Theo Giám đốc fintech của Cơ quan tiền tệ Singapore, khi fintech toàn cầu bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định, điều quan trọng là phải thiết lập một lực lượng lao động chuyên nghiệp.
Một bộ chứng chỉ chuyên nghiệp ngành kỹ thuật công nghệ tài chính đặc cách (CFtP) mới sẽ được áp dụng nhằm xây dựng và phát triển các chuyên gia kỹ thuật công nghệ tài chính (fintech) ở Singapore và Trung Quốc, đồng thời xây dựng nguồn nhân tài fintech quốc tế một cách ổn định.
Bộ chứng chỉ này sẽ do Viện nghiên cứu FinTech Toàn cầu (GFI), Đại học Khoa học Xã hội Singapore (SUSS) và Viện Trung tâm Tài chính quốc tế Thượng Hải (SIIFC) thuộc Đại học Tài chính và Kinh tế Thượng Hải (SUFE) triển khai. Ba đối tác nói trên đã ký kết bản ghi nhớ cho sự hợp tác phát triển bộ chứng chỉ này.
Theo phóng viên TTXVN tại Singapore, Chứng chỉ CFtP có mục đích thúc đẩy lĩnh vực fintech và nâng cao cấp độ chuyên nghiệp hóa trong ngành này. Ngoài ra, chứng chỉ CFtP cũng đưa ra lộ trình cho các chuyên gia trong các ngành nghề khác được tham gia vào ngành nghề fintech.
Chương trình cấp CFtP sẽ có 2 mức độ, bao phủ các chủ đề về tài chính, kỹ thuật cộng nghệ tài chính, các ứng dụng và các hoạt động thực hành nghề nghiệp. Các ứng cử viên sẽ chỉ được trao chứng nhận khi họ hoàn thành toàn bộ các đánh giá đối với cả 2 cấp độ và đáp ứng các yêu cầu về kinh nghiệm.
Giám đốc fintech của Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS) Sopnendu Mohanty cho rằng khi ngành công nghiệp fintech toàn cầu bước vào giai đoạn tăng trưởng ổn định, điều quan trọng là phải thiết lập một lực lượng lao động chuyên nghiệp và chất lượng cao nhất quán để tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiến bộ này.
Đồng sáng lập và là chủ tịch GFI David Lee cho biết viện GFI đang kỳ vọng việc hiện thực hóa tiềm năng khổng lồ của ngành fintech và nhu cầu đối với nhân lực fintech, đặc biệt trong bối cảnh Singapore và một số thành phố của Trung Quốc (trong đó có Thượng Hải) đang hướng đến mục tiêu trở thành các trung tâm fintech hàng đầu./.