Cuốn sách nào bán chạy nhất chỉ sau Kinh Thánh? Harry Potter ư? Nhà giả kim ư? Hay Chúa tể của những chiếc nhẫn? Có lẽ vậy. Nhưng tôi thì ngờ rằng trong danh mục những cuốn sách bán chạy nhất mọi thời đại đang liệt kê thiếu những cuốn sách dạy kỹ năng IELTS – kỳ thi kiểm tra năng lực tiếng Anh phổ biến nhất thế giới.
Ngành “công nghiệp” đẻ thuê trị giá 2 tỷ USD ở Ấn Độ có thể bị phá sản
Để đi du học (kể cả là du học ở Pháp), bạn phải lấy bằng IELTS học thuật. Để nhập cư tới những quốc gia nói tiếng Anh như Mỹ, Canada, Anh, Australia, New Zealand – bạn cũng phải qua kỳ thi IELTS tổng quát. Vị cựu Tổng Thư ký Liên Hợp quốc Ban Ki Moon từng nói rằng: “Sự nhập cư là một biểu hiện cho niềm khát khao của con người đối với nhân phẩm, với sự an toàn, với một tương lai tốt đẹp hơn. Nó là một phần của kết cấu dệt nên xã hội, một phần trong sự tựu thành một đại gia đình nhân loại”.
Còn IELTS là một phần của kết cấu dệt nên sự nhập cư (ít nhất là sự nhập cư hợp pháp). Bên cạnh đó, không biết các quốc gia khác ra sao nhưng riêng ở Việt Nam, với các sinh viên chuyên ngành ngoại ngữ, để tốt nghiệp, họ cũng bắt buộc phải có bằng IELTS đạt một điểm số nhất định.
Mỗi năm có khoảng 5 triệu người trên khắp thế giới thi IELTS. Những người này phân bố ở hơn 140 quốc gia. Đó thực sự là một cộng đồng vô cùng đa dạng.
Một cách cơ bản, IELTS trải điểm số từ 0-9. Và cũng như trong bóng đá, các cầu thủ nói chung vừa ganh tị vừa ngưỡng mộ cú đá phạt trực tiếp của Messi như thế nào, hay trong quần vợt, các đấu thủ mắt chữ O mồm chữ A mỗi khi Federer chơi một cú đánh bóng qua hai chân như thế nào thì trong thế giới của IELTS, những người đạt điểm 8.5 hay 9.0 từa tựa “huyền thoại” trong mắt những thí sinh khác như thế đấy. Họ được coi là những bậc thầy về tiếng Anh và nếu muốn, họ dễ dàng trở thành giáo viên đi dạy.
Dạy IELTS là một nghề ở Việt Nam. Không phải dạy ngoại ngữ chung chung mà chuyên biệt hóa thành dạy IELTS và không thể đếm được số lượng trung tâm luyện thi IELTS ra đời, cũng phổ biến không khác gì luyện thi đại học, thậm chí có những lớp được yêu thích đến nỗi ai muốn học phải đặt số xếp hàng trước vài tháng trời.
Khi Socrates được khuyên rằng ông nên thu tiền cho những cuộc đối thoại vô giá của mình như khi ông bán đi một món đồ quý giá, Socrates đã đáp lại rằng, bán đi sắc đẹp thì chẳng khác nào mại dâm và trí tuệ thì cũng như sắc đẹp vậy, nó không nên được đổi chác bằng tiền bạc. Nhưng, thời của Socrates đã đi xa thật xa và trong thế giới ngày nay, trí tuệ cũng là một dạng hàng hóa, dạng hàng hóa cao cấp nhất và trí tuệ cũng nên được rao bán để làm giàu cho chủ nhân của mình – đó là điều hoàn toàn chính đáng, cho đến khi những trí tuệ giả tạo cũng được tô vẽ, trang trí, tiếp thị rồi đem rao bán.
Những ngày qua, liên tiếp những vụ việc gây chấn động cộng đồng học – dạy – thi IELTS ở Việt Nam khi một số tên tuổi nổi bật bị tố cáo là gian lận hay nói dối. Một nữ giáo viên nổi tiếng với hàng chục ngàn người theo dõi tự quảng bá mình đạt điểm số 8.0, cô còn đưa ra bằng chứng về bảng điểm của mình. Thế nhưng, hóa ra bảng điểm ấy chỉ là một chiêu trò Photoshop và cô chỉ đạt khoảng 6.5 đến 7 điểm.
Nhiều người chỉ ra, nữ giáo viên này thường xuyên dạy sai kiến thức cho học sinh. Một thầy giáo viết sách dạy IELTS 9.0 nhưng điểm thi chỉ đạt 6.5. Kinh khủng hơn nữa, có những người chưa từng đi thi IELTS nhưng vẫn mở lớp dạy, thậm chí vẫn viết sách về những “bí kíp” đi thi – cuốn sách ấy lại còn là sách bán chạy trong khoảng thời gian dài!
Nghĩ về thu nhập rất lớn mà những người này đã kiếm được trên sự ngây thơ của khách hàng, đây còn có thể gọi đó là gì nữa ngoài một sự lừa dối, một sự lừa đảo trắng trợn – về mặt luật pháp, hay một tội ác – về mặt đạo đức? Nói như nhà hoạt động xã hội Malcolm X thì “Giáo dục là tấm hộ chiếu dẫn đến tương lai, bởi ngày mai thuộc về những người đã chuẩn bị cho nó từ ngày hôm qua”. Nhưng một khi người thầy giáo phát đi những kiến thức sai lệch thì có khác gì tước đi tấm hộ chiếu vào tương lai của con người? Người thầy giáo đó đã làm hỏng một thế hệ, theo đúng nghĩa đen.
Người thầy giáo đã làm hỏng một thế hệ, đó cũng là lời buộc tội mà thầy giáo Keating trong bộ phim Dead poet society phải gánh chịu, bởi trong một ngôi trường nam sinh kỷ luật thép nơi mỗi đứa trẻ chỉ là con rối trong tay bố mẹ chúng cùng nền giáo dục hà khắc tước đoạt tự do thì Keating là người đầu tiên cho chúng nếm trải tự do, thơ ca và cuộc sống. Ông bị đuổi việc sau khi bị buộc tội là nguyên nhân gián tiếp dẫn đến vụ tự sát của một học trò.
Keating chẳng dạy điều gì sai nhưng lại rơi vào bi kịch. Trong khi đó, có những người đang ngày ngày lừa dối người khác nhưng lại kiếm lời, lại làm giàu từ đó. Tôi vốn không tin những cuốn sách dạy “làm giàu không khó” nhưng trong một số trường hợp, dường như làm giàu đúng là không khó.
Thực ra thì trong bất cứ ngành nghề nào, cũng không thể tránh khỏi những kẻ gian dối. Vấn đề là chính IELTS trung thực đến đâu?
Ra đời vào khoảng thập niên 80 của thế kỷ trước, IELTS nhanh chóng trở thành một bài thi được chấp nhận rộng rãi và hầu như không có đối thủ cạnh tranh ngoại trừ TOEFL iBT và bạn có thể so sánh chúng giống như là Cocacola và Pepsi vậy. Thậm chí còn hơn cả thế, chúng không chỉ là hai ông lớn trong ngành của mình mà còn là hai ông lớn gần như duy nhất, không ai có đủ khả năng để chen chân vào.
Chi phí cho một bài thi IELTS rơi vào khoảng hơn 200 USD và bạn thử nhân lên với con số 5 triệu người thi mỗi năm, sẽ là bao nhiêu? Có thể nói IELTS đã trở thành một ngành công nghiệp với giá trị lên tới cả tỉ USD và chắc chắn là nhiều hơn thế, vì đây mới tính đến doanh thu từ việc thi cử, trong khi đó hàng triệu đầu sách luyện thi IELTS được bán ra mỗi năm, hàng ngàn lớp dạy IELTS được mở ra trở thành sinh kế của bao nhiêu con người.
Điều đó không có gì là đáng để lên án nhưng vì IELTS gần như là một thứ độc quyền (nếu bạn muốn sống ở Anh chẳng hạn, bạn không có cách nào khác là thi IELTS) – nên Hội đồng Anh và IDP (những đơn vị đứng sau IELTS) có thể đơn phương đặt ra một mức giá. “Đáng tiếc là toàn bộ hệ thống này đã biến thành một ngành kinh doanh nhằm kiếm lời”, ông Navdeep Singh – một ứng viên thượng nghị sĩ đại diện cho bang Queensland (Australia) từng lên tiếng.
Không chỉ ông Singh cảm thấy có điều gì đó bất cập với IELTS mà trên change.org, một nền tảng được lập ra với mục đích tạo không gian cho mọi người trên khắp thế giới gửi kiến nghị của mình, nhiều người dùng đã lên tiếng, cho rằng IELTS chỉ là một chiêu thức kinh doanh vì lợi nhuận.
Nếu bạn đã từng thi IELTS, bạn hẳn cũng biết dù bạn được bao nhiêu điểm đi chăng nữa, cái mà bạn nhận được cũng chỉ là điểm số của bạn chứ không phải là nhận xét từ người chấm hay lý do vì sao bạn nhận được số điểm đó. Cách duy nhất để một thí sinh biết điều đó là trong trường hợp tòa án có lệnh. Và nếu bạn muốn phúc khảo, bạn phải nộp một số tiền lớn tương đương khoảng 80% với việc thi lại – nhưng ai sẽ là người giám sát việc phúc khảo thực sự được diễn ra?
Đề thi của IELTS cũng không được tiết lộ một cách chính thức dù đã thi xong, bạn chỉ có thể đợi những người đi thi về kể lại và được biết, đề thi IELTS cũng có rất nhiều những lỗi logic có thể gây mất tập trung đối với những người đi thi. Nhưng, họ có thể làm gì? Họ không thể làm gì cả. IELTS giống như một trò chơi mà một khi đã bước vào, bạn buộc phải tuân thủ mọi quy tắc nó đặt ra, một hệ thống nơi không ai có thể len lách hay nhúc nhích, bạn không được quyền hỏi tại sao lại như thế, bạn chỉ có thể chấp nhận có những lỗi sai của nó và không ai đền bù cho bạn chuyện ấy.
Với một nền công nghiệp mà tự thân sản phẩm cốt lõi đã đầy “bí hiểm” và thiếu minh bạch như vậy, có lẽ cũng là quá đáng khi khi đòi hỏi sự minh bạch ở những sản phẩm vệ tinh.
Để trừng phạt loài người vì đã xây tháp Babel đến tận thiên đường, Chúa đã trừng phạt con người bằng cách khiến họ không thể hiểu ngôn ngữ của nhau. Nhưng có lẽ đến Chúa cũng không ngờ được, sự khác biệt ngôn ngữ chẳng những không khiến con người chùn bước, nó còn được con người biến thành một công cụ làm giàu hiệu quả cho một bộ phận thiểu số. Con người muôn năm!