Ba năm sau khi đăng quang Cuộc thi Hoa hậu Đại dương, Lê Âu Ngân Anh bây giờ là một hình ảnh mới: Giảng viên trường ĐH Hoa Sen, sau khi tốt nghiệp Thạc sĩ tại Anh.
Chào Lê Âu Ngân Anh, việc trở thành giảng viên của trường ĐH Hoa Sen đến với chị bắt đầu từ lúc nào và như thế nào?
Tính từ thời điểm ĐH Hoa Sen có lời mời giảng dạy là 6 tháng. Đó là một sự tình cờ vì thời điểm tháng 12/2019, mình bắt đầu nhận bằng Thạc sĩ ngành Quản trị Sự kiện quốc tế (International Events Management) tại ĐH Salford (Anh). Đúng lúc đó, ĐH Hoa Sen có kế hoạch mở ngành Quản trị Sự kiện ngay trong năm học 2020 – 2021 và muốn mình tham gia giảng dạy một số môn của ngành này.
Khi quyết định nhận lời, mình có sự hồ hởi, phấn khởi nhưng thời gian đầu cũng nhiều áp lực vì trước giờ, mình chưa tiếp cận môi trường giáo dục. Ngay cả các kỹ năng sư phạm cũng quá mới mẻ với mình.
Mình bắt đầu với vị trí giảng viên tập sự. 5 tháng đầu tiên, mình có nhiều cơ hội để tiếp cận môi trường học thuật nhiều hơn: học thêm về nghiệp vụ sư phạm, học giảng dạy bằng tiếng Anh, sinh hoạt chuyên môn cùng các giảng viên trong khoa, quan sát cách đứng lớp và truyền thụ của các thầy cô đi trước để đúc rút kinh nghiệm.
“Trở thành giảng viên là một sự tình cờ”. Ảnh: NVCC
Nếu so sánh, Lê Âu Ngân Anh hoa hậu khác với Lê Âu Ngân Anh giảng viên hiện nay ra sao?
Ai đã từng xem đêm chung kết Hoa hậu sẽ thấy phần thi ứng xử của mình không hoàn hảo lắm. Mình vốn không phải người hoạt ngôn hay giỏi nói trước đám đông. Cho đến khi bắt đầu đi du học và làm việc, mình bắt buộc phải thay đổi vì nhận ra, khi mình diễn đạt tốt ngôn ngữ và suy nghĩ, ta có thể dễ dàng thuyết phục được người đối diện. Khi có cơ hội tiếp cận ở môi trường mở, tất cả đều thay đổi từ nhân sinh quan, kỹ năng mềm đến góc nhìn của mình cũng cởi mở.
Lúc bắt đầu đi dạy, mình cũng từng trăn trở không biết mình có đủ sức thuyết phục khi đứng trước các bạn sinh viên, vốn cũng trạc tuổi mình. Sau một thời gian cải thiện nhiều kỹ năng, chứng chỉ sư phạm của Bộ GD – ĐT để đủ điều kiện giảng dạy ở bậc đại học, mình cảm thấy tự tin hơn.
Thời gian vừa qua, mình chủ yếu làm trợ giảng, quan sát các thầy cô đi trước để học tập phương pháp giảng dạy chứ vẫn chưa có giờ giảng chính thức. Ngành Quản trị Sự kiện sẽ bắt đầu từ năm học này và mình đã sẵn sàng.
“Quyết định đi du học đã giúp tôi thay đổi nhiều thứ”. Ảnh: NVCC
Trở lại quá khứ một chút, quyết định không tham gia showbiz để đi học của chị khiến nhiều người bất ngờ. Quyết định đó đến trước hay sau cuộc thi hoa hậu?
Từ lúc học xong cử nhân, ba mẹ đã muốn mình du học nhưng tâm thế lúc đó, mình nghĩ bản thân vừa hoàn thành trách nhiệm với gia đình, nên muốn có thời gian ra ngoài thử thách. Mình nói ba mẹ cho mình một năm để làm những điều mình thích. Nhưng những áp lực sau cuộc thi buộc mình tự hỏi, liệu con đường giải trí có phù hợp với mình không? Và nhận thấy, con đường phù hợp nhất với mình là tiếp tục đi học hoặc kinh doanh. Bảy tháng sau, mình quyết định đăng ký học Thạc sĩ.
Giữa quyết định đi thi nhan sắc và ra nước ngoài du học của Ngân Anh, gia đình ủng hộ lựa chọn nào?
Ba mẹ không ủng hộ cũng không cấm cản mình tham gia thi sắc đẹp. Ba mẹ chỉ mong mình có một sự nghiệp ổn định và phát huy được hết sở trường của mình. Khi những áp lực dồn tới, sự việc coi như đã rồi, ba mẹ chỉ biết ở bên cạnh quan tâm lo lắng cho con. Mình biết ba mẹ sẽ lo lắng nếu mình chọn con đường showbiz. Nhưng sau khi mình học xong, trở về có một công việc tốt, có thể dùng đến kiến thức nhiều hơn, ba mẹ rất hài lòng và yên tâm.
Mình không nhớ hết cụ thể từng cảm xúc trong 3 năm trước, chỉ biết là mình từng khủng hoảng và mất phương hướng. Ba tháng đầu, mình hầu như chỉ cố chứng minh cho người khác đã nhìn sai về mình, mình ở ngoài là một con người khác chứ không giống những gì các bạn nhìn thấy. Sau một thời gian, mình tự hỏi, mình cố làm vậy để làm gì? Ngẫm ra, chỉ có sự thay đổi từ bên trong mới là minh chứng rõ ràng, mình gác lại mọi thứ để bắt đầu con đường khác là đi học. Mình không tiếc nuối điều gì khi quyết định lên đường, chỉ thấy hay nhớ nhà và nhiều khi cô đơn. Ngoài thời gian bắt buộc phải học ở trường, khi sắp xếp được, mình đều cố gắng bay về Việt Nam.
“Thay đổi từ bên trong mới là thực chất”. Ảnh: NVCC
Đến bây giờ, có bao giờ Ngân Anh nghĩ lại và tiếc nuối vì mình từ bỏ một cơ hội tốt?
Mình không tiếc, nhưng ray rứt nhất là những áp lực của bản thân đã ít nhiều “vạ lây” đến ba mẹ. Bây giờ nghĩ lại, dù sao khoảng thời gian đó cũng là một trải nghiệm để mình nhiều kinh nghiệm sống hơn, vững vàng hơn. Hơn hết, nó làm cuộc sống của mình thay đổi nhiều hơn. Nếu không đi thi hoa hậu, có lẽ mình sẽ không thoát khỏi sự nhút nhát vốn có. Đó là trải nghiệm quý giá cho tuổi trẻ.
Điều khiến người ta nhớ nhiều về Ngân Anh là việc bạn từng là nạn nhân của thói giễu cợt ngoại hình, chị đã làm thế nào để vượt qua?
Dẹp bỏ “body shaming”, trước hết phải từ ý thức của một cộng đồng chứ không thể là nỗ lực nhỏ bé của một cá nhân. Nguyên nhân khiến cho mọi người có thể tự do phát ngôn, bình phẩm, tấn công ngoại hình của người khác đến từ nhận thức cá nhân. Ít ai đặt mình vào tâm thế của người khác để thấu hiểu. Bây giờ thì chưa nhưng một ngày nào đó, chính mình sẽ bị tấn công. Lúc đó, mình nghĩ, nếu không muốn người khác quan tâm về ngoại hình, tốt nhất là nên có cái gì đó tốt để người khác chú tâm vào, mình chọn đi học để mọi người thấy được hình ảnh khác của mình.
“Mình chọn con đường tri thức để mọi người thấy được khía cạnh khác của mình”. Ảnh: NVCC
Chị có thể chia sẻ về cuộc sống của một du học sinh tại Anh như thế nào?
Ở Anh cho phép học Thạc sĩ chỉ trong một năm, nếu học cách quãng thì kéo dài hai năm. Mình đăng ký học toàn thời gian để rút ngắn. Chương trình với 8 môn học và phần làm luận văn vì vậy chương trình học khá căng thẳng. Cứ 3 tuần, sinh viên phải làm tiểu luận một lần song song với việc học lý thuyết.
Học ở Anh và bây giờ làm công tác giảng dạy ở Việt Nam, Ngân Anh nhận thấy môi trường đại học trong nước hiện nay ra sao?
Giáo dục Việt Nam đã và đang bắt nhịp với xu hướng quốc tế hóa. Các trường đại học ngày càng cởi mở hơn, lấy sinh viên làm trung tâm. Thế hệ sinh viên hiện nay chủ yếu là 10X. Các bạn cởi mở, tiếp cận và tiếp nhận nhanh các thay đổi từ bên ngoài. Điều đó cũng khiến đội ngũ giảng viên ngày càng thay đổi để phù hợp. Tại trường ĐH Hoa Sen, nhà trường định hướng mô hình giáo dục ứng dụng, khi soạn bài giảng, mình thường chỉ dành 5 – 6 tiết cho phần lý thuyết, còn lại sinh viên sẽ thực tế và ứng dụng lý thuyết. Với ngành Sự kiện, ngoài lý thuyết chung, sinh viên phải ra ngoài làm quen với việc thiết kế và xây dựng sân khấu thực tế với các đơn vị thi công, sản xuất chương trình với các đối tác truyền thông…
Mình có cơ hội được tham gia nhiều sự kiện và nhận thấy ở Việt Nam, ngành này nhu cầu nhân lực nhiều nhưng vẫn còn ít nhân sự cấp cao, đa phần hướng theo truyền thụ kinh nghiệm. Nếu có đào tạo cũng chủ yếu là các khóa học ngắn, hoặc lồng ghép vào các môn học khác. Bản thân mình cũng thấy gần gũi và yêu thích ngành này.
“Mình hứng thú với môi trường đại học”. Ảnh: NVCC
Công việc hằng ngày của Ngân Anh như thế nào? Chị có kế hoạch nào cho quãng đường sắp tới?
Hằng ngày, mình làm công việc chuyên môn và cả một số việc hành chính tại khoa, tham gia các buổi họp chuyên môn và tổ chức kế hoạch giảng dạy. Các bạn sinh viên rất dễ thương, các anh chị đồng nghiệp thì gần gũi và cởi mở. Dù giai đoạn đầu, mình còn khá nhiều việc phải làm quen nhưng nhìn chung, mình hứng thú với môi trường này. Đó là một sự lựa chọn đúng đắn. Mình có dự định tương lai sẽ theo học MBA và xây dựng các khóa học về quản trị bản thân, tư duy phản biện. Mình nhận thấy việc quản trị bản thân với giới trẻ hiện nay rất quan trọng. Khi mình làm chủ được bản thân, biết được mình có gì, phải làm gì và làm như thế nào là vốn quan trọng để bạn trẻ vào đời.