Đại biện Đại sứ quán Việt Nam tại Canada vừa có cuộc họp trực tuyến với đại diện Hiệp hội các trường đại học Canada (Universities Canada) để trao đổi về các chính sách, biện pháp hỗ trợ du học sinh, sinh viên Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
Các trường đại học Canada khẳng định bảo đảm quyền lợi cho sinh viên Việt Nam trong dịch Covid-19. (Ảnh minh họa, Nguồn: Visco.edu)
Tại cuộc họp, Đại sứ quán đã thông báo tình hình du học sinh Việt Nam đang học tập, sinh sống tại Canada, cho biết nhiều du học sinh đang gặp khó khăn do không thể về nước do dịch bệnh, đề nghị Hiệp hội bảo đảm quyền lợi của du học sinh Việt Nam.
Hiệp hội khẳng định phòng chống dịch Covid-19 và bảo đảm sức khỏe, an toàn của các sinh viên hiện là một ưu tiên hàng đầu của các trường đại học Canada. Các thành viên Hiệp hội hiện đều có chính sách duy trì giãn cách xã hội, đồng thời cung cấp hỗ trợ thiết yếu cho sinh viên quốc tế về tinh thần và y tế, như tư vấn để tránh lo lắng, trầm cảm khi xa nhà, bảo đảm phòng riêng trong trường hợp cách ly, hỗ trợ sinh viên tìm các phương tiện về nước nếu có .
Với các sinh viên Việt Nam ở lại Canada, hiệp hội sẽ làm việc với các trường đại học thành viên để sinh viên có chỗ ăn ở trong trường hợp ký túc xá đóng cửa, tiếp tục khóa học dưới hình thức trực tuyến. Sinh viên đã xin được việc làm sau khi tốt nghiệp nhưng bị mất việc do dịch Covid 19, nếu đáp ứng một số tín chỉ cần thiết, sẽ được trường xác nhận để tạo điều kiện được nhận trợ cấp từ Gói hỗ trợ khẩn cấp của Chính phủ Canada. Hiệp hội cũng mong muốn Đại sứ quán tiếp tục đóng vai trò cầu nối, cung cấp thông tin, giới thiệu hệ thống giáo dục Canada với Việt Nam và thu hút sinh viên Việt Nam du học tại Canada trong thời gian tới.
Bên cạnh các trường đại học, Chính phủ Canada cũng đưa ra nhiều chính sách cụ thể để hỗ trợ sinh viên quốc tế trong đó có Việt Nam trong giai đoạn hiện nay, bao gồm cho phép sinh viên quốc tế đã có thị thực tiếp tục nhập cảnh dù Canada đóng cửa biên giới với người nước ngoài; tạo điều kiện cho sinh viên dự định đến Canada học khóa mùa hè bắt đầu từ tháng 5-6 được theo học chương trình đào tạo trực tuyến và được cấp tín chỉ như theo học tại trường lớp ; cam kết tiếp tục cấp giấy phép lao động cho sinh viên quốc tế sau khi hoàn thành các khóa học trực tuyến; khuyến khích các doanh nghiệp tuyển dụng sinh viên và trợ cấp cho các doanh nghiệp để trả lương cho sinh viên làm việc bán thời gian trong kỳ nghỉ hè sắp tới; trợ cấp thất nghiệp cho các sinh viên quốc tế bị mất việc làm trên cơ sở đủ điều kiện về số giờ làm và thu nhập tối thiểu…
Trước đó, Đại sứ quán Việt Nam cũng đã trao đổi với Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc tịch, Di trú và Định cư Canada (IRCC). Các cơ quan Canada đều khẳng định sẽ tạo điều kiện cho công dân Việt Nam tại Canada, bao gồm đơn giản hóa thủ tục gia hạn giấy phép lao động, học tập và thị thực du lịch đối với các trường hợp chưa thể về nước do không có chuyến bay, cho phép công dân, sinh viên Việt Nam cư trú hợp pháp trong trường hợp đã nộp hồ sơ kéo dài giấy phép, thị thực xong chưa được xử lý trong thời gian dịch bệnh.
Theo số liệu của IRCC, trong năm 2019, với hơn 642.000 sinh viên quốc tế, Canada đã trở thành nước tiếp nhận du học sinh lớn thứ 3 toàn cầu, sau Mỹ và Australia. Số lượng du học sinh du học tại Canada gần đây gia tăng nhanh chóng, nhờ chất lượng giáo dục, nền văn hóa khoan dung đa sắc tộc và chính sách định cư cởi mở, với khoảng 60% số du học sinh quốc tế cho biết có ý định định cư sau khi hoàn tất chương trình học.
Việt Nam hiện có hơn 21.000 sinh viên du học tại Canada, là một trong 5 nước đứng đầu về số lượng và 1 trong 3 nước dẫn đầu về tốc độ tăng sinh viên trong năm qua.
Trong trao đổi với Đại sứ quán, các cơ quan chính phủ, các hiệp hội đại học, trung học và Văn phòng giáo dục quốc tế Canada (CBIE) đều khẳng định thu hút sinh viên quốc tế nói chung và Việt Nam nói riêng tiếp tục là mục tiêu chính sách dài hạn của Canada thời gian tới. Các cơ quan, tổ chức Canada cũng có một số chương trình hỗ trợ, bao gồm học bổng Phát triển và trao đổi giáo dục Canada-ASEAN (SEED) của Bộ Ngoại giao Canada dành cho sinh viên và cán bộ các nước ASEAN học tập và nghiên cứu phục vụ các mục tiêu của Nghị trình phát triển bền vững 2030 của Liên hợp quốc.