Sự phát triển không ngừng của khoa học kỹ thuật hiện đại kéo theo nhu cầu việc làm trong lĩnh vực STEM ngày càng tăng. Đặc biệt với nguồn lực lao động nữ để có thể sẵn sàng đón đầu các cơ hội trong lĩnh vực STEM đòi hỏi cần có sự vào cuộc và thay đổi của ngành giáo dục.
Nữ sinh trong khoa học và sáng tạo thông qua giáo dục STEM
Diễn đàn “Thúc đẩy sự quan tâm và tham gia của nữ sinh trong khoa học và đổi mới sáng tạo thông qua giáo dục STEM” do Hội đồng Anh tại Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội
Diễn đàn nhằm chia sẻ và báo cáo kết quả của dự án “Thúc đẩy sự quan tâm và tham gia của nữ sinh trong khoa học và đổi mới sáng tạo thông qua giáo dục STEM và kỹ năng số” được triển khai từ tháng Mười một năm 2018 đến nay, và qua đó, thảo luận để đưa ra các khuyến nghị về chiến lược thu hút nữ sinh học và lựa chọn nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM và tích hợp giáo dục STEM vào Chương trình Giáo dục phổ thông mới của Việt Nam, đồng thời đưa ra lộ trình duy trì và phát triển mạng lưới Đại sứ STEM.
Đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế xã hội nói chung, nguồn lực lao động nữ đã và đang cho thấy vai trò ngày càng rõ rệt của mình trong tất cả các lĩnh vực, tuy nhiên, thực trạng cho thấy cơ hội phát triển nghề nghiệp cho nữ giới so với nam giới trong lĩnh vực STEM là chưa nhiều.
Không chỉ ở Việt Nam, Vương quốc Anh và nhiều nơi khác trên thế giới cũng đang đối mặt với vấn đề tương tự, khi học sinh nữ thiếu kĩ năng và niềm yêu thích trong các môn học STEM tại trường. Đây cũng chính là lý do ngày càng có nhiều quốc gia, chính phủ và các cơ sở giáo dục hướng sự quan tâm nhiều hơn trong việc thay đổi quan niệm và cùng hành động để đặt nền tảng phát triển kỹ năng, thúc đẩy sự quan tâm và tham gia của nữ sinh thông qua giáo dục STEM.
Những chia sẻ của các chuyên gia cấp cao
Bà Donna McGowan, Giám đốc Quốc gia của Hội đồng Anh tại Việt Nam, cho biết: “Là một tổ chức văn hóa và giáo dục của Vương quốc Anh, Hội đồng Anh đã và đang tiếp tục chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm chuyên môn và những bài học vận dụng thành công, đồng thời học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia đối tác của chúng tôi. Là một phần của dự án “Thúc đẩy sự quan tâm và tham gia của nữ sinh trong khoa học và đổi mới sáng tạo thông qua giáo dục STEM và kỹ nẵng số”, chúng tôi đã có cơ hội chia sẻ kinh nghiệm và bài học từ Vương quốc Anh trong việc thu hút nữ sinh lựa chọn nghề nghiệp thuộc lĩnh vực STEM tại 10 trường trung học thông qua các hoạt động tập huấn cho giáo viên và phát triển mạng hướng Đại sứ STEM là những bạn sinh viên tại các trường đại học.
Chính phủ Anh và Hội đồng Anh luôn cam kết nỗ lực hỗ trợ các hoạt động vì Mục tiêu Phát triển Bền vững của Liên hợp quốc (SDGs) dựa trên quan hệ đối tác và hiểu biết giữa hai quốc gia. Từ dự án này, chúng tôi mong muốn đảm bảo chất lượng giáo dục toàn diện, đem lại nhiều cơ hội phát triển nghề nghiệp đa dạng hơn cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái.”
Chia sẻ về mô hình phát triển mạng lưới STEM tại Vương quốc Anh, ông Adrian, Chuyên gia cấp cao, Chương trình Kết nối cộng đồng và Giáo dục STEM, Hội đồng Anh cho biết: “Nhằm thúc đẩy sự quan tâm và tham gia của học sinh, cụ thể là nữ sinh trong khoa học và đổi mới sáng tạo tại Vương quốc Anh, Hội đồng Anh đã và đang phát triển nhiều mô hình và chiến lược khác nhau, trong đó phải kể tới mạng lưới đại sứ STEM.
Mạng lưới đại sứ STEM tại Vương quốc Anh hiện đang có hơn 30,000 tình nguyện viên với kinh nghiệm và trải nghiệm đa dạng về STEM, sinh sống và làm việc trên khắp cả nước. Các đại sứ STEM đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao, cải thiện hiểu biết của nhà quản lý giáo dục, các thầy cô giáo về STEM, tạo động lực thúc đẩy sự tự tin và niềm yêu thích đối với các môn học STEM cho các em học sinh, từ đó tích hợp với quá trình xây dựng chương trình học và định hướng nghề nghiệp. Mô hình này cũng đang được lan tỏa và áp dụng tại nhiều quốc gia trên thế giới, mang lại nhiều kết quả tích cực, trong đó có Việt Nam.”
Sự quan tâm của nữ sinh từ STEM và kỹ năng số
Dự án “Thúc đẩy sự quan tâm và tham gia của nữ sinh trong khoa học và đổi mới sáng tạo thông qua giáo dục STEM và kỹ năng số” do Bộ Ngoại giao Anh và Microsoft tài trợ và do Hội đồng Anh triển khai phối hợp với Trung tâm Giáo dục và Phát triển và Công ty BK-Holdings thông qua đơn vị thành viên Tuổi trẻ Khởi nghiệp Việt Nam tổ chức đã khép lại với nhiều hoạt động nổi bật bao gồm Trại tập huấn (Boot camp) cho 130 đại sứ STEM, tập huấn lan tỏa tại 27 trường phổ thông trên 7 tỉnh thành phố, 45 dự án STEM tham dự cuộc thi Truyền thông khoa học School Lab cùng nhiều hoạt động có tác động tích cực đến các nữ sinh và cộng đồng.
Để những kết quả tích cực của dự án tiếp tục được lan tỏa đến các em nữ sinh tại nhiều trường học ở Việt Nam trong tương lai, các chuyên gia về STEM đến từ Vương quốc Anh cũng đưa ra nhiều khuyến nghị mang tính chất xây dựng cụ thế như: hỗ trợ phát triển các kĩ năng STEM qua mô hình giải quyết vấn đề TRIAL; tổ chức các buổi huấn luyện kĩ năng cho giáo viên; tích hợp các kĩ năng và phương pháp STEM như mô hình TRIAL vào chương trình đào tạo của Việt Nam, các nguồn thông tin dạy và học cho giáo viên và học sinh;
Xây dựng mạng lưới đại sứ STEM trên toàn quốc để điều hướng các hoạt động về STEM và định hướng nghề nghiệp STEM tại các trường học; tìm hiểu các quỹ và nguồn tài trợ từ chính phủ và các doanh nghiệp để phát triển chương trình xây dựng mạng lưới giáo viên STEM với các hoạt động thường niên: hội thảo STEM, tọa đàm, cuộc thi chủ đề STEM…
STEM là viết tắt của các từ Science (Khoa học), Technology (Công nghệ), Engineering (Kỹ thuật) và Math (Toán học). Giáo dục STEM về bản chất được hiểu là trang bị cho người học những kiến thức và kỹ năng cần thiết liên quan đến các lĩnh vực khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học.
Những kiến thức và kỹ năng vừa nêu phải được tích hợp, lồng ghép và bổ trợ cho nhau giúp học sinh không chỉ hiểu biết về nguyên lý mà còn có thể áp dụng để thực hành và tạo ra được những sản phẩm trong cuộc sống hằng ngày.