Nỗi nhớ nhà tăng lên nhiều lần vì năm nay có dịch Covid-19 nên chúng tôi không về được Việt Nam. Nước Anh thì đang phong tỏa lần thứ 3, cộng đồng người Việt Nam tại Anh cũng không thể gặp nhau.
Tôi được học bổng sang châu Âu du học từ 2006, sau khi tốt nghiệp Tiến sỹ thì làm ở trường Đại học Oxford (London, Vương Quốc Anh) và một số công ty tài chính đa quốc gia.
Một nửa thời sinh viên và toàn bộ quá trình xây dựng gia đình nhỏ cũng như đi làm gắn bó với nước Anh nên tôi có khá nhiều bạn bè ở Anh. Tuy vậy, tuổi thơ và nửa thời sinh viên còn lại của tôi gắn bó với quê hương Việt Nam yêu dấu nên mỗi dịp Tết đến tôi lại nhớ về quê hương.
Nỗi nhớ nhà tăng lên nhiều lần vì năm nay có dịch Covid-19 nên không về được Việt Nam và nước Anh thì đang phong tỏa lần thứ 3, cộng đồng người Việt Nam tại Anh cũng không thể gặp nhau. Tôi xin chia sẻ cái Tết Nguyên đán Tân Sửu của gia đình tôi cùng như một số gia đình người Việt ở Anh mà tôi biết với bạn đọc.
Thông thường các gia đình khi bắt đầu có con nhỏ sẽ cố gắng chuẩn bị Tết sao cho càng giống Việt Nam càng tốt để cho các con hiểu được văn hóa cội nguồn.
Học sinh ở Anh đi học có 3 kỳ và thường gia đình tôi sẽ cho các cháu về Việt Nam dịp Tết nếu may mắn ngày Tết gần với kỳ nghỉ ở trường. Năm nay nếu không có Covid thì các cháu chắc sẽ được đón Tết ở Việt Nam.
Để cả nhà cảm nhận được chút Tết thì nhà tôi có làm lễ cúng Ông Táo và Tất Niên. Từ hôm cúng Ông Táo cho tới mùng 1 Tết, vợ chồng tôi cho các cháu nói chuyện với ông bà ở Việt Nam nhiều hơn, cho xem các chương trình ca nhạc chào xuân, gặp gỡ cộng đồng người Việt tại Anh.
Ở Anh có cộng đồng người Việt khá lớn nên hầu hết mọi thứ cần thiết cho một bữa tất niên đều có thể mua được. Bánh chưng, giò, măng,… đều có thể mua dễ dàng hoặc mua nguyên liệu về tự làm. Khó nhất là tìm được một cây hoa giống cây mai, cây đào nhà mình. Nước Anh có nhiều hoa giống hoa đào nhưng cây thường to nên cũng không tiện hái cành. Ngày 30 Tết cả nhà rộn ràng nói chuyện với gia đình ở Việt Nam, chuẩn bị Tết, lì xì, đặc biệt năm nay vì Covid nên cả gia đình đều ở nhà nên không khí cũng ấm cúng hơn.
Năm 2020 cả thế giới chìm trong đại dịch và những gia đình người Việt tại Anh trở nên khá đặc biệt vì Việt Nam là nước chống dịch tốt nhất thế giới còn Anh Quốc là một trong những nước có tỷ lệ nhiễm cao nhất thế giới.
Khi đại dịch bùng lên rất nhiều người quen, đặc biệt là các bạn du học sinh, chào tạm biệt chúng tôi và nước Anh. Tuy vậy các gia đình có con nhỏ như nhà tôi thì vẫn ở lại vì còn công việc và học tập của vợ chồng và con cái. Đã 11 tháng tôi làm việc từ nhà và nước Anh hiện đang phong tỏa nghiêm ngặt nên cuộc sống có rất nhiều thay đổi.
Hai vợ chồng tôi đều làm online và các con thì học online toàn bộ. Chúng tôi cố gắng tìm hiểu các hoạt động khác nhau để giúp các con được phát triển tốt về cả sức khỏe và học tập. Trong tuần thì mỗi ngày tôi chỉ ra ngoài nửa tiếng đi dạo và tập thể dục.
Cuối tuần cả nhà ra công viên chơi vì mọi địa điểm văn hóa, giải trí đều đóng cửa. Tuy buồn vì đại dịch đã hạn chế rất nhiều hoạt động của cả gia đình, tôi thấy vui vì cả nhà có nhiều thời gian cho nhau hơn. Từ ngày có Covid các con học piano online với thầy giáo nhiều và chơi tốt hơn.
Các con còn sáng tạo ra việc mở cửa sổ chơi piano cho người qua đường nghe và gây quỹ từ thiện. Bằng việc chơi đàn hàng ngày trong một tuần, hai bé đã gây quỹ được hơn 100 bảng (khoảng 4 triệu VNĐ). Hơn thế nữa, điều ngạc nhiên nhất và cũng xúc động nhất cho cả nhà là có một bức thư nhỏ (trong ảnh) được thả vào hòm gây quỹ. Bức thư có thể tạm dịch sang tiếng Việt như sau:
Thân gửi các nhạc công piano đáng yêu. Các cháu chơi nhạc thật tuyệt vời. Tiếng đàn piano của các cháu giúp tâm hồn cô thêm tươi vui và xúc động. Cám ơn các cháu đã chia sẻ tài năng với tất cả hàng xóm quanh đây. Cô sống ở đường Cleveland Gardens và có thể nghe các giai điệu từ tiếng đàn của các cháu hàng ngày. Thật tuyệt vời! Cô Heather.
Tôi luôn suy nghĩ tích cực, cố gắng học tập và phát triển trong mọi hoàn cảnh. Khi mọi việc từ học tập đến công việc đều chuyển lên online, tôi nghĩ đây chính là cơ hội để giảm khoảng cách về giáo dục và công việc, thu nhập giữa các nước đang phát triển và các nước phát triển.
Các học sinh ở Việt Nam có thể học như ở Anh và các bạn muốn làm việc từ xa hoặc tìm đối tác với các nước khác cũng có nhiều cơ hội hơn. Vợ chồng tôi luôn muốn giúp đỡ các học sinh ở Việt Nam được hưởng nền giáo dục ở Anh dù là học online hay du học nên vợ tôi đã mở một cầu nối về giáo dục được hơn 3 năm.
Tôi nhận thấy học sinh Việt Nam rất thông minh nên nếu có cơ hội được tiếp xúc cách học tập và phương pháp tư duy mềm như học sinh Anh thì các em sẽ bộc lộ được nhiều tài năng.
Nhân dịp năm mới tôi xin chúc bạn đọc mạnh khỏe, hạnh phúc và gặp nhiều may mắn.
Vũ Quốc Huy (Tiến sỹ Đại học Oxford – từ London, Vương Quốc Anh)