Trong bản thông tin một số vấn đề cử tri quan tâm về lĩnh vực giáo dục và đào tạo vừa qua, Bộ GD&ĐT khẳng định kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Ngân hàng Thế giới đã khẳng định 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương.
Việt Nam đang ở đâu trên bản đồ giáo dục thế giới?
Trong đó, sự phát triển ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Việt Nam. Trước đó, thông tin “hệ thống giáo dục Việt Nam nằm ở hàng đầu thế giới” xuất hiện trên mạng cũng đang gây chú ý. Và dư luận rất băn khoăn với kết quả này.
Vậy Ngân hàng Thế giới thực chất đánh giá giáo dục Việt Nam như thế nào? Theo tìm hiểu của Tiền Phong, báo cáo được nói ở trên được lấy từ một đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB) có tên “Báo cáo Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á – Thái Bình Dương” công bố hồi tháng 3/2018. Mở đầu, báo cáo này viết: Khu vực Đông Á và Thái Bình Dương có 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu trên thế giới, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam”.
Những phân tích và diễn giải của WB được tham khảo từ các kết quả của chương trình đánh giá quốc tế đã được chuẩn hóa (mà tiêu biểu là Chương trình Đánh giá học sinh quốc tế (Programme for International Student Assessment – PISA) là một khảo sát quốc tế do tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (Organisation for Economic Co-operation and Development – OECD) đề xuất, để đánh giá khả năng của học sinh 15 tuổi của các nước và vùng lãnh thổ trong và ngoài OECD, về toán, khoa học và đọc hiểu).
Dẫn chứng từ những số liệu cụ thể
Báo cáo dẫn số liệu của USIS Education, khoảng 331 triệu trẻ em ở khu vực Đông Á – Thái Bình Dương đang ở độ tuổi đến trường, chiếm khoảng 1/4 thế giới. 40% trong số này đang theo học trong các trường thuộc các hệ thống giáo dục có thành tích học tập cao hơn mức trung bình của OECD, gồm cả các nước có thu nhập trung bình như Trung Quốc và Việt Nam.
Chẳng hạn, đến năm 10 tuổi, một học sinh trung bình ở Việt Nam vượt trội hơn tất cả các học sinh hàng đầu ở Ấn Độ, Peru và Ethiopia. Cụ thể, hệ thống giáo dục của các quốc gia Đông Á – Thái Bình Dương được chia làm 4 nhóm: Các thệ thống giáo dục hàng đầu, các hệ thống giáo dục trên mức trung bình, các hệ thống giáo dục dưới mức trung bình, hệ thống giáo dục biệt lập.
Theo phân loại trên, điểm số của các hệ thống giáo dục hàng đầu luôn cao hơn điểm trung bình của các nước thành viên OECD hơn một nửa độ lệch chuẩn (tương đương 1,6 năm học); Điểm số của các hệ thống giáo dục trên mức trung bình luôn cao hơn điểm trung bình của các nước thành viên OECD gần một nửa độ lệch chuẩn; Điểm số của hệ thống giáo dục dưới mức trung bình luôn thấp hơn điểm trung bình của OECD ít nhất một nửa độ lệch chuẩn;
Các hệ thống giáo dục biệt lập không thường xuyên tham gia các cuộc khảo thí tương đương đã được chuẩn hóa toàn cầu, tuy nhiên bằng chứng từ các nguồn khác cho thấy kết quả học tập rất khiêm tốn.
Nhưng nhiều quốc gia trong khu vực không đạt được kết quả như mong muốn. Ở Indonesia, ví dụ, điểm kiểm tra cho thấy sinh viên chậm hơn ba năm so với các đồng nghiệp có thành tích tốt nhất trong khu vực. Ở các quốc gia như Campuchia và Đông Timor, một phần ba hoặc nhiều học sinh lớp hai không thể đọc được một từ nào trong bài kiểm tra đọc.
Một phát hiện quan trọng khác của báo cáo là trên toàn khu vực, thu nhập hộ gia đình không nhất thiết quyết định thành công giáo dục của trẻ em. Ở Việt Nam và Trung Quốc (Bắc Kinh, Thượng Hải, Giang Tô và Quảng Đông), chẳng hạn, học sinh từ các hộ nghèo cũng làm như vậy, nếu không tốt hơn, cả về toán và khoa học, so với học sinh trung bình ở OECD.
Theo WB, thành tích ở Việt Nam và Trung Quốc được đánh giá là “đặc biệt đáng khích lệ” trong bối cảnh các quốc gia/ khu vực này có thu nhập bình quân đầu người thấp hơn và thiếu nguồn lực cho giáo dục so với các nước khác.