Theo các chuyên gia, thí sinh nên cân nhắc thật kỹ để có sự lựa chọn ngành nghề phù hợp với năng lực của bản thân.
Có một thực trạng trong chọn nghề, chọn ngành, chọn trường của nhiều thí sinh là lựa chọn theo dư luận mà chưa một lần hỏi rằng mình có thật sự phù hợp và đủ sức theo đuổi hay không. Vậy chọn ngành nghề nên căn cứ vào các tiêu chí nào?
PGS.TS Bùi Đức Triệu – Trưởng phòng Quản lý Đào tạo (trường ĐH Kinh tế Quốc dân) cho rằng, trước đi đăng ký chọn ngành hay chọn trường thí sinh cần hết sức bình tĩnh, tự đặt câu hỏi xem ngành đó có hợp với năng lực, sở trường của mình hay không.
“Khi chọn ngành, chọn trường thí sinh có thể tuân thủ theo nguyên tắc 3 bậc: Cao hơn – ngang bằng – thấp hơn so với học lực, sở thích của mình để có thể đạt được nguyện vọng như mong muốn”, PGS.TS Bùi Đức Triệu lưu ý.
Còn PGS.TS Phạm Mạnh Hà – Khoa Quản lý Giáo dục, Trường ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội) thì cho biết một trong những tiêu chí quan trọng để chọn ngành học là nghiên cứu thị trường lao động, trong đó cần dự báo 4 – 5 năm sau khi thí sinh đã tốt nghiệp.
Nếu các em không nghiên cứu kỹ thị trường lao động thì ra trường khó xin được việc đúng chuyên ngành hoặc phải làm trái ngành.
“Tôi nghĩ rằng thí sinh không nên chạy theo những “ngành hot, nghề mốt” vì năm nay những ngành đó “hot” nhưng 4 – 5 năm sau, có thể nó sẽ bão hòa, do có nhiều trường đào tạo và nhiều người theo học.
Đó là chưa tính đến việc nó không phù hợp với năng lực bản thân, quá sức, thí sinh không yêu thích ngành đó. Khi đó cơ hội việc làm sẽ hạn chế, thậm chí các em khó có thể xin được việc làm tốt, với mức thu nhập cao và cống hiến hết mình cho công việc”, PGS.TS Phạm Mạnh Hà nói.
Theo PGS.TS Phạm Mạnh Hà, hiện nay nhiều ngành truyền thống, thậm chí có những ngành không hot nhưng rất “khát” nhân lực, khó trong việc tìm kiếm thí sinh.
Vậy tại sao các em không tìm hiểu để có thể lựa chọn theo học, vừa phù hợp với sở thích, sở trường, điều kiện gia đình, vừa có cơ hội việc làm tốt sau này? Thí sinh cần loại bỏ ngay suy nghĩ ỷ lại, chọn ngành vì mong muốn của gia đình.
Bởi lẽ trong việc chọn ngành nghề, bố mẹ không thể làm thay cho con cái cả đời. Mẫu số chung của những người tìm kiếm được việc làm và có mức lương cao là say sưa nghiên cứu và trải nghiệm công việc mình yêu thích ngay từ khi còn là sinh viên. Qua đó, các bạn tích lũy kỹ năng để thỏa mãn yêu cầu của nhà tuyển dụng.
Như vậy, để lựa chọn ngành nghề chính xác, học sinh cần lưu ý phải xuất phát lựa chọn ngành nghề dựa vào sở thích, sở trường của mình cũng như giá trị mà mình mong muốn. Bởi vì nghề nghiệp sẽ theo mình suốt cả cuộc đời, nếu không phù hợp bản thân sẽ không hạnh phúc khi làm, không gắn bó với nó và rất khó có thể cống hiến hết mình.
Ngoài ra, khi lựa chọn nghề, thí sinh cần mở rộng diện ngành nghề lựa chọn, lĩnh vực để làm cơ sở chọn ngành, từ đó dẫn đến chọn chuyên môn và cuối cùng là chọn trường phù hợp.