Do dịch COVID-19 vẫn chưa có dấu hiệu được kiểm soát tại các quốc gia Âu, Mỹ, Úc nên đa phần các trường đại học tại đây đã triển khai học online từ tháng 3 và sẽ được tiếp tục duy trì qua năm học tiếp theo. Thế nhưng việc mức học phí đắt đỏ vẫn giữ nguyên trong khi điều kiện học không được như trước đã làm dấy lên làn sóng phản đối trong cộng đồng sinh viên bản địa lẫn du học sinh.
Điều kiện học không bằng nhưng học phí vẫn giữ nguyên
Hậu COVID-19, các trường trên toàn thế giới đã đồng loạt chuyển sang hình thức học online. Trong lúc khó khăn này các sinh viên, đặc biệt là du học sinh cũng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề học phí.
Từ tháng 3, các du học sinh và sinh viên tại các trường đại học tại Mỹ, Úc liên tục thực hiện các bản kiến nghị thu thập chữ ký gửi lên lãnh đạo các trường, yêu cầu giảm học phí. Lý do được đưa ra là vì tiền cơ sở vật chất và phí di chuyển của giáo viên cần phải được trừ ra khỏi khoản thu học phí. Du học sinh cũng yêu cầu phải được trả lại phí campus khi giờ đây không được ở trong kí túc xá nữa.
BạnBảo Châu (sinh viên trường Đại học Monash, Úc) chia sẻ: “Trường mình quyết định không giảm học phí, các bạn cũng rủ nhau ký kiến nghị rất nhiều. Vấn đề lớn hơn của tụi mình chính là học phí du học sinh mắc gấp bốn lần học sinh bản xứ. Vậy nên trong khi chi phí là gánh nặng rất lớn của tụi mình thì với sinh viên bản địa, đó không phải mối lo.
Điều này khiến việc kiến nghị lên trường cũng trở nên khó khăn hơn. Có những người còn chỉ trích việc du học sinh xin giảm học phí còn bị xem là ích kỉ, không biết cảm thông cho trường đang trong giai đoạn khó khăn.”
Vào thời điểm dịch bệnh cao điểm, các trường đã có động thái giải thích rõ khoản tiền học phí giữ nguyên để duy trì cơ sở vật chất cũng như là đối phó với những thay đổi bất ngờ và đầu tư xây dựng nền tảng học mới (trực tuyến).
Bạn Uyên Linh (sinh viên trường Đại học IOWA, Mỹ) chia sẻ khó khăn của trường: “Trường mình không giảm học phí nhưng mình hiểu trường cũng có cái lý của trường. Sau COVID-19 trường đã lỗ tận 18 triệu đôla, nên chẳng những học sinh mà trường cũng đang trong thế rất eo hẹp. Trong khi đó giáo viên vẫn làm việc và lên lớp bình thường, cũng cần phải mua e-book trên thư viện để dạy online.”
Băn khoăn chất lượng học tập suy giảm
Thế nhưng lý do duy trì học phí để duy trì chất lượng và trải nghiệm học tập mà các trường đưa ra chưa thể làm vừa lòng các du học sinh và kể cả sinh viên bản xứ. Đó cũng chính là lý do vừa qua, sinh viên Abraham Barkhordar (sinh viên trường Luật Harvard) đã đệ đơn kiện trường vì vẫn phải đóng 65.000 đôla dù đã chuyển sang học online.
Barkhordar khẳng định chất lượng hoàn toàn không xứng với số tiền bỏ ra. Giờ giấc học không ổn định, không thể tương tác với giáo viên nhiều như trước, mất đi các nguồn hỗ trợ về thư viện và cơ sở vật chất khiến trải nghiệm học tập của anh hoàn toàn “lao dốc”.
Bạn Anh Thư(sinh viên trường Đại học Drexel, Mỹ) chia sẻ: “Mình thấy không công bằng vì vẫn bị thu tiền cơ sở vật chất đã đành. Đôi khi giáo viên còn bảo rằng do không rành công nghệ nên không lên Zoom dạy, chỉ gửi tài liệu qua email cho tụi mình học thôi. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng học tập mà trường cam kết với sinh viên.”
Bạn Uyên Linhcùng suy nghĩ rằng: “Trường mình bự nên có xe buýt riêng chở học sinh đi quanh trường, lúc học sinh nghỉ thì xe đi ít tuyến lại mà vẫn bắt học sinh đóng đủ thì không đúng lắm. Tụi mình vẫn phải trả tiền nguyên cái tòa nhà tập gym, nhà thể thao với sân vận động mặc dù không ai đụng vào. Đó là những điều mình thấy không hợp lý.”
Team dự định du học “chùn bước”
Vấn đề học phí không đi kèm với chất lượng học tập đã khiến cho các bạn du học sinh, đặc biệt là các bạn sắp nhập học cảm thấy hoang mang và chùn bước.
Bạn Nhã Linh (18 tuổi, trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, TP.HCM) chia sẻ: “Từ trước mình và gia đình cũng đã xác định rằng nếu trường mà mình sắp theo học bên Mỹ cho học online thì mình sẽ gap (nghỉ) một năm. Bây giờ đây đã là quyết định chính thức của mình vì mình tin rằng thà chậm trễ một chút mà bảo đảm được chất lượng học tập đi kèm với chi phí thì vẫn hơn.”
Ngoài ra các trường đại học quốc tế tại Việt Nam cũng đang mở cửa trở thành sự lựa chọn thay thế phù hợp dành cho các bạn du học sinh, muốn trải nghiệm chương trình học của Mỹ tại nước nhà. Ví dụ như trường Đại học Fulbright Việt Nam đã mở chương trình Visiting Student (sinh viên dự thính) kéo dài một năm dành cho các bạn du học sinh bị gián đoạn chương trình học tại nước ngoài.