Theo các chuyên gia, việc đạo văn, sao chép trong trường học đối với luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ rất phổ biến và chưa có biện pháp xử lý triệt để.
Hôm nay (3-6), Khoa Luật Dân sự trường Đại học Luật TP.HCM tổ chức hội thảo Bảo hộ quyền sử hữu trí tuệ trong bối cảnh hội nhập quốc tế.
Hội thảo do TS Nguyễn Xuân Quang – Phó trưởng khoa Dân sự trường Đại học Luật TP.HCM – chủ trì. Tham gia hội thảo có PGS-TS Vũ Thị Hồng Yến (trường Đại học Sài Gòn), thẩm phán Nguyễn Huy Hoàng (Phó chánh án TAND quận Gò Vấp, TP.HCM) cùng các luật sư, đại diện văn phòng thừa phát lại, các giảng viên cùng các sinh viên.
Kiểm tra bằng thủ công thời 4.0
Tại hội thảo, các tham luận đặt ra nhiều vấn đề, trong đó, TS Nguyễn Hồ Bích Hằng (trường Đại học Luật TP.HCM) đặt ra vấn đề làm thế nào để không xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, nhất là việc đạo văn, sao chép trong trường học đối với luận văn thạc sĩ, luận án tiến sĩ.
Theo TS Hằng, hiện nay ở các trường chưa có một cơ sở dữ liệu để đảm bảo việc một luận văn không bị sao chép. Việc kiểm tra này được tiến hành “hơi thủ công” là khi luận văn được nộp lên phải được sự xác nhận, chứng nhận từ phía thư viện là luận văn đó không sao chép, nhưng vấn đề là làm sao để thực hiện việc đó một cách triệt để.
Ở một số nước, khi sinh viên nộp bài phải thông qua một hệ thống có các chương trình, cài các cơ sở dữ liệu đủ để phân biệt được trong luận văn đó có sao chép của những tác phẩm nào, của những tác giả nào và việc sao chép là bao nhiêu phần trăm.
TS Hằng lấy ví dụ một bạn sinh viên nộp bài tập dài 15 trang, trong đó nếu trích dẫn hai đến ba câu của một tác phẩm nào đó mà không dẫn rõ nguồn thì trường hợp này được xem là đạo văn. Họ sẽ xem xét bao nhiêu phần sao chép không ghi nguồn thì đương nhiên luận văn đó sẽ bị đánh giá thấp hoặc thậm chí đánh rớt. Từ đó, người nghiên cứu khoa học sẽ nghiêm túc và tôn trọng các quyền tác giả của người khác.
Cần thầy cô giàu kinh nghiệm
Bàn về vấn đề này, PGS-TS Lê Minh Hùng (trường Đại học Luật TP.HCM) cho rằng thư viện không thể đủ năng lực để đánh giá có đạo văn hay không, trừ khi người viết copy.
Theo TS Minh Hùng, để đánh giá đạo văn hay không thì cần có hai nền tảng, thứ nhất là kỹ thuật mang tính cơ học, thứ hai là đánh giá về tri thức và ý tưởng. Vấn đề thứ hai đòi hỏi các thầy cô phải giàu kinh nghiệm, có nguồn thông tin phong phú, tiếp xúc nhiều tác phẩm trong lĩnh vực đó.
Cạnh đó, theo PGS-TS Hùng, số lượng tác phẩm hiện nay rất nhiều và có ở nhiều nơi. Hiện ở các trường có sự sao chép từ các luận án, luận văn ở các cơ sở đào tạo khác. Điều đó cho thấy chúng ta không có đủ nguồn thông tin, máy móc lưu trữ thì không thể so sánh, đánh giá để xác định có xâm phạm quyền tác giả hay không.
“Tiến sĩ cũng đạo văn”
PGS-TS Lê Thị Nam Giang (trường Đại học Luật TP.HCM) cho rằng trước đây trong hội thảo góp ý trước khi ban hành Luật Sở hữu trí tuệ, Cục Bản quyền đã đưa ra hành vi sao chép là không được sao chép phần trọng tâm của tác phẩm. Vấn đề đặt ra là như thế nào mới là phần trọng tâm… Sau đó, đề xuất sao chép không quá 10% cũng không được chấp nhận.
Theo PGS-TS Giang, pháp luật các nước hiện nay có ba cách giải quyết. Thứ nhất là không cho sao chép bất cứ trang nào của tác phẩm ngoài mục đích là học tập và nghiên cứu khoa học. Vì vậy, ở thư viện các trường tự đưa ra quy chế được sao chép 10% tại các trường.
Quan điểm thứ hai là đưa ra các tiêu chí để xác định các hành vi sao chép được coi là vi phạm. Và cách thứ ba là đưa ra luật 10%, tức sao chép 10% tác phẩm thì được coi là không bị xâm phạm.
“Luật bản quyền không bảo hộ ý tưởng mà bảo hộ hình thức thể hiện ý tưởng nhưng để xác định hình thức thể hiện ý tưởng hay sao chép ý tưởng rất khó. Bản thân tôi từng gặp trường hợp phải gọi điện cho một người đang là Phó giáo sư và nói rằng nếu không sửa cuốn sách của họ vì sao chép của tôi quá nhiều thì tôi sẽ làm đơn đề nghị xử lý. Có nghĩa là ngay cả một tiến sĩ mà còn sao chép của người khác. Sau đó, người này đã xin lỗi và sửa lại theo yêu cầu của tôi…” – PGS-TS Lê Thị Nam Giang nói.