Nộp 10 hồ sơ, trúng tuyển 4
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp THPT, chàng cựu học sinh trường THPT Trần Quý Cáp (Quảng Nam) này trúng tuyển vào ngành Dược của trường ĐH Y Dược TP. HCM, khóa 2011 – 2016. Suốt thời sinh viên, Nguyễn Viết Ngọc không chỉ nổi bật với thành tích học tập tốt mà còn là gương mặt sôi nổi của các hoạt động cộng đồng, Đoàn – Hội. Ngọc cũng từng nhận được một số học bổng ngắn hạn của trường ĐH Takasaki (Nhật), học bổng Daewoong, học bổng Homtamin (Hàn Quốc).
Tốt nghiệp Top 3 toàn trường, Ngọc được giữ lại làm giảng viên bộ môn Dược lâm sàng – Khoa Dược và Trung tâm điều trị nghiện chất và HIV. Chàng trai sinh năm 1993 này cũng là phó Bí thư Đoàn Khoa Dược, phụ trách một số chương trình sinh viên liên quan đến văn nghệ, tiếng Anh.
“Du học là cách để mình trở thành một giảng viên giỏi”.
“Lúc còn là sinh viên, du học chỉ dừng lại ở mơ ước chứ chưa có sự chuẩn bị gì. Khi tham gia công tác giảng dạy, mình có điều kiện tiếp xúc, gặp gỡ để giấc mơ đó thành hiện thực. Hơn nữa, đi du học sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc giảng dạy. Mình muốn là một giảng viên giỏi, mà muốn giỏi thì phải học thêm nhiều”, Ngọc nói về con đường du học của mình.
Hơn một năm trước, Ngọc bắt đầu tìm hiểu và chuẩn bị hồ sơ xin học bổng với mục tiêu ngay trong năm học 2020-2021 sẽ hoàn thành. Ngọc nộp hồ sơ vào 10 trường đại học khác nhau và kết quả thu về là 4 suất học bổng toàn phần bậc Thạc sĩ của Chính phủ các nước châu Âu gồm: Học bổng IDEAS ngành Y tế toàn cầu của Chính phủ Ireland, Học bổng ngành Y tế cộng đồng của Chính phủ Anh tại trường ĐH Glasgow, Học bổng Vlious của Bỉ ngành Dịch tễ học tại trường ĐH Antwerp và Học bổng ngành Dịch tễ học tại Viện Karolinska của Chính phủ Thụy Điển. Ước tính, mỗi suất học bổng của Ngọc trị giá gần 2 tỷ đồng, gồm học phí toàn phần, vé máy bay khứ hồi và chi phí sinh hoạt hằng tháng.
Nguyễn Viết Ngọc trong ngày tốt nghiệp.
“Để quyết định chọn học tại đâu cũng là khó khăn với mình vì tất cả các nước cấp học bổng đều nổi tiếng về chương trình đào tạo ngành Y tế. Nước nào cũng đáng sống. Trong khi chương trình tại Anh và Ireland là một năm thì Thụy Điển và Bỉ là 2 năm đào tạo. Mình quyết định chọn theo học 2 năm tại Viện Karolinska”, Ngọc cho biết. Theo Ngọc, Viện Karolinska là đơn vị nằm trong nhóm những trường đào tạo ngành Y Dược tốt nhất thế giới, thường góp mặt trong Top đầu tại châu Âu và thế giới theo hệ thống xếp hạng các trường đại học chuyên ngành Y Dược.
Hiểu rõ mình muốn học gì?
“Khát khao du học thực sự. Có khát vọng sẽ có động lực tìm hiểu. Khi làm hồ sơ, quan trọng nhất là giai đoạn chuẩn bị, nên tìm hiểu kinh nghiệm từ người đi trước để đảm bao giai đoạn chuẩn bị không bị sai sót bất cứ chi tiết nào, dù là nhỏ nhất”, Ngọc nói. Nên tìm hiểu cách thức viết bài luận, viết thư giới thiệu kèm theo hồ sơ học tập và làm việc. Những kỹ năng này không khó tìm vì được chia sẻ khá nhiều trên các diễn đàn. Tuy nhiên, mấu chốt là ứng viên phải tìm hiểu rõ về ngôi trường và đất nước mình muốn xin học.
“Mình muốn học xong sẽ trở về để tiếp tục công việc giảng dạy”.
“Khi bạn hiểu một ai đó, biết họ có gì và mong muốn tìm điều gì từ ứng viên, thì cơ hội thành công sẽ cao hơn. Các trường và cơ quan cấp học bổng sẽ ấn tượng khi ứng viên hiểu khá rõ về họ và sẽ không có nhiều thời gian để thẩm định một lá thư xin học mà ứng viên chưa mường tượng được nơi sắp đến như thế nào?”, Ngọc chia sẻ.
Thêm vào đó, phần lớn các ứng viên sẽ gặp và lúng túng khi đi tìm câu trả lời là câu hỏi: “mình muốn gì, muốn học gì và ngành học đó sẽ giúp mình làm được gì trong tương lai? Đâu là ưu và nhược điểm của bản thân?
Kỹ năng viết bài luận và thư giới thiệu rất quan trọng, đòi hỏi người viết có cả trải nghiệm sống. Là một chàng trai sôi nổi, đàn hay, hát giỏi, học giỏi, thích tham gia các hoạt động cộng đồng từ khi còn là một học sinh, điều đó đã giúp Nguyễn Viết Ngọc có sự trải nghiệm sâu sắc để đưa vào bài luận của mình.
“Trải nghiệm và vốn sống sẽ giúp ứng viên hiểu rõ bản thân muốn gì và xây dựng được kế hoạch bài bản cho việc học”, Ngọc nói thêm về dự định của mình: “Sau khi học xong, mình muốn tìm cơ hội để tiếp tục làm nghiến cứu sinh Tiến sĩ, sau đó mình sẽ muốn về nước và tiếp tục làm giảng viên tại ĐH Y Dược TP. HCM”.