Chuyên ngành mới sẽ chiêu mộ những người yêu thích võ thuật từ khắp nơi trên thế giới. Song chương trình học dự kiến vẫn được truyền tải bằng tiếng Trung.
Thiếu Lâm Tự ở tỉnh Hà Nam, miền Trung Trung Quốc và Đại học Hà Nam đã đạt được thỏa thuận cùng nhau mở một chuyên ngành mới về Kung Fu Trung Quốc vào ngày 29/12, Global Times đưa tin.
Chuyên ngành mới sẽ chiêu mộ những người yêu thích võ thuật từ khắp nơi trên thế giới. Song chương trình học dự kiến vẫn được truyền tải bằng tiếng Trung.
Sinh viên có thể học để lấy bằng cử nhân, thạc sĩ và tiến sĩ hoặc theo học không bằng cấp, Đại học Hà Nam thông báo vào ngày 28/12.
Tuy nhiên, cho đến nay, thông tin về điều kiện tuyển sinh, chương trình giảng dạy, cách đánh giá thành tích sinh viên, điều kiện tốt nghiệp vẫn chưa được công bố.
Tin tức này đã làm dấy lên các cuộc thảo luận sôi nổi trên mạng, với nhiều ý kiến cho rằng việc đào tạo võ thuật như vậy sẽ vô dụng và không còn thực tế trong thời hiện đại, thậm chí là lãng phí nguồn lực giáo dục.
Một cư dân mạng Trung Quốc bình luận: “Tại sao không sử dụng tài nguyên giáo dục vào các nghiên cứu hàn lâm hoặc đổi mới công nghệ”.
“Chương trình tiến sĩ có phải nghiên cứu học thuật cấp tiến sĩ không? Nếu chỉ là võ thuật thì thực sự đây là mánh lới quảng cáo”, một cư dân mạng khác viết.
Một số ý kiến khác cũng bày tỏ lo lắng về việc thành lập chuyên ngành mới, cho rằng đây là một chiêu trò lừa đảo công khai và vì lợi nhuận kinh tế.
Tranh cãi
Thông tin thành lập ngành học Kung Fu xuất hiện sau khi Ma Baoguo, võ sư Kung Fu, bị chỉ trích vì phá hủy văn hóa truyền thống và quảng bá “các giá trị võ thuật biến dạng”.
Ma đã bị hạ gục trong vòng 30 giây khi thách đấu với một huấn luyện viên kick boxing 50 tuổi ở tỉnh Sơn Đông, miền Đông Trung Quốc vào tháng 5, nhưng sau đó đã nổi tiếng với video từ chối thừa nhận thất bại, mặc dù mang gương mặt sưng tấy, thâm đen vì bị đánh.
Các video ngắn của võ sĩ này nhanh chóng bị chế nhạo và trở thành meme phổ biến trên mạng xã hội.
Vẫn có nhiều người ủng hộ việc đào tạo Kung Fu và tin rằng chuyên ngành mới có thể giúp truyền bá văn hóa truyền thống của Trung Quốc ra nước ngoài.
Những người này hy vọng Kung Fu Trung Quốc có thể được quảng bá đến nhiều khán giả nước ngoài hơn, với tiêu chí nghiêm ngặt được ban hành để đánh giá những người có trình độ năng lực khác nhau.
Một cư dân mạng bình luận: “Chúng ta cần thiết lập thương hiệu võ thuật truyền thống của riêng Trung Quốc, với một hệ thống hoàn chỉnh để chứng nhận và chấm điểm”.
“Thật tốt khi có một môn phái với hệ thống khoa học chuyên về truyền thụ võ thuật. Điều này không thể được thực hiện nếu không có lý thuyết khoa học. Tôi chỉ hy vọng rằng võ thuật thực sự và tinh thần của võ thuật Trung Quốc sẽ được lan rộng”, một người nói.
Nổi tiếng với lịch sử lâu đời, chùa Thiếu Lâm thu hút rất nhiều người hâm mộ Kung Fu từ khắp nơi trên thế giới đến thăm mỗi năm.
Trong khi đó, trường võ thuật của Đại học Hà Nam, được chính thức thành lập vào tháng 11/2019, đã đạt được thỏa thuận với ngôi chùa để đào tạo nhân tài cho việc truyền thụ võ thuật toàn cầu.
Bắt đầu từ năm 2020, trường chọn 30 sinh viên xuất sắc hàng năm từ các sinh viên năm nhất. Những người này sẽ “được đào tạo có hệ thống”, báo cáo cho biết.
Các sinh viên đủ tiêu chuẩn sẽ được gửi đến trung tâm văn hóa Thiếu Lâm Tự ở nước ngoài làm huấn luyện viên sau khi tốt nghiệp, nhằm thúc đẩy sự truyền bá của Thiếu Lâm Kung Fu ra thế giới.