Nhà ngôn ngữ học Phan Ngọc- một tên tuổi bậc nhất trong giới nghiên cứu và dịch thuật nước ta, đã rời khỏi dương gian lúc 20h40 ngày 26/8, tại Hà Nội.
Nhà ngôn ngữ học Phan Ngọc được xem là “thầy của các thầy” trong lĩnh vực ngôn ngữ. Dù ông chỉ có học hàm Phó Giáo sư, nhưng nhiều Giáo sư cũng phải gọi ông là “thầy” một cách kính trọng. Vì vậy, không có gì ngoa ngôn, khi gọi Phan Ngọc là học giả.
Nhà ngôn ngữ học Phan Ngọc là người biết nhiều ngoại ngữ nhất Việt Nam trong thế kỷ 20. Có lẽ trình độ ngoại ngữ của Phan Ngọc chỉ đứng sau tiền bối Trương Vĩnh Ký (1837-1898) lừng lẫy ở thế kỷ 19.
Nhà ngôn ngữ học Phan Ngọc thông thạo 5 ngoại ngữ La tinh, Trung Quốc, Pháp, Anh, Italia. Ngoài ra ông còn có khả năng sử dụng nhuần nhuyễn tiếng Nga, tiếng Đức, tiếng Nhật, tiếng Thái Lan và tiếng Campuchia. Nhà ngôn ngữ học Phan Ngọc quan niệm: “Trong rất nhiều ngôn ngữ, người học nên chọn vài ngoại ngữ có tính phổ biến trên thế giới để có thể giao tiếp rộng rãi. Những ngôn ngữ này phải được học một cách chu đáo trước khi chuyển sang học các ngôn ngữ khác”.
Nhờ vốn ngoại ngữ siêu đẳng ấy, nhà ngôn ngữ học Phan Ngọc định vị như một dịch giả uy tín với các tác phẩm chuyển ngữ “Sử ký Tư Mã Thiên”, “Hình thái học của nghệ thuật”, “Trần trụi giữa bầy sói”, “Hàn Phi Tử”, “Mỹ học Hegel”….
Trong lĩnh vực nghiên cứu, nhà ngôn ngữ Phan Ngọc để lại cho hậu thế những công trình có giá trị như “Văn hóa Việt Nam và cách tiếp cận mới”, “Văn học xét theo văn hóa học”, “Cách giải thích văn học bằng ngôn ngữ học”…
Nhà ngôn ngữ Phan Ngọc sinh năm 1925 tại Yên Thành – Nghệ An. Ông được trao Giải thưởng Nhà nước năm 2001.