khi đó, dù cũng tuyên thệ nhậm chức, bà Jill Biden sẽ không nhận được đồng lương nào từ cương vị đệ nhất phu nhân.
Theo TIME, cố Tổng thống Ronald Reagan từng nói trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh năm 1982: “Với đệ nhất phu nhân, chính phủ có một nhân viên miễn phí. Họ cũng bận không kém gì chúng tôi”.
Công việc tiêu tốn toàn bộ thời gian
Dù không được trả lương, đệ nhất phu nhân có bản mô tả công việc khá dài, theo The List.
Nhà sử học Jean H. Baker cho biết vai trò này là “công việc tiêu tốn toàn bộ thời gian”. Do đó, nhiều đệ nhất phu nhân từng bỏ công việc bên ngoài Nhà Trắng để hỗ trợ chồng, duy trì trách nhiệm của đệ nhất phu nhân và đảm bảo vấn đề an toàn chung.
Ví như cựu Đệ nhất phu nhân Michelle Obama từng từ bỏ chức giám đốc điều hành ở Đại học Chicago, bà Hillary Clinton rời vị trí tại một công ty luật Arkansas để hỗ trợ chồng, theo Closer.
Về phần Jill Biden, bà có ý định tiếp tục công việc riêng – giáo sư ngành Anh ngữ tại Cao đẳng Cộng đồng Bắc Virginia.
“Nếu chuyển đến Nhà Trắng, tôi vẫn sẽ tiếp tục dạy học. Đây là công việc quan trọng. Tôi muốn mọi người trân trọng giáo viên và biết đến những cống hiến của họ”, bà nói với CBS.
Theo GS Katherine Jellison tại ĐH Ohio, nếu tiếp tục giảng dạy khi trở thành đệ nhất phu nhân, bà Jill Biden sẽ là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ nắm giữ vai trò này trong khi được trả lương bên ngoài Nhà Trắng.
Điều này không có gì ngạc nhiên bởi bà Jill vẫn làm công việc riêng ngay cả khi chồng giữ chức phó tổng thống dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama (2009-2017).
Đệ nhất phu nhân làm gì?
Theo Britanica, “mặc dù không được trả lương, trọng trách của đệ nhất phu nhân cung cấp nền tảng để họ tác động đến hành vi và quan điểm của nhiều người”.
Style Caster từng mô tả về các nhiệm vụ của đệ nhất phu nhân, bao gồm “tham dự các nghi lễ chính thức, điều hành chương trình phi lợi nhuận, phụ trách truyền thông, tổ chức các sự kiện, phò tá tổng thống và thiết kế nội thất”.
Dù phải đảm đương nhiều trách nhiệm, đệ nhất phu nhân không được trả lương là bởi họ không được chính thức bầu ra. Đó là vai trò được trao theo vị trí của người chồng. Bởi vậy, đệ nhất phu nhân không được coi là nhân viên chính thức của chính phủ.
Tuy nhiên, vai trò này đi kèm với sự giám sát 24/7. Họ sẽ sở hữu mật danh để bảo vệ hành tung cá nhân. Ví như bà Michelle Obama có tên là Renaissance, bà Melania Trump, đệ nhất phu nhân đương nhiệm, được gọi là Muse.
Ngoài ra, bạn đời của người quyền lực nhất xứ cờ hoa không được phép nhận quà tặng của chính phủ nước ngoài. Họ cũng không được phép tự ý mở cửa sổ trong nhà hay cửa kính ôtô. Nữ chủ nhân Nhà Trắng phải luôn gìn giữ truyền thống chọn chủ đề Giáng Sinh hàng năm.
Cựu Tổng thống Barack Obama từng dẫn chứng việc đệ nhất phu nhân không được hưởng lương, thưởng để làm nổi bật vấn đề phổ biến khi nói đến sự chênh lệch giới tính tại nơi làm việc.
“Michelle sẽ chỉ ra rằng các đệ nhất phu nhân không được trả đồng lương nào. Vì vậy, rõ ràng là không có mức trả công bằng trong Nhà Trắng khi nói đến cô ấy và tôi”, ông Obama nói trong tòa thị chính năm 2015 ở Bắc Carolina, theo CNN.
Thực tế, các đệ nhất phu nhân được chính phủ hỗ trợ một khoản ngân sách phục vụ cho chi phí thuê nhà, đi lại hay công du nước ngoài.