Nhiều sinh viên Ấn Độ ngỡ ngàng khi biết rằng loại vaccine họ được tiêm ở quê nhà không được chấp thuận trong khuôn viên trường đại học tại Mỹ.
Nhiều sinh viên Ấn Độ đã mua vé máy bay tới Mỹ, đặt cọc tiền nhà ở trường đại học mới. Một số thậm chí tiêm vaccine Covid-19 sẵn từ quê nhà.
Thế nhưng, con đường đi du học của họ vẫn rơi vào tình trạng “bỏ ngỏ” không chắc chắn do họ không tiêm đúng loại vaccine mà nhà trường bên Mỹ yêu cầu, theo VICE. Những quy định ấy khiến sinh viên quốc tế buộc phải tiêm hai loại vaccine vào cơ thể.
Mỗi nơi một kiểu vaccine
“Các biểu mẫu y tế tại trường tôi hiện chỉ chấp nhận các vaccine như Moderna, Pfizer và Johnson & Johnson”, Sameer (24 tuổi), người đang chờ đợi nhập học thạc sĩ tại một ngôi trường ở thành phố Boston (bang Massachusetts), nói với VICE.
Trong khi đó, Sameer lại tiêm vaccine Covaxin do Ấn Độ sản xuất. Trên thực tế, loại vaccine này vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chấp thuận do không đáp ứng đủ các tiêu chí bắt buộc của hơn 400 trường đại học Mỹ.
“Hiện chưa đủ nghiên cứu cho thấy việc tiêm 2 loại vaccine Covid-19 có thể gây ảnh hưởng gì đến cơ thể tôi”, anh thở dài.
Đó là một thách thức lớn đối với Sameer và các sinh viên quốc tế khác, những người đã đóng góp 39 tỷ USD học phí cho Mỹ vào năm 2019.
Mặc dù chưa đủ dữ liệu khẳng định rằng kết hợp các loại vaccine với nhau có an toàn cho con người hay không, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) khuyến cáo rằng những ai từng tiêm chủng bên ngoài quốc này với loại vaccine chưa được WHO cho phép nên đợi ít nhất 28 ngày trước khi nhận loại vaccine do FDA khuyến nghị.
Hiện Ấn Độ mới chỉ có 4,15% dân số đủ điều kiện tiêm chủng đã nhận được ít nhất một liều vaccine Covid-19. Một số bang nước này đang gấp rút tổ chức những đợt tiêm đặc biệt cho các sinh viên nhập học trường quốc tế vào tháng 8.
Tuy nhiên, nhiều người trẻ vẫn chưa rõ liệu họ có được nhận kịp thời 2 liều vaccine loại đã được WHO phê duyệt hay không.
“Hiện nay, thành phố nơi tôi sinh sống đang rất thiếu vaccine Covid-19. Tôi không chắc liệu mình được tiêm cả 2 liều đúng hạn hay không”, Rishabh Sonkar, một sinh viên đến từ thành phố Kolkata (Ấn Độ), chia sẻ với VICE.
Thời gian tới, cô gái trẻ dự kiến sẽ học kỳ mới của mình tại Đại học Columbia (New York, Mỹ).
Không tiếp nhận đơn xin visa
Mỗi năm, xứ cờ hoa tiếp nhận hơn 200.000 sinh viên đến từ Ấn Độ như Sameer và Rishabh. Cứ 1 trên 5 học sinh, sinh viên quốc tế ở Mỹ là người Ấn Độ, theo VICE.
Tuy nhiên, đại dịch đã làm thay đổi đáng kể tình hình này. Ngoài việc phải hoãn nhập học trong suốt năm vừa qua, các sinh viên quốc tế còn phải đối mặt với trở ngại khác: không thể đặt lịch hẹn xin thị thực đến Mỹ.
Lãnh sự quán Mỹ và các văn phòng đại sứ quán ở Ấn Độ đều đóng cửa và cho biết chỉ cung cấp dịch vụ khẩn cấp cho những sinh viên nhập học vào ngày 1/8 hoặc muộn hơn. Thế nhưng, nhiều bạn trẻ nói rằng họ vẫn không đăng ký được.
“Hiện không có cuộc hẹn phỏng vấn visa nào trống tại Đại sứ quán và Lãnh sự quán Mỹ ở Ấn Độ. Ngay cả khi họ ngẫu nhiên mở một vị trí phỏng vấn, nó sẽ xuất hiện vào những khung giờ kỳ cục như nửa đêm hoặc rạng sáng, và nhanh chóng bị đăng ký mất sau vài giây”, anh cho biết.
“Lãnh sự quán thậm chí không tôn trọng các cuộc hẹn khẩn cấp. Ngay cả những người đặt lịch từ tháng 4 và tháng 5 đều bị hủy bỏ không lý do. Nếu tôi không xin được visa, tôi sẽ bị gạch tên khỏi danh sách nhập học, đồng thời mất 150.000 rupee (hơn 2.000 USD) mà tôi đã chi cho vé máy bay và tiền đặt cọc nhà ở không thể hoàn lại”, Sameer nói thêm.
Trước tình hình này, gần 7.000 sinh viên Ấn Độ đang thúc đẩy đại sứ quán Mỹ mở các cuộc hẹn xin visa thông qua một bản kiến nghị trực tuyến.
Trong một cuộc trò chuyện phát trực tiếp trên Facebook do Đại sứ quán Mỹ tại Ấn Độ thực hiện vào ngày 10/6, Don Heflin, Tham tán Bộ trưởng Các vấn đề Lãnh sự, nói rằng các học sinh, sinh viên sẽ được đặt lịch hẹn phỏng vấn bổ sung kể từ ngày 14/6.
Tuy nhiên, một số người lo sợ rằng ngay cả vậy cũng khó đáp ứng đủ nhu cầu. Thời hạn đăng ký đang “áp sát” các sinh viên quốc tế. Ngày cuối cùng để đóng học phí đang đến gần.
Thậm chí, nhiều người đã bỏ việc hoặc đầu tư thời gian, tài sản để chuẩn bị hành trang đi du học Mỹ. Chẳng hạn, Sameer đã xin nghỉ công việc ở ngân hàng để háo hức bắt đầu chương trình học thạc sĩ vào tháng 8 này. Ấy vậy, họ phải đối mặt với tương lai không chắc chắn.
“Các trường đại học Mỹ chỉ chăm chăm thu học phí từ sinh viên quốc tế mà chẳng thông cảm cho hoàn cảnh của họ”, Sudanshu Kaushik – Giám đốc điều hành của Hiệp hội Sinh viên Ấn Độ tại khu vực Bắc Mỹ, một tổ chức phi lợi nhuận nhằm mục đích khiến cho các trường đại học xứ cờ hoa thân thiện hơn với người Ấn Độ – nói với VICE.
“Họ không đưa ra chính sách tập trung, hoặc xem xét tác động chính sách đối với nhóm sinh viên quốc tế – những người có thể đang gặp khúc mắc vấn đề hành chính ở quốc gia của họ hoặc sử dụng khác loại vaccine mà trường yêu cầu”, ông nói thêm.
Bất chấp những thách thức, một số bạn trẻ như Sonkar, những người đến rất gần với giấc mơ Mỹ, vẫn hy vọng các vấn đề liên quan đến visa và vaccine của họ sớm được giải quyết.
“Nếu chỉ phải đợi 28 ngày để tiêm vaccine mới, đồng thời đại sứ quán đã hứa rằng sẽ có hàng nghìn suất thị thực cho chúng tôi trong thời gian tới, tôi nghĩ mình vẫn sẽ ổn thôi”, cô chia sẻ.