Ngày càng có nhiều trường đại học trong nước tham gia kiểm định đánh giá ngoài, trong đó có tham gia cả những bảng xếp hạng quốc tế. Thực tế là việc chọn bảng xếp hạng nào của thế giới để tham gia đánh giá cũng là một lựa chọn nhiều băn khoăn của các trường trong nước.
Cuộc đua thứ hạng của các trường đại học
Những năm gần đây, bảng xếp hạng QS được “tín nhiệm” ở Việt Nam do có những trọng số đánh giá phù hợp. Riêng với bảng xếp hạng THE, một lần nữa các trường ĐH trong nước lại lỡ hẹn. Nhưng nhiều ý kiến cho rằng, không nên vì thế mà quá lo lắng.
GS.TS Nguyễn Hữu Đức – Phó Giám đốc ĐH QGHN cho biết: Theo thống kê hiện nay đang có 16 bảng xếp hạng đại học có ảnh hưởng quốc tế ở các mức độ khác nhau. Mỗi bảng có một ưu tiên riêng, nhưng chung nhất, toàn diện nhất, được quan tâm nhiều nhất là 4 bảng xếp hạng: ARWU (từ 2003) của trường ĐH Giao thông Thượng hải, QS và Webo (từ 2004) và THE (từ 2010).
Bảng xếp hạng của QS có vẻ được cho là phù hợp nhất đối với các trường ĐH của Việt Nam và thực tế cho thấy, mấy năm gần đây, các ĐH trong nước đã mạnh dạn tham gia bảng xếp hạng này. Năm 2018, Tổ chức giáo dục Quacquarelli Symonds (QS) (Anh) công bố kết quả bảng xếp hạng QS ASIA 2018-2019 cho 505 trường ĐH hàng đầu châu Á. Theo đó, Việt Nam có thêm 1 trường ĐH lọt vào top 500 châu Á, nâng số lượng trường của Việt Nam lọt top này lên 7 trường.
7 trường ĐH Việt Nam lọt top 505 ĐH hàng đầu châu Á theo xếp hạng QS gồm: ĐHQG Hà Nội, ĐHQG TP. Hồ Chí Minh, trường ĐH Bách khoa Hà Nội, trường ĐH Tôn Đức Thắng, trường ĐH Cần Thơ, ĐH Đà Nẵng và ĐH Huế.
Cũng năm 2018, ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM là 2 cơ sở giáo dục ĐH đầu tiên của Việt Nam lọt top 1.000 trường ĐH tốt nhất thế giới theo xếp hạng của QS.
Trong bảng xếp hạng 417 trường ĐH châu Á năm 2019 của tạp chí Times Higher Education (THE, Anh) vừa công bố, tiếp tục không có bóng dáng một trường ĐH nào của Việt Nam. Trong khi đó, ở khu vực Đông Nam Á (không tính Singapore), Thái Lan là nước có nhiều trường lọt danh sách nhất với 14 trường (tăng 4 trường).
Malaysia đứng thứ 2 với 11 trường (tăng 2 trường) nằm trong top này. Trong đó, lần đầu tiên ĐH Malaya xuất hiện trong top 40, ở vị trí 38, vượt 8 bậc so với năm 2018. Indonesia có 5 trường nằm trong danh sách thì có trường ĐH Indonesia xếp thứ 133, năm 2018 trường này đứng ở top 201- 250. Philippines có 2 trường lọt top. Trong đó, ĐH Philippines tăng 65 bậc so với năm 2018, vào top 95.
Lo lắng về chất lượng giáo dục ĐH trong nước.
THE dựa vào 3 tiêu chí chính để đánh giá xếp hạng một ĐH: đào tạo, nghiên cứu và chuyển giao. Họ vẫn có sử dụng khảo sát nhưng tỷ trọng không nhiều (25% đối với xếp hạng châu Á và 33% đối với xếp hạng các trường đại học hàng đầu thế giới; trong khi bảng xếp hạng QS (Anh quốc) mà các trường ĐH Việt Nam đang tham gia thì 50% – gần như quyết định). THE cũng được quan tâm đến tiêu chí đến tài trợ của DN và cựu sinh viên cho các hoạt động nghiên cứu. Vì vậy nó phù hợp với các trường châu Âu hơn.
Theo TS Nghiêm Xuân Huy – Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, ĐHQG Hà Nội cho rằng: Trường ĐH Việt Nam không có tên trong bảng xếp hạng 417 trường ĐH châu Á năm 2019 của Tạp chí Times Higher Education (THE, Anh) vừa công bố; từ đó cho rằng, đây không phải vấn đề nghiêm trọng.
Bởi nguyên tắc của các bảng xếp hạng là muốn được xếp hạng thì các trường ĐH phải gửi dữ liệu; nếu trường ĐH không gửi dữ liệu thì không xếp hạng. Có thể các trường sau khi phân tích, đối sánh, thấy sự chuẩn bị chưa sẵn sàng nên chưa tham gia. Do đó, việc được xếp hạng hay không còn phụ thuộc vào việc trường ĐH có tham gia vào bảng xếp hạng đó hay không; không nên quy kết do mình yếu mà không được xếp hạng, hoặc đánh đồng việc không có trong bảng xếp hạng với không có chất lượng.
Tất nhiên, việc tham gia vào bảng xếp hạng của THE sẽ khó hơn và sự phù hợp với các trường ĐH Việt Nam chưa như bảng xếp hạng QS. Có thể theo tiêu chí của THE, ĐH trong nước sẽ cần cải thiện một số vấn đề chúng ta đang yếu là quốc tế hóa và nghiên cứu khoa học.