Quyết định rời nước Mỹ phồn hoa, bỏ lại sau lưng sự nghiệp đang trên đỉnh cao, Giáo sư Võ Văn Tới đã trở về quê hương sau hơn 40 năm xa xứ.
Rời “thiên đường” vì thương nhớ quê hương
Năm 1968, chàng thanh niên trẻ Võ Văn Tới sang Thụy Sỹ du học, nuôi ước mơ theo đuổi một ngành học đặc biệt, sau này có thể mang về áp dụng tại quê hương.
>>> Tìm hiểu các ngành học tại Mỹ
Hoàn thành bằng kỹ sư và sau đó là chương trình Tiến sĩ tại Đại học Bách khoa Liên bang Lausanne (Thụy Sỹ) ngành kỹ thuật chính xác (Micro-Engineering), ông sang Mỹ tiếp tục sự nghiệp nghiên cứu theo Chương trình Khoa học sức khỏe và Công nghệ, do hai ngôi trường danh tiếng là Đại học Harvard và Học viện Kỹ thuật Massachusetts (MIT) tổ chức. Sau đó, ông làm việc cho trường Tufts với tư cách là giảng viên Đại học.
Ở trời Tây, GS. Võ Văn Tới có một sự nghiệp rực rỡ. Ông là chủ nhân của nhiều phát minh được Mỹ cấp bằng sáng chế như máy nhỏ thuốc tự động, ánh sáng chớp tắt, máy đo số lượng và vận tốc của bạch huyết cầu trong mắt… Thời gian giảng dạy tại ĐH Tufts, ông từng được trao giải “Giáo sư giỏi nhất” năm 2004.
Được làm công việc mình yêu và đạt nhiều thành tựu đáng mơ ước, có địa vị trong xã hội, song trong hàng chục năm sống ở những quốc gia được coi là “thiên đường” trong mắt nhiều người, GS. Võ Văn Tới chưa bao giờ thôi tự hỏi: “Là người Việt Nam, tại sao mình lại sống bên đây?” Bởi với ông, quê hương vẫn là chốn thân quen nhất, nơi mà ông yêu từ “những nẻo đường lầy lội sau mưa” cho đến “tiếng cãi nhau” của những người đồng hương. Trong tâm trí ông, dù khi ấy đất nước chưa thống nhất, nhưng tình người vẫn luôn đong đầy, điều khó có thể tìm thấy ở đất khách…
Đi thật xa để trở về
Con đường về với Tổ quốc của GS.Tới chính thức được bắt đầu vào năm 2004, khi Tổng thống Mỹ J.Bush bổ nhiệm ông làm thành viên hội đồng quản trị Quỹ Giáo dục Việt Nam (VEF). 3 năm sau, ông trở thành Giám đốc điều hành VEF.
Ở vị trí này, GS.Tới đã đề ra ý tưởng và triển khai nhiều sáng kiến đóng góp cho quê hương như dự án “On the way home” – Đường về tổ quốc, “kim chỉ nam” đắc lực giúp các nghiên cứu sinh có thể cống hiến kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn của mình cho quê hương.
“Nếu về nước mà không làm được gì, thì không biết ăn nói làm sao với người thân, với những người đặt kỳ vọng vào mình và với chính bản thân”, vị giáo sư tâm sự.
Sau này, nhận thấy tiềm năng và cơ hội phát triển thành công ngành kỹ thuật y sinh tại Việt Nam, ông đã đề nghị sự giúp đỡ từ Giám đốc Đại học Quốc gia TP.HCM, cho phép đưa bộ môn này vào giảng dạy thử nghiệm tại Trường đại học Quốc tế.
Nhưng khó khăn đầu tiên mà GS. Tới vấp phải khi triển khai bộ môn kỹ thuật y sinh là vấn đề thủ tục, bởi muốn tuyển sinh, phải có mã ngành, mà tìm trong các văn bản quy định đều không có. Khi đó, Đại học Quốc gia TP.HCM phải xin phép Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép thí điểm với mã ngành mới. Sau vài năm, mã ngành mới được đưa ra.
Thời kỳ đầu, GS. Tới đã phải đích thân tìm kiếm, đào tạo giảng viên và mời đội ngũ chuyên môn từ các trường đại học lớn trên thế giới đến thỉnh giảng trực tiếp hoặc trực tuyến.
Hiện tại, ở tuổi 70, GS. Võ Văn Tới đang đảm nhiệm vai trò trưởng bộ môn kỹ thuật y sinh, vẫn miệt mài thực hiện những dự định của mình. Tâm niệm của ông là sẽ cùng học trò sáng tạo những sản phẩm y khoa “made in Vietnam” và đưa những sản phẩm này ra thị trường.
“Tôi muốn phát triển những dự án đặc thù mang tính chất Việt Nam, nghĩa là đi vào những đề tài ở nơi khác chưa có. Như thế mới hấp dẫn, thu hút được nghiên cứu sinh nước ngoài về góp sức.
Sau 10 năm, ngành kỹ thuật y sinh đã được nhân rộng trong nước. Từ chỗ mới mẻ, xa lạ, nay tại Việt Nam đang có ngày càng nhiều trường Đại học đưa ngành này vào danh sách nhóm ngành tuyển sinh. Sinh viên tốt nghiệp cũng dễ dàng tìm được việc cũng như giành được nhiều suất học bổng du học.
10 năm qua, GS.Võ Văn Tới vẫn vậy. Ông sống giản dị trong một căn nhà nhỏ thuê trên đường Nguyễn Kiệm. Ngày ngày, ngoài giờ giảng dạy, nghiên cứu, ông cũng xách làn đi chợ, tự nấu ăn. Sống xa gia đình, nhưng được làm công việc mình yêu thích, cống hiến hết mình cho quê hương, nên tinh thần ông rất thoải mái, không cảm thấy cô đơn. GS. Võ Văn Tới chia sẻ, ông không hối tiếc bất cứ điều gì sau một thập kỷ trở về Việt Nam.
Tìm hiểu thêm: Nhìn lại những tấm gương sáng của du học sinh Việt tại Mỹ: Những cánh chim không mỏi