Vinh dự nhận Giải thưởng khoa học Quả cầu Vàng 2020, TS. Đặng Đức Huy cho rằng nếu không có gia đình và bạn bè động viên trong suốt những năm tháng du học và làm việc ở nước ngoài thì không thể có anh của ngày hôm nay.
Là một trong hai trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài được vinh danh giải thưởng Quả cầu Vàng dành cho 10 thanh niên làm khoa học xuất sắc nhất năm 2020, TS. Đặng Đức Huy cho biết vì hoàn cảnh dịch bệnh và sinh sống tại Canada xa xôi, anh không thể có mặt ở Việt Nam để nhận giải. Anh cho biết, đây là niềm vinh dự anh muốn tặng lại cho người thân và bạn bè – những người đã có ảnh hưởng rất lớn, cũng như chứng kiến cả chặng đường dài phấn đấu của anh.
Từ anh chàng rửa bát thuê
Vừa tốt nghiệp Trường THPT Chu Văn An (Hà Nội), Đặng Đức Huy lựa chọn cho mình con đường du học Pháp. Để có thể thực hiện ước mơ của mình vào năm 2006, Huy quyết định vay 2.000 Euro từ người thân cùng sự giúp đỡ của gia đình một người chị họ ở Pháp.
Và rồi, trong suốt năm năm đầu tiên sống ở Pháp, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, chàng trai ấy đã đi làm thêm tất cả các buổi tối và cuối tuần. Mỗi ngày, anh đều lên lớp từ tám giờ sáng đến năm rưỡi tối và từ sáu giờ tối, anh tiếp tục làm công việc rửa bát ở nhà hàng…
Tại Đại học Toulon (Pháp), Huy chọn ngành Sinh học và khoa học sự sống với mong muốn tìm hiểu về các cơ chế sinh học tế bào và miễn dịch để tìm ra phương pháp kiểm soát ung thư. Dù phải đi làm thêm nhiều nhưng anh vẫn đến lớp đầy đủ và còn khiến nhiều bạn bè quốc tế nể phục vì thành tích học tập xuất sắc, lọt top đầu của lớp.
Sau khi hoàn thành bằng cử nhân, Huy tiếp tục học thạc sĩ tại Đại học Toulon, ngành Hóa học môi trường. Năm 2011, anh tốt nghiệp thủ khoa và nhận được học bổng tiến sĩ của Bộ Giáo dục và Đào tạo Pháp. Luận án tiến sĩ của Huy tiếp tục nhận Giải thưởng luận án tiến sĩ xuất sắc của Hội Hóa học Pháp vùng PACA.
Kết quả luận án này đã chứng minh cho Hội đồng Vùng duyên hải phía Nam nước Pháp thấy được tác động của ô nhiễm kim loại lên đa dạng sinh học, và đặc biệt là sức khỏe con người ở vùng duyên hải Địa Trung Hải. Không chỉ vậy, công bố quốc tế của Đặng Đức Huy trên tạp chí Environmental Science & Technology về đồng vị chì (Pb) trong môi trường trầm tích, nước và sinh vật biển đã góp phần thúc đẩy Chính quyền vùng PACA chi 93 triệu Euro nhằm nghiên cứu phục hồi môi trường biển ở cảng Toulon để giảm thiểu tác động của ô nhiễm chiến tranh.
… đến Giáo sư trẻ nhất Đại học Trent
Sở hữu 17 bài báo khoa học đã công bố trên các tạp chí khoa học thế giới, nhưng Đặng Đức Huy vẫn muốn thay đổi để thử thách bản thân khi chọn nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Đại học Trent (Canada) từ năm 2015 – trường đại học đứng đầu bang Ontario ở mảng giáo dục đại học và nổi tiếng với các nghiên cứu về môi trường, máy móc và hạ tầng.
Vào giữa năm 2019, ở tuổi 31, anh trở thành Giáo sư trẻ nhất của Đại học Trent. Tại đây, ngoài công việc giảng dạy, hướng dẫn sinh viên, anh còn sở hữu một phòng thí nghiệm và dẫn dắt một nhóm nghiên cứu trong lĩnh vực hóa học môi trường.
Nói về những tâm huyết trong nghiên cứu khoa học, Huy cho biết anh sẽ hướng đến các vấn đề ô nhiễm của tương lai và sẽ đẩy mạnh nghiên cứu ở Việt Nam, đặc biệt là về vấn đề ô nhiễm rác thải công nghệ và sử dụng tài nguyên nước.
Trong thời gian tới, anh cùng các đồng nghiệp ở Đại học Quốc gia Hà Nội sẽ tiến hành nghiên cứu đánh giá tác động môi trường ở vùng duyên hải phía Bắc của Việt Nam, đặc biệt là vùng cảng Hải Phòng có các trung tâm công nghiệp, công nghệ cao.
Mong muốn của nhóm nghiên cứu là đánh giá một cách toàn diện các tác động từ con người lên môi trường biển, đa dạng sinh học biển, tài nguyên thiên nhiên và quan trọng nhất là giảm thiểu ảnh hưởng lên tài nguyên quốc gia, chính là sức khỏe của con người Việt Nam.
TS. Đặng Đức Huy hy vọng, định hướng nghiên cứu này sẽ giúp cho đất nước có thể phát triển kinh tế, đặc biệt là các ngành công nghiệp công nghệ cao một cách bền vững, nghĩa là sẽ không phải đánh đổi tài nguyên thiên nhiên và sức khỏe con người Việt Nam để tăng trưởng kinh tế. Định hướng này cũng phù hợp với xu thế phát triển bền vững của thế giới.
“Điều cần thiết nhất của người làm khoa học là tính trung thực, dám đối mặt với bệnh thành tích. Đặc biệt, những người chọn con đường nghiên cứu khoa học phải thực sự có đam mê, nên giữ cho mình sự hiếu kỳ và quan trọng nhất vẫn là giữ được đạo đức, tính sáng tạo khi làm khoa học”, anh chia sẻ.