Một số có thể sẽ buộc phải đóng cửa. Những trường còn lại buộc phải thích ứng để sống sót.
Vào tháng 9, khi học sinh quay lại Strathallan, một trường nội trú độc lập ở hạt Perthshire, Scotland, các em sẽ nhận thấy trường mình có đôi chút khác biệt. Các học sinh sẽ được kiểm tra nhiệt độ cơ thể vào mỗi buổi sáng. Một hệ thống di chuyển một chiều sẽ điều hướng các em đi xung quanh khuôn viên rộng lớn. Các bài học theo mô hình “giãn cách xã hội” sẽ được giảng dạy thông qua máy tính xách tay, vừa để ngăn chặn việc phải phát tài liệu cầm tay, vừa để đảm bảo rằng bất cứ học sinh nào dù bị cách ly vẫn có thể tham gia bài học.
Khi hiệu trưởng của Strathallan – Mark Lauder vui vẻ giải thích những biện pháp này, ông thừa nhận rằng không gian và ngân sách của trường đã khiến điều này trở nên khả thi. Trong số 560 học sinh, các em lứa tuổi từ 9 đến 18 hầu hết đều có phòng ngủ riêng; các môn thể thao và hoạt động khác có thể diễn ra trong khuôn viên rộng 153 mẫu Anh; và gần như các công nhân viên đều đang sinh sống tại chính trong khuôn viên trường. Những đầu tư đáng kể đã được tiến hành để nâng cấp hệ thống Wifi trong mùa hè này, đảm bảo rằng luôn có đủ băng thông để cho toàn bộ học sinh truy cập.
Mặc dù trường đã chịu không ít ảnh hưởng tài chính do đại dịch Coronavirus, ông Lauder vẫn tự tin rằng ngôi trường sẽ tiếp tục tồn tại. Thế nhưng, để làm được như vậy thì có lẽ phải thích nghi tốt hơn nữa, và không phải tất cả các trường tư thục tinh hoa đều có thể xoay xở được. Ông Lauder còn lưu ý “trước khi đại dịch xảy ra, chúng tôi đã biết thị trường đang tự định hình lại chính nó. Và “đây” chính là chất xúc tác cho sự tái định hình đó”.
Ở Anh, các trường công lập chỉ đào tạo con số ít ỏi 6,5% tổng số học sinh. Một số trường ghi nhận sự quan tâm đột ngột của các bậc cha mẹ không hài lòng với nền giáo dục từ xa mà con em họ nhận được trong thời gian cách ly. Vào tháng Tư, Sutton Trust – một tổ chức thiện nguyện về giáo dục thống kê rằng có một nửa số học sinh tiểu học và 64% học sinh trung học đang học tập trong khoảng ba tiếng hoặc ít hơn mỗi ngày. Những em làm được nhiều thứ hơn thường là đang theo học tại các trường tư thục, với 2/3 trong số đó đã có các nền tảng công nghệ và học sinh có thể chuyển đổi qua các bài giảng trực tuyến, vốn tiết kiệm thời gian hơn nhiều. Ông Lauder nói rằng, trường Strathallan đã nhận “một số” học sinh mới kể từ khi đại dịch bắt đầu và kỳ vọng sẽ có thêm nhiều hơn nữa vào học kỳ tới.
Mặc dù vậy, nhiều trường tư khác của Anh có thể sẽ sớm gặp rắc rối. Vào tháng 5, một nhà xuất bản giáo dục là TES (Times Educational Supplement) đã dự báo có đến 30% trường công lập sẽ bị phá sản trong vài năm tới. Việc học phí thấp và số lượng học sinh quốc tế giảm có thể sẽ buộc các trường phải đóng cửa hay sáp nhập, và cũng bởi nhiều trường vốn đã ở trong tình trạng tài chính bấp bênh.
Một số trường đã cho xây dựng thêm cơ sở vật chất đắt tiền để thu hút thêm học sinh. Tuy nhiên, tất cả đều đang phải đối mặt với việc tăng 43% lương hưu cho giáo viên, được thực hiện vào tháng 9 năm ngoái. Trước đây, một số trường tư thục Anh Quốc rất khó khăn đã được các doanh nghiệp ở Hồng Kông và (đặc biệt) tại Trung Quốc đại lục mua lại như một khoản đầu tư. Mối quan hệ đang xấu đi giữa Trung Quốc và Anh có thể khiến những cuộc giải cứu như vậy ít có khả năng xảy ra hơn.
Đảm bảo rằng học sinh Trung Quốc vẫn có thể theo học đã trở thành một ưu tiên của nhiều trường nội trú. Ở Anh, học sinh đến từ Trung Quốc và Hồng Kông chiếm 43% trong số những học sinh có cha mẹ ở nước ngoài — và 22% trong tổng số học sinh ngoại quốc — theo một cuộc điều tra dân số do Hội đồng các trường công thực hiện. Hàng trăm trường ở Anh đã sắp xếp các chuyến bay đặc biệt với một hãng hàng không Trung Quốc trước kỳ học mới, một số trường còn cung cấp các phương tiện kiểm dịch chuyên dụng.
Và cuối cùng, căng thẳng ngoại giao cũng có thể trở thành một nhân tố. Trung Quốc không phản đối với việc sử dụng nhu cầu giáo dục của mình như một đòn bẩy chính trị, sự thật là họ đã cấm sinh viên đến học tại Đài Loan và cảnh báo họ tránh xa Úc (Úc cũng phụ thuộc rất nhiều vào sinh viên Trung Quốc, với số lượng 160.000 sinh viên đăng ký vào các trường đại học và 12.000 học sinh tại trường bậc dưới đại học).
Mặc dù đã được thông báo các gia đình Trung Quốc đã cự tuyệt các trường nội trú của Mỹ sau khi Tổng thống Donald Trump gọi các học sinh là “gián điệp”, thế nhưng các trường tại Anh vẫn chưa xuất hiện những dấu hiệu cho thấy sự lo lắng về việc học sinh Trung Quốc có thể bị kìm hãm vì lý do chính trị.
Một số trường tinh hoa đã tự biến mình thành các doanh nghiệp quốc tế có nhiều cơ sở giáo dục. Suốt 20 năm qua, giáo dục bằng tiếng Anh đã phát triển thành một thị trường trị giá 55 tỷ USD, chủ yếu được thúc đẩy bởi nhu cầu từ Trung Quốc và Trung Đông. Các trường nội trú có uy tín, chủ yếu là từ nước Anh, đã thành lập các tổ chức đối tác ở các nước ngoài.
Harrow, ngôi trường cũ ở phía bắc London của Winston Churchill, nơi học phí vượt mức 42.000 bảng Anh một năm, đã mở trường quốc tế đầu tiên của mình ở Bangkok vào năm 1998. Năm ngoái, trường có 4.800 học sinh ở Thái Lan, Hồng Kông và Trung Quốc, và theo đúng kế hoạch sẽ có thêm 5 trường nữa ở Trung Quốc được mở trong năm nay bất chấp đại dịch.
Một số trường nội trú khác của Anh Quốc thậm chí giáo dục nhiều thế hệ học sinh ở nước ngoài hơn là ở chính quê nhà. Trong thập kỷ tới, trường Westminster có ước tính sẽ có số học sinh ở Trung Quốc gấp 20 lần so với ở London.
Tuy nhiên, các cơ sở giáo dục như vậy vẫn là rất tốn kém để theo học và coronavirus có thể làm gián đoạn quá trình học tập trong năm tới. Do đó, các trường đang thử nghiệm các mô hình hoàn toàn mới: vào tháng 9, trường Harrow sẽ tung ra chương trình đào tạo cao đẳng “sixth-form” (cho học sinh từ 16 đến 18 tuổi) hoàn toàn trực tuyến, phù hợp với học sinh học bằng ngôn ngữ tiếng Anh và “đang tìm kiếm một nền giáo dục tiêu chuẩn Anh Quốc có uy tín, chất lượng cao phù hợp lối sống của các em”. Hợp tác với công ty giáo dục Pearson, Harrow Online đã bắt đầu hoạt động từ trước đại dịch. Khi chính thức mở cổng trực tuyến, trường sẽ thu hút cả sinh viên Anh lẫn sinh viên quốc tế.
Một số hệ thống trường khác (gồm cả Strathallan) đang xem xét một điều gì đó tương tự, sẽ cho phép họ nắm bắt miếng bánh mới của thị trường, đó là “các bậc cha mẹ muốn cho con một nền giáo dục mang thương hiệu Anh nhưng không đủ khả năng tài chính hoặc không muốn gửi trẻ đến các môi trường học thuật truyền thống”.
Mùa hè này, trường nội trú Eton College – ngôi trường nổi tiếng vì đã đào tạo ra 20 thủ tướng Anh đã bắt đầu cung cấp các khóa học bằng video miễn phí cho thanh thiếu niên tại các trường công lập, thông qua nền tảng trực tuyến EtonX của trường. Hiệu trưởng của Eton đã nói với Tatler, một tạp chí dành cho tầng lớp thượng lưu, rằng “điều đúng đắn nên làm bây giờ là chia sẻ sự giàu có, tài nguyên và chuyên môn của chúng tôi”.
Harrow Online cũng sẽ đi theo một hướng mới để mở ra các cơ sở học thuật ưu tú nhất cho nhiều sinh viên hơn (mặc dù, với mức 15.000 bảng một năm, con số này khó có thể đạt được một cách rộng rãi). Tuy nhiên, nếu các trường tư thục hàng đầu phát triển mạnh trong khi các trường nhỏ hơn tụt dốc thì giáo dục tư nhân sẽ đi theo mô hình hậu đại dịch đã được dự đoán cho các ngành khác. Và những cơ hội mà nó mang lại có thể trở nên phân tầng hơn.
Theo The Economist