Tốt nghiệp trung học phổ thông tại Yên Bái năm 2011, với mong muốn trở thành 1 Kiến trúc sư, tôi đã quyết định đăng ký dự thi vào khoa Kiến trúc và Quy hoạch – Trường Đại học Xây Dựng. Tuy nhiên, lần đầu dự thi không may mắn và suôn sẻ, tôi thiếu 1 điểm và không trúng tuyển kỳ thi năm đó.
Tôi nộp đơn đăng ký theo học Khoa Kiến Trúc – Trường Đại học Kinh Doanh và Công nghệ Hà Nội. Dù học ở ngôi trường mới nhưng tôi vẫn mong muốn thử sức thêm 1 lần nữa tới cánh cổng số 55 Giải Phóng. Và 1 năm sau đó, vừa học tại trường mới, vừa ôn thi, tôi đã may mắn trúng tuyển vào nơi đầu tiên mình đăng ký và chính thức trở thành sinh viên khóa 57 – Trường Đại học Xây Dựng.
Những ngày đầu chuyển trường, tôi nghĩ rằng mình sẽ học lại những kiến thức cũ của 1 năm vừa qua nên khá chủ quan và hậu quả là tôi đã trượt 8 môn đại cương trong năm học đầu tiên. Một kết quả không mấy bất ngờ khi thời điểm đó tôi không mấy chú tâm đến việc học những môn nặng nề mà chỉ thích vẽ. Môi trường tại Khoa Kiến trúc – quy hoạch khiến tôi cảm thấy mình cần “nghệ” hơn, thay vì tính toán và căng não với lý thuyết… Sau quá trình trả nợ môn tương đối “nhọc nhằn”, tôi mới nhận ra mình phải cân bằng.
Nhắc tới Khoa Kiến trúc – quy hoạch thì không thể bỏ qua “đặc sản”: “Hành trình xuyên Việt” kéo dài hơn nửa tháng. Đó cũng là hành trình dọc đất nước, đến những vùng đất mới đầu tiên trong cuộc đời tôi. Không chỉ là những khám phá, quan sát và trải nghiệm mới mẻ với Kiến trúc, văn hóa,… mà còn là những giây phút không bao giờ quên của một thời sinh viên. Đến giờ nhắc lại tôi vẫn cảm thấy vô cùng hào hứng. Về sau khi là 1 BTV truyền hình, được đi nhiều hơn, xa hơn nhưng không sao tìm lại được cảm giác lúc ấy.
Sẽ là may mắn cho các bạn nữ chọn Đại học Xây Dựng khi rất dễ có khả năng sẽ trở thành Idol, và tha hồ chọn lựa “những tâm hồn của đá”, nói vậy chứ trai Xây Dựng cũng không hẳn là “khô như xi măng”, các khoa khác thì tôi không dám chắc chứ trai Kiến trúc thì đa số là không, mỗi ông kiểu gì cũng sắm được cho mình một cái “thú vui nghề nghệ” riêng, ông thì Guitar, nhạc Rock, ông thì hội họa… Nhìn cứ bụi bụi, khét khét là nhận ra liền…
Sinh viên Xây Dựng mà không lê la trà đá cổng trường và nhâm nhi điếu thuốc suy tư thì chắc hẳn sẽ hơi “tiếc”. Với tôi, đó là những phút thảnh thơi ngoài cánh cổng trường và là kỷ niệm để người ta nhớ về, có không biết bao nhiêu câu chuyện, hoài bão và ý tưởng từ những góc nhỏ như thế… hay chỉ đơn giản là ngồi xuống để ngắm nhìn cánh cổng trường cao lớn trước những dòng xe tấp nập… rồi thấy tự hào trong tim.
Có lẽ không chỉ là cảm nhận của cá nhân tôi. Nhiều bạn hay nói đùa: nhìn thấy toàn trai học với nhau có thể đã là một áp lực… Không chỉ là sự khắt khe của nhiều thầy cô, mà các tín chỉ phải hoàn thành trong 10 kỳ học cũng rất lớn. Nếu rớt môn thì 1 năm học đến 3 kỳ cũng là điều bình thường… Chưa kể đến các đồ án đã lấy đi nhiều đêm thanh xuân của chúng tôi… Nhưng phải nói rằng, nếu không có môi trường như vậy thì khó mà trưởng thành.
Bạn bè tôi vẫn thường nhắc về Xây Dựng với cái tên thân thuộc “Lò 55 Giải Phóng”, không phải vì đã nướng chín thanh xuân, mà Xây Dựng đã tôi rèn những con người ý chí. Nếu không có những năm tháng quý giá ấy, sẽ không có tôi ngày hôm nay. Dù làm Biên tập viên, người dẫn chương trình hay tương lai là một nhà báo, tôi vẫn cảm nhận được chất Xây Dựng chảy bên trong, đó là cái chất mà nghe qua người ta đã thấy rắn rỏi như “Bê tông cốt thép”. Bước ra từ đó, tôi thấy mình cần “đầm” hơn, “đầm” về kiến thức và “đầm” về phong thái của một người đàn ông.
Nói là khó khăn thôi chưa đủ, vì quá trình để tôi được làm công việc như ngày hôm nay thực sự gian nan. Đơn giản mới chỉ là “công việc ngày hôm nay”, các bạn đừng hiểu nhầm là thành công nhé, đó chưa phải từ nên nhắc đến lúc này, vì tôi thấy cần phải cố gắng và cống hiến thật nhiều hơn nữa với nghề. Những ngày đầu quả thực rất “khắc nghiệt”, tôi cảm thấy vô cùng căng thẳng khi đứng trước máy quay và thực hiện những đúp dẫn đầu tiên trong đời, tất cả mọi thứ ở đây đều xa lạ. Nhiều người nghĩ rằng trước đó tôi hẳn đã tham gia rất nhiều các hoạt động đoàn thể và đã quen với sân khấu, nhưng câu trả lời là KHÔNG. Trước khi đến với nghề này, tôi thực sự là một “tờ giấy trắng”, tuy nhiên, theo đồng nghiệp và cũng là người thầy của tôi – BTV Hạnh Phúc thì việc viết lên một “tờ giấy trắng” sẽ dễ hơn rất nhiều so với một “tờ giấy than”, có nghĩa là khi bạn chưa có kinh nghiệm gì về công việc này thì thực ra bạn đang có cơ hội xây dựng một nền tảng vững chắc, chỉ cần bạn có niềm tin vào bản thân, biết quan sát và đúc kết thành kiến thức cho riêng mình.
Đây có thể nói là 1 từ được dùng rất nhiều trong cuộc sống hàng ngày và là đích đến của tất cả mọi người. Tuy nhiên, mỗi người sẽ có một cách định nghĩa khác nhau tùy theo thế giới quan, xuất phát điểm và môi trường của họ. Với tôi, chỉ cần bản thân mình biết là đủ, không cần ai công nhận điều đó, quan trọng nhất là niềm tin bạn đặt vào điều gì, tư tưởng của bạn hướng tới đâu. Có người thành công về vật chất nhưng thất bại về tinh thần và cũng có những trường hợp ngược lại. Vì vậy, một điều tôi đúc kết được và lấy là kim chỉ nam cho cuộc sống của mình đó là, đừng so sánh mình với ai khác, hãy quán chiếu lại chính bản thân và tự hoàn thiện hơn mỗi ngày, đó là thành công.
Trong cuộc sống, có những người khi bắt đầu nhận thức đã sớm biết đam mê của mình và cống hiến cho một cuộc đời ý nghĩa, nhưng cũng có người mất rất nhiều thời gian, công sức để tìm thấy điều đó. Đại học là một cánh cửa tuyệt vời mở ra cho các bạn để có cơ hội tự khám phá bản thân mình, nhưng đừng để nó khép lại một hành trình ý nghĩa vượt trên các giá trị vật chất của cuộc đời. Hãy luôn kiên định và tin tưởng vào lựa chọn của mình các bạn nhé! Chúc các bạn thành công.
MC Phương Nam