Nhấn mạnh cuộc thi Cuộc đua số của Việt Nam là một sân chơi công nghệ tiên phong và đẳng cấp toàn cầu, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho biết trên thế giới hiện đang có 3 cuộc thi lập trình cho xe tự hành.
Cũng trong phát biểu tại vòng Chung kết cuộc thi Cuộc đua số năm 2018-2019 diễn ra tối qua, ngày 25/5/2019 tại Hà Nội, Chủ tịch FPT Trương Gia Bình chia sẻ, chúng tôi tin rằng một dân tộc hiếu học và yêu thích Toán như Việt Nam hoàn toàn có tiềm năng và phải ấp ủ một khát vọng lớn lao, sẽ vươn lên trở thành một dân tộc tiên tiến trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo (AI) – “trái tim” của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. “Nếu chúng ta làm được việc này thì Việt Nam sẽ thực hiện được mục tiêu trở thành quốc gia hùng cường, dân tộc phồn thịnh vào dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước”, ông Bình nói.
Nói về Cuộc đua số – cuộc thi lập trình xe tự hành dành cho sinh viên được FPT khởi xướng tổ chức từ năm 2016 đến nay, ông Bình cho rằng, Cuộc đua số là sân chơi đẳng cấp quốc tế. Thế giới hiện đang có 3 cuộc thi lập trình xe tự hành tương tự như vậy, đó là cuộc thi do hãng xe Audi tổ chức dành cho sinh viên tại Đức, cuộc thi của Amazon dành cho các lập trình viên của Mỹ và Cuộc đua số do FPT tổ chức dành cho sinh viên Việt Nam và quốc tế.
Theo ông Bình, tại vòng Chung kết Cuộc đua số mùa thứ ba, với việc có sự góp mặt của 2 đội tuyển sinh viên quốc tế đến từ ĐH Greenwich (Anh) và ĐH Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (Nga), cuộc thi này đã trở thành sân chơi quốc tế.
“Việt Nam đã có một sân chơi công nghệ tiên phong và đẳng cấp toàn cầu. Nhà Vô địch của Cuộc đua số năm nay ngoài giải thưởng về vật chất và được trải nghiệm tại Mỹ, quan trọng hơn là các bạn có được học bổng để đảm bảo trở thành Tiến sĩ về Trí tuệ nhân tạo để nâng cao hơn nữa trình độ của mình và đóng góp cho đất nước. Các sinh viên chiến thắng từ của cuộc thi này chỉ là một phần, quan trọng hơn cả là chúng ta đã chiến thắng về ý chí, khát vọng để đưa Việt Nam vươn lên”, ông Bình nhấn mạnh.
Phó Giám đốc Học viện Kỹ thuật Quân sự Lê Minh Thái cũng cho rằng: “Mỗi đội đến đây hôm nay đều đã là đội chiến thắng. Các em đại diện cho tinh thần sáng tạo, nghiên cứu công nghệ mới của Việt Nam”.
Như ICTnews đã thông tin, Cuộc đua số mùa thứ ba đã khép lại với chiến thắng của đội MTA_R4F gồm 4 sinh viên năm thứ ba và thứ tư của Học viện Kỹ thuật Quân sự. Xúc động khi trở thành nhà Vô địch cuộc đua số 2018-2019, sinh viên Lại Tiến Đệ, đội trưởng của MTA-R4F, Học viện Kỹ thuật Quân sự chia sẻ, sau 2 năm tham dự Cuộc đua số, cuối cùng những nỗ lực của cả đội đã có được kết quả tốt nhất. Năm nay, đề thi khó hơn khi Ban tổ chức đưa ra bài toán tự định vị xe. Tuy nhiên, MTA-R4F đã vượt qua được và bước lên được đỉnh cao nhất là bởi đã có một nền tảng kiến thức vững chắc đã được xây dựng và rèn luyện từ cuộc thi năm trước.
Sinh viên Hoàng Anh đến từ Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông – ngôi trường có 1 đội thi đạt giải Nhì và 1 đội có tên trong Top 5 đội xuất sắc trong vòng Chung kết Cuộc đua số năm nay, cũng đưa ra nhận định: “Năm nay đề thi khá khó và thách thức nhưng hấp dẫn hơn rất nhiều. Năm trước, Ban tổ chức chỉ yêu cầu thí sinh lập trình để xe di chuyển được trên cung đường đã biết trước, vượt chướng ngại vật… thì năm nay xe phải tự định vị được mình đang ở đâu, và tìm được đoạn đường đi ngắn nhất đến được đích. Đây là những bài toán hết sức thực tế”.
Là thành viên của 1 trong 2 đội quốc tế tham dự vòng Chung kết Cuộc đua số mùa thứ ba, sinh viên Leo Davydenko của ĐH Tổng hợp Liên bang Viễn Đông (Nga) cho biết: “Tôi rất ấn tượng với cuộc thi này bởi nó có giá trị công nghệ cao. Chúng tôi được trải nghiệm các công nghệ rất mới, rất thú vị, đặc biệt là được áp dụng công nghệ tự hành đang rất mới, vào thực tế. Các bạn sinh viên Việt Nam rất giỏi”.
Cuộc đua số mùa thứ ba khép lại đã đánh dấu một bước trưởng thành mới cho nhiều sinh viên công nghệ. Từ sân chơi này, các sinh viên đã được học hỏi, tiếp cận và thực hành những công nghệ mới nhất trên thế giới. Đến nay, sinh viên Việt Nam đã không chỉ có kiến thức cơ bản về công nghệ tự hành tiêu chuẩn mà còn có thể ứng dụng để giải quyết một số bài toán về xe tự hành trên thực tế.
Bên cạnh đó, với Cuộc đua số, các sinh viên còn được cọ sát với môi trường toàn cầu khi thi đấu với các đội thi quốc tế, được thăm quan, trải nghiệm tại các quốc gia hàng đầu về công nghệ như Mỹ, Nhật… Từ đó, ngoài tri thức, họ có được sự tự tin, các kỹ năng làm việc nhóm để sẵn sàng tham gia vào công cuộc chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.
Không chỉ là sân chơi công nghệ dành cho sinh viên, Cuộc đua số còn truyền cảm hứng cho rất nhiều bạn trẻ tham gia nghiên cứu, phát triển và ứng dụng các công nghệ mới, đặc biệt trong lĩnh vực tự hành.
Cụ thể, thời gian qua, đã có nhiều câu lạc bộ (CLB) nghiên cứu về robot, xe tự hành được hình thành tại các trường đại học như CLB Xe tự hành tại ĐH FPT, CLB Comlap về xe tự hành của ĐH Lạc Hồng… Một số trường đại học đã mạnh dạn đầu tư trang bị xe mô hình và tổ chức cuộc thi Cuộc đua số ở phạm vi cấp trường, giúp sinh viên nâng cao khả năng học tập, phát triển công nghệ mới như ĐH Thông tin liên lạc…