Tuần qua, hơn 10 triệu học sinh Trung Quốc đã vượt qua cả dịch bệnh lẫn thiên tai để tham gia kỳ thi tốt nghiệp xét tuyển vào đại học, thường được biết đến với cái tên kỳ thi Cao khảo (Gaokao). Đối với hàng triệu học sinh, điểm số từ các bài thi này sẽ định đoạt tương lai phía trước.
_________________
Kỳ thi Cao khảo năm nay diễn ra trong hai ngày (7-8/7), thu hút sự tham gia của 10,71 triệu học sinh trên toàn quốc. Đây được xem như sự kiện tập trung đông người nhất tại Trung Quốc kể từ khi dịch COVID-19 bùng nổ vào tháng 12 năm ngoái.
Để đảm bảo an toàn và sức khỏe cho hàng triệu thí sinh, giám thị,…Bộ Giáo dục Trung Quốc đã áp dụng các biện pháp y tế nghiêm ngặt tại hơn 7.000 địa điểm thi với gần 400.000 phòng thi trên cả nước. Một loạt các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh đã được thực hiện, bao gồm đeo khẩu trang và chuẩn bị phòng cách ly cho những người có triệu chứng đáng ngờ, theo Bộ Giáo dục Trung Quốc.
“Hàng ngày, tất cả học sinh và giám thị bắt đầu theo dõi tình trạng sức khỏe của mình bằng cách đo nhiệt độ trước khi kỳ thi diễn ra 14 ngày. Ngoài ra, tất cả mọi người đều phải kiểm tra nhiệt độ và đeo khẩu trang trước khi vào địa điểm thi”, ông He Qinghua, một quan chức của Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc. Sau khi vào phòng thi, thí sinh ở những khu vực dịch bệnh ít tấn công có thể tự ý bỏ khẩu trang, trong khi những học sinh ở khu vực trung bình và nguy cơ cao cùng giám khảo phải đeo khẩu trang trong suốt thời gian thi, theo vị quan chức.
Các phòng cách ly đặc biệt sẽ được thiết lập tại mỗi địa điểm thi và những người bị sốt hoặc mắc bệnh hô hấp sẽ được nhân viên y tế đánh giá sức khỏe để quyết định xem có thể tiếp tục tham dự kỳ thi hay không.
Nếu vượt qua bước đánh giá, các thí sinh sẽ được xếp vào một phòng cách ly riêng để làm bài thi. Giám thị tại các phòng cách ly này có thể mặc đồ bảo hộ nếu cần thiết.
Trước thềm ngày thi, tất cả các phòng thi đều được phun xịt khử khuẩn và bố trí thông thoáng nhằm giúp đảm bảo khoảng cách an toàn giữa các thí sinh.
Wang Hui, một quan chức cấp cao của Bộ Giáo dục Trung Quốc, cho biết chính quyền ở tất cả các cấp đã rất nghiêm túc chuẩn bị cho kỳ thi và xây dựng kế hoạch chi tiết trên dựa trên điều kiện riêng ở từng địa phương.
Các nhà chức trách cũng bố trí các hộp sơ cứu y tế tại mỗi phòng thi và một chuyên gia tư vấn tâm lý cho thí sinh.
Ông Wang cũng lưu ý rằng những nỗ lực để đảm bảo trật tự và kỷ luật tại các điểm thi cũng như phòng, chống gian lận sẽ không kém phần nghiêm ngặt như đối với dịch bệnh.
Ngoài các cơ quan y tế và giáo dục, Bộ Công an Trung Quốc cũng huy động phần lớn lực lượng chức năng để tham gia nhiệm vụ tuần tra tại các điểm thi, điều tiết giao thông và xử lý các trường hợp làm ồn nhằm đảm bảo điều kiện tốt nhất cho kỳ thi Cao khảo được diễn ra suôn sẻ.
Tại thủ đô Bắc Kinh, ông Zhu Zuoliang cho biết đích thân mình đưa con đi thi để an tâm, trước đó một tuần con của ông Zhu đã được làm xét nghiệm COVID-19.
Ông Zhu cho rằng dù các giáo viên đã lên tiếng đảm bảo chất lượng ôn tập, nhưng vị phụ huynh vẫn hết sức lo ngại các lớp học trực tuyến không cung cấp đủ kiến thức cho các thí sinh tham dự kỳ thi Cao khảo so với việc đi học trên lớp như thông thường.
Năm nay, Bắc Kinh có hơn 49.000 thí sinh tham dự kỳ thi Cao khảo, thành phố này là khu vực duy nhất trên cả nước có mức độ rủi ro trung bình do nơi này chỉ mới tháng trước còn xuất hiện ổ dịch tại chợ Tân Phát Địa.
Ngoài Bắc Kinh, một thành phố khác thu hút sự chú ý là Vũ Hán – tâm dịch đầu tiên trên toàn thế giới. Thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc có 59.000 học sinh tham dự Cao khảo trong năm nay và chính quyền đã chuẩn bị 220.000 khẩu trang để phân phát cho thí sinh và giám khảo.
Nhằm giúp đỡ cho các thí sinh đến điểm thi an toàn và đúng giờ, một nhóm các tài xế taxi tại Vũ Hán đã tình nguyện chở các học sinh đi thi.
Nhóm 108 tài xế này trong 70 ngày liên tiếp đã tình nguyện vận chuyển nhân viên y tế từ nhà đến bệnh viện trong thời gian thành phố Vũ Hán phong tỏa. Mỗi người trong số họ phải lái hơn 100 km mỗi ngày.
Sau khi thông báo rộng rãi ý định của mình, nhóm tài xế này đã tiến hành bảo dưỡng xe cũng như chuẩn bị lộ trình từ nhà thí sinh tới điểm thi và liên tục chạy thử.
Họ cũng tiến hành kiểm tra nhiệt độ hàng ngày và đeo khẩu trang khi đón học sinh. Để đăng ký đi nhờ, các thí sinh sẽ phải đăng ký với nhóm tài xế từ trước một tuần.
Hành động hào hiệp của nhóm tài xế này đã được chia sẻ rộng rãi trên các mạng xã hội của Trung Quốc. “Những hy sinh thầm lặng của họ thực sự đã lay động tâm trí của toàn xã hội”, một người dùng Weibo gửi lời tri ân tới nhóm tài xế tại Vũ Hán.
Nhằm hưởng ứng tinh thần của nhóm tài xế tại Vũ Hán, nhiều người ở Bắc Kinh và Trùng Khánh đã tự lập ra những hội tình nguyện đưa thí sinh đi thi.
Có lẽ kỳ thi Cao khảo năm nay sẽ hết sức đáng nhớ đối với người dân Trung Quốc, bởi ngoài dịch bệnh thì mưa lũ đã khiến nhiều tỉnh thành dọc theo lưu vực sông Trường Giang bị tàn phá nghiêm trọng như Tứ Xuyên, Giang Tây, Hồ Bắc,…
Tại tỉnh An Huy, hơn 2.000 ngôi nhà đã bị phá hủy, buộc 147.000 người phải đi sơn tán. Tại tỉnh Giang Tây lân cận, mưa lũ kéo dài hơn một tuần đã khiến hơn 151.000 người phải đi sơ tán. Chính quyền tỉnh này đã nâng cảnh báo mưa to ở mức cao nhất màu đỏ ở huyện Hấp, huyện Y, huyện Kỳ Môn, huyện Hưu Ninh và thành phố Hoàng Sơn.
Trong khi hầu hết các thí sinh trên toàn quốc đang hoàn thành kỳ thi Cao khảo, thì hơn 2.000 thí sinh tại huyện Hấp lại phải quay trở về nhà do ảnh hưởng của mưa lũ khiến hai buổi thi Ngữ văn và Toán không thể diễn ra đúng kế hoạch.
Bộ Giáo dục Trung Quốc đã chấp thuận cho chính quyền huyện Ấp dời lịch thi sang hai ngày sau và sử dụng các đề thi bổ sung với độ khó tương đương đề gốc.
Kể từ năm 1978, khi kỳ thi Cao khảo được phục hồi, đây là lần đầu tiên một địa phương buộc phải hoãn thi.
Vào năm 2006, khi lũ lụt nghiêm trọng tấn công huyện Kiến Âu của tỉnh Phúc Kiến, chính quyền địa phương đã trì hoãn kỳ thi và tổ chức lại muộn hơn 6 ngày so với toàn quốc, hơn 6.000 thí sinh đã bị ảnh hưởng bởi sự cố này.
Một phụ huynh ở huyện Hấp cho biết con trai ông không bị ảnh hưởng quá nhiều bởi việc hoãn thi, nhưng nói rằng nhiều phụ huynh và thí sinh khác cảm thấy không hài lòng với thay đổi đột ngột này. Rạng sáng ngày thi đầu tiên, huyện Hấp có mưa như trút nước, mà theo chính quyền đây là trận mưa nặng hạt nhất trong 50 năm trở lại đây.
Một nữ sinh cho biết trường của cô đã cử một chiếc xe buýt tới đón mình và các bạn gần đó, nhưng chiếc xe nhanh chóng bị ngập một nửa dưới nước và không thể di chuyển.
Lực lượng cứu hộ đã phải đi thuyền tới giải cứu, nhưng vẫn không đủ để đón hết các thí sinh tới điểm thi.
Khoảng 500 học sinh tại huyện Hoàng Mai (tỉnh Hồ Bắc) suýt chút nữa đã bỏ lỡ ngày thi đầu tiên do mắc kẹt trong nhà.
Cho tới trước thời điểm thi 2 tiếng, lực lượng cứu hộ vẫn chưa thể đưa hết được thí sinh ra khỏi nhà. Cuối cùng, các nhà chức trách đã phải quyết định đặc cách cho các thí sinh tới muộn được làm bài trong khoảng thời gian là hai tiếng rưỡi. Bao Jinmei, một bà mẹ đơn thân tại huyện Hấp cho biết: “Suốt nhiều năm qua, tôi luôn cố gắng động viên con gái mình nỗ lực học để có thể vượt qua kỳ thi Cao khảo”.
Sinh năm 1978 và chỉ học đến trung học cơ sở, người mẹ nói thêm: “Tôi chưa bao giờ đi chơi buổi với bạn bè, chỉ để đảm bảo con gái mình có thể chú ý học tập và không cảm thấy cô đơn.”
“Tôi không được giáo dục tốt và thấu hiểu cuộc sống khó khăn như thế nào nếu không được học đại học, vì vậy tôi hy vọng con gái tôi có thể có một tương lai tốt bằng cách thành công trong kỳ thi lần này”, bà mẹ chia sẻ.
Bao cho biết trong hai ngày thi, cô luôn đưa con tới từ 7 giờ sáng và chờ đợi cho tới khi con bước ra từ phòng thi để cùng trở về.
“Sau cơn mưa, sẽ có cầu vồng”, Bao lạc quan nói.
Bài: Bắc Hiệp