Hiện nay lượng thông tin du học trên mạng lẫn bên ngoài có ‘cả rừng’, trong đó nhiều điều thật giả, thậm chí mâu thuẫn nhau. Phải tìm kiếm thông tin thế nào để chọn được trường, ngành phù hợp?
Lên kế hoạch đi du học, hay thậm chí mới chỉ có ước mơ đi du học, là một định hướng tốt đẹp, được cộng đồng cổ vũ mạnh mẽ vì chứng tỏ bạn muốn sử dụng tuổi trẻ của mình cho những điều tích cực, khám phá tri thức mới trong một không gian lớn hơn rất nhiều. Nhưng bắt đầu từ đâu, tìm kiếm thông tin như thế nào giữa một “rừng” thông tin du học bao gồm rất nhiều điều thật giả, thậm chí mâu thuẫn nhau?
Trước hết, phải biết “hỏi anh Google”!
Nói về nguồn tin đáng tin cậy, trước hết phải kể đến các tổ chức độc lập, phi lợi nhuận, các tổ chức chính thống phục vụ lợi ích cộng đồng không vụ lợi. Các tổ chức này trước tiên là cơ quan đại diện chính thức của chính phủ các nước (nguồn tin chính thống) như bộ ngoại giao, cơ quan phát triển giáo dục, văn hóa của chính phủ đó ở hải ngoại.
Ví dụ, các bạn du học Mỹ thường tìm đến Phòng thông tin văn hóa Hoa Kỳ thuộc Đại sứ quán (lãnh sự quán) Mỹ. Các bạn đi du học Anh sẽ được trợ giúp và cung cấp rất nhiều thông tin bởi Hội đồng Anh, cơ quan phát triển văn hóa, giáo dục của Chính phủ Anh ở các nước, trong đó có Việt Nam.
Tương tự như vậy với các cơ quan trao đổi văn hóa, giáo dục của các chính phủ tại Việt Nam như Campus France, Viện Pháp ngữ (Pháp), DAAD, Viện Goethe (Đức), IDP (Úc)…
Một nguồn thông tin nữa mà các bạn không nên bỏ qua là từ phía các cơ quan giáo dục chính thức của Việt Nam như Cục Hợp tác quốc tế, Bộ GD-ĐT (https://vied.vn/vi/) hoặc phòng hợp tác quốc tế các trường ĐH trong nước.
Tuy nhiên, các tổ chức lớn và uy tín kể trên chỉ cung cấp thông tin chung về hệ thống giáo dục, hệ thống trường học nói chung, việc chuẩn bị ngôn ngữ, thủ tục visa, thông tin một số trường ĐH lớn. Họ không thể tư vấn chi tiết cho từng trường hợp cụ thể của bạn, ví dụ như lộ trình du học của riêng bạn, việc nộp đơn, học tập và ăn ở của bạn ở một trường cụ thể.
Do vậy, bạn cần có nghiên cứu của riêng mình. Các cụm từ mà bạn nên tìm kiếm trên mạng là: “thủ tục du học ở nước…”, “cách nộp đơn vào ĐH…”, “chi phí du học ở…”, “hội sinh viên trường ĐH…”, “hội sinh viên du học tại nước…”… Các diễn đàn, các hội sinh viên, các hội cựu du học sinh là những nguồn thông tin bổ sung quý giá mà bạn cần hướng tới.
Cũng cần lưu ý một nguồn thông tin cá nhân không bao giờ là đủ vì việc học, lộ trình học, trải nghiệm học tập và du học là khác nhau ở từng người, mọi chia sẻ trên các diễn đàn chỉ để bạn tham khảo. Do vậy, bạn cần tìm hiểu hàng trăm, thậm chí hàng ngàn ý kiến trái chiều khác nhau trên các diễn đàn mới có cơ sở để tự kết luận được thông tin nào là phù hợp và đáng tin đối với bạn.
Mạnh dạn và chủ động
Sau khi đã biết rõ mình muốn học ngành gì, học ở nước nào, ở những trường cụ thể nào, bạn hãy viết email hỏi trực tiếp bộ phận tuyển sinh của trường ĐH đó (bạn cần chuẩn bị đủ ngoại ngữ cho việc này).
Thông thường, họ sẽ tư vấn riêng cho bạn, cung cấp cho bạn những tài liệu và hướng dẫn cập nhật nhất, chi tiết cho riêng khóa học bạn mong muốn chứ không còn chung chung nữa.
Bạn nên để trong kế hoạch khoảng thời gian một vài tháng cho việc trao đổi với trường. Một trường ĐH thường rất lớn, sự khác biệt giữa các trường thành viên, các phân khoa, thậm chí giữa các khóa học là rất lớn, do vậy những thông tin mà bạn biết về trường trước đây qua nguồn đại sứ quán, tổ chức phát triển văn hóa hay các hội sinh viên có thể khá chung chung.
Sau cùng, một nguồn bổ sung là các công ty tư vấn thông tin du học. Mặc dù một số công ty du học sẽ khiến bạn thấy những thông tin họ đưa ra mang tính quảng cáo, có tính thương mại và không vì sinh viên, nhưng vẫn có những công ty du học nhiều kinh nghiệm và uy tín có thể mang lại nhiều lợi ích cho bạn.
Trước tiên là các hội thảo miễn phí do các công ty du học tổ chức. Trong những buổi hội thảo hoặc ngày hội du học, bạn có thể được gặp gỡ đại diện tuyển sinh của các trường ĐH, hoặc nghe câu chuyện và phỏng vấn trực tiếp với một số cựu du học sinh thành công, hoặc nghe các chuyên gia tư vấn chia sẻ kinh nghiệm xin visa, làm hồ sơ du học, chuẩn bị điểm thi các kỳ thi chuẩn…
Quan trọng là bạn phải tìm được công ty du học uy tín. Thông thường, một công ty có lịch sử trên 10 năm sẽ cho bạn có được thông tin để kiểm chứng trong quá khứ, công ty đó có giúp đỡ được du học sinh đi học không, họ được khen chê cụ thể như thế nào.
Với chiến lược tìm hiểu thông tin du học từ trước khi du học 2-3 năm và tham khảo nhiều nguồn thông tin cùng lúc, các bạn trẻ có dự định du học sẽ làm chủ được nguồn thông tin khổng lồ về du học hiện nay, để tìm cho mình được một “bến đỗ” phù hợp nhất ở giảng đường ĐH nước ngoài.
Một cách chuẩn bị bài bản
Có một bạn du học sinh chia sẻ cách bạn đi du học như thế này: Đầu tiên, bạn làm một số bài trắc nghiệm để biết mình thuộc mẫu người gì, phù hợp với nghề nghiệp gì, sau đó bạn chọn ra một số ngành học mục tiêu. Tiếp đó, bạn tìm hiểu nhiều bảng xếp hạng các trường đào tạo chuyên ngành bạn mong muốn học để chọn ra những trường phù hợp sức học của mình.
Khi đã chọn được một số trường, bạn liên lạc thẳng với trường để hỏi các thông tin về nộp hồ sơ, chính sách học bổng, học phí, việc ăn ở… Cuối cùng là bạn tìm hiểu thông tin du học sinh Việt Nam đã và đang học ở trường của bạn, ngành của bạn đánh giá thế nào về trường. Từ đó, bạn lên được kế hoạch tự mình chuẩn bị các khóa học ngôn ngữ, còn một số thủ tục khác về chứng minh tài chính, bạn tham khảo một công ty tư vấn du học.
>>> Xem thêm: USIS Education và con đường hiện thực hóa giấc mơ du học Mỹ
Nguồn: Bùi Khánh Nguyên