Phạm Nhật Huy Thông là cựu du học sinh Việt tại Ireland. Sau khi tốt nghiệp, Thông đã làm việc tại Đan Mạch.
Công việc được gặp gỡ nhiều người, đi nhiều quốc gia nên Thông đã có nhiều kinh nghiệm về tìm việc làm cho các bạn trẻ Việt, đặc biệt là xin việc ở Đan Mạch.
Hãy tìm hiểu kỹ về công ty bạn ứng tuyển
Hãy dành thật nhiều thời gian trên các trang tuyển dụng như JobIndex.dk, LinkedIn, WorkinDenmark.dk. Khi bạn thấy một vị trí mở, đừng vội gửi CV. Hãy dành thời gian nghiên cứu vị trí của họ và tự trả hỏi những câu sau (gợi ý): Công ty đang cố gắng tìm một người có skills gì? Những skills nào họ đang vật vã tìm mãi không ra? Công ty đang giải bài toán như thế nào?
Sau đó, hãy nhìn vào CV xem bạn có thể trang hoàng bản thân như thế nào để làm nổi bật những kĩ năng đó lên. Nếu được bạn nên đầu tư đi học một lớp về viết CV. Mình đã từng đi học lớp này, thực ra, các lớp này không đưa CV của bạn lên một tầm cao mới nào cả nhưng nó giúp CV của bạn nhìn vừa mắt và đúng “khẩu vị” của nhà tuyển dụng Đan Mạch.
Hãy cố gắng tham gia thật nhiều event và networking với thật nhiều người trong ngành, nhưng đừng bao giờ hỏi xin họ công việc. Thay vào đó hãy hỏi họ về công việc về những khó khăn, vấn đề trong ngành, thị trường đang gặp phải.
Hãy chứng tỏ bạn có thể giải quyết vấn đề của công ty
Sau khi nghiên cứu và tìm hiểu về tình hình công ty, hãy viết CV của bạn, giải thích bằng cách nào bạn có thể giúp công ty giải quyết các vấn đề. Hãy luôn đặt vấn đề của công ty lên hàng đầu và mọi thứ bạn viết phải hướng đến chuyện giải quyết vấn đề này. Bạn không khoe khoang về kiến thức bản thân, không “luyên thuyên” về kinh nghiệm, không kể lể về tình hình khổ sở của mình, công ty tuyển bạn chỉ vì một điều duy nhất: Bạn giúp họ giải quyết vấn đề! Tất cả những thứ trên là nguyên liệu để bạn “nấu ra” giải pháp cho họ và bạn bán giải pháp của mình chứ không phải nguyên liệu. Nhớ điều này!
Bạn cũng cần thật kiên trì trong hành trình này, lần đầu mình xin việc ở nước ngoài, mình đã gửi hơn 70 cái CV + đơn xin việc được viết chỉnh chu cho từng công ty, vị trí, mình nhận được 10 cuộc phỏng vấn và một tìm được một công việc thích hợp.
Hãy quan tâm tới “sở thích” của nơi bạn đến xin việc
Ở mỗi công ty có một đặc điểm khác nhau, sở thích khác nhau nên khi ứng tuyển, bạn hãy quan tâm tới điều đó.
Hãy đầu tư để có một profile LinkedIn sáng sủa, mình sẽ chỉ nói về một số thứ ít bạn biết nhưng rất quan trọng trong LinkedIn:
Avatar: Đan Mạch là nơi người dân sống thực tế nên cách ăn mặc khá xuề xòa và thoải mái. Avatar phong cách Đan Mạch điển hình là một khuôn mặt tươi cười sáng sủa tự tin, trong một bộ quần áo mà bạn sẽ mặc đi làm mỗi ngày. Nếu bạn làm môi trường như ngân hàng, kế toán, kiểm toán, thì một bộ đồ vest là cần thiết, nếu môi trường văn phòng thì áo sơ mi quần jeans là đủ xài rồi.
Hoạt động: hết sức vô nghĩa khi bạn sửa soạn một profile sáng sủa rồi…không bao giờ lộ mặt. Người Đan Mạch dành rất nhiều thời gian trên LinkedIn, ít nhất các sếp của mình dành thời gian trên LinkedIn còn nhiều hơn Facebook. Do đó, bạn nên: Xây dựng thật nhiều kết nối thực sự trên LinkedIn.
Chăm chỉ like và comment – vì điều này sẽ làm profile của bạn được hiện lên trên new feeds của người khác nhiều hơn.
Đừng ở nhà dù bạn chưa có việc: Đan Mạch là đất nước rất cuồng làm tình nguyện. Do đó, đối với người Đan Mạch, việc bạn hoàn toàn không làm gì trong CV là một điều rất khó hiểu và khó chấp nhận. Dù bạn đang ở Châu Âu hay Việt Nam, mình tin các bạn không thiếu cơ hội tình nguyện. Nếu bạn có công việc gì đó đáng tự hào, đừng ngại khoe trên LinkedIn, nó sẽ cải thiện “độ phủ” của bạn đáng kể.
Tìm việc ở Đan Mạch không dễ nhưng mọi người đều đang muốn giúp bạn, đặc biệt chính phủ đang cố gắng làm luật dễ thở hơn để thu hút nhân tài, và để bạn có thể sớm làm việc và…đóng thuế cho họ.