29 tuổi, Huỳnh Tấn Lợi vừa học xong chương trình Tiến sĩ Kỹ thuật Môi trường tại ĐH Kyoto (Nhật Bản) theo diện được học bổng toàn phần cho chương trình 3 năm. Lợi có thể tìm thấy công việc với mức lương đáng mơ ước tại Nhật nhưng anh vẫn chọn trở về để làm giảng viên tại trường ĐH Văn Lang vì bản thân mong muốn được tuyền đạt kiến thức mình có được đến sinh viên.
Cơ duyên với ngành Môi trường
Tấn Lợi bắt đầu với ngành Môi trường không phải vì đam mê hay thích thú, mà chỉ vì sự tò mò và là sự lựa chọn thứ 2 trong định hướng nghề nghiệp lúc bước vào môi trường đại học. Nhưng rồi ngành Môi trường đem đến cho anh những trải nghiệm mới mẻ và đầy ấn tượng. Sau khi tốt nghiệp ĐH Văn Lang, Tấn Lợi được tham gia và chịu trách nhiệm chính trong dự án xử lý rác hữu cơ từ chợ đầu mối Bình Điền (TP. HCM) bằng phương pháp kỵ khí 2 giai đoạn do Chính phủ Nhật và Công ty Hitachi Zosen tài trợ.
Đến năm 2014, Tấn Lợi chính thức nhận được học bổng toàn phần tại Viện Công nghệ Châu Á (AIT) tại Thái Lan cho chương trình thạc sĩ 2 năm. “Khi được tiếp xúc và học tập với các bạn sinh viên quốc tế đến từ hơn 20 quốc gia tại Thái Lan, mình thầm cảm ơn những kiến thức cơ bản mà bản thân có được từ bốn năm trên giảng đường. Mình có thể dễ dàng tiếp thu những kiến thức mới bao gồm lý thuyết và cả thực hành”, Lợi cho biết.
Tấn Lợi đã trải qua 2 năm với những tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau tại AIT, được tận hưởng những địa điểm tại Thái Lan mà chỉ người bản xứ mới biết. Anh kết thúc chương trình học với số điểm 3.96/4.00 và tốt nghiệp thủ khoa. Đến năm 2017, sau 2 lần nộp hồ sơ cho học bổng tại ĐH Kyoto, anh đã được học bổng toàn phần cho chương trình Tiến sĩ 3 năm tại Nhật Bản.
Sống dấn thân và say mê nghiên cứu khoa học
Niềm yêu thích nghiên cứu khoa học đến với Tấn Lợi rất tự nhiên. Anh không ép bản thân phải làm để đạt được giải này giải kia, mà chỉ làm vì thấy được ý nghĩa mà công việc đó mang lại. Tấn Lợi tâm sự: “Không phủ nhận những thành tích do nghiên cứu khoa học đem đến cũng là một trong những niềm động lực để mình tiếp tục theo đuổi con đường này. Trong thời gian là sinh viên, mình được giúp đỡ cũng như học hỏi từ những người chị khóa trên như chị Đặng Huyền Châu, với đề tài “Tái sử dụng bã cà phê làm thanh nhiên liệu” (đề tài đoạt giải Nhất cuộc thi “Tài năng khoa học trẻ” do Bộ GD – ĐT tổ chức năm 2013), hay đề tài “Ứng dụng công nghệ oxy hóa bậc cao trong xử lý nước thải dược phẩm”. Mình cũng từng đoạt giải Nhất cuộc thi “Văn Lang trạng nguyên” được tổ chức theo format của chương trình truyền hình Rung Chuông Vàng, khi học năm thứ ba đại học. Giải thưởng là kỉ niệm thú vị đối với mình”.
Bằng sự nỗ lực của bản thân, Tấn Lợi cũng đạt được thành tích thủ khoa khi tốt nghiệp ngành Kỹ thuật Môi trường tại trường ĐH Văn Lang. Và đây là một trong những lợi thế của anh, kết hợp với những kinh nghiệm thực hiện nghiên cứu khoa học, khả năng tiếng Anh, ngay sau khi tốt nghiệp, anh được tham gia và đảm nhận dự án được tài trợ bởi Công ty Hitachi Zosen từ Nhật Bản để thực hiện đề tài thu hồi khí sinh học từ quá trình phân hủy kỵ khí, với nguyên liệu là rác thải thực phẩm từ chợ đầu mối nông sản Bình Điền. “Với một lượng rác thải thực phẩm lớn, chiếm phần lớn lượng rác thải sinh hoạt hằng ngày, thay vì tận dụng nguồn chất thải này như nguồn nguyên liệu tạo ra các sản phẩm có giá trị, thì hiện tại phương pháp xử lý chính vẫn là chôn lấp. Vì vậy, với “tham vọng” xây dựng một nhà máy xử lý rác thải thực phẩm cho TP. HCM bằng công nghệ kỵ khí, thì dự án mà mình tham gia là bước đầu nhằm đánh giá tính khả thi của công nghệ này tại TP. HCM. Và đây cũng là lợi thế của mình trong quá trình xin học bổng Thạc sĩ và Tiến sĩ sau này”, Tấn Lợi chia sẻ.
“Ra đi để trở về”
Nói về quãng thời gian học tập ở Thái Lan, Tấn Lợi cho biết: “Mình từng đảm nhiệm vai trò Chủ tịch Hội Sinh viên Việt Nam tại Thái Lan trong một nhiệm kỳ. Ban đầu, chưa quen với đời sống của một du học sinh, ngay cả nghe điện thoại, mình còn không dám. Nhưng cũng nhờ sự nhiệt tình của các anh chị khóa trước, cũng như các bạn học cùng, chỉ sau vài tuần, mình có thể rong ruổi trên các con đường ở Bangkok để khám phá các địa điểm đặc trưng của Thái Lan. Ở AIT, các sinh viên được lựa chọn bắt nhóm để được sống cùng nhà. Mình và một bạn người Thái, một bạn người Lào đã tạo thành nhóm và sống với nhau trong suốt 2 năm ở Thái. Chính vì vậy mà mình cũng có thể nói được chút chút tiếng Thái. Sau học kỳ đầu tiên, mình đã về thăm nhà bạn người Thái ở tỉnh Nakhon Si Thammarat trong một tháng nghỉ Hè. Mình được đi thăm các vườn quốc gia ở khu vực miền Nam Thái Lan, rồi tận hưởng những hoạt động hằng ngày của người dân bản địa. Mình có chuyến đi một tuần tại tỉnh Chiang Rai trong cho hoạt động quan trắc chất lượng không khí xung quanh do bị ảnh hưởng bới thói quen đốt rơm rạ của người dân. Những chuyến tham quan các tỉnh lân cận kết hợp với những lần được đi lấy mẫu ở thành phố cổ Ayuthaya, thành phố Phitsanulok là những kỉ niệm sâu sắc đối với mình”.
Hiện tại, Tấn Lợi đã hoàn thành chương trình Tiễn sĩ tại trường ĐH Kyoto (Nhật Bản). Do tình hình dịch COVID-19, anh vẫn chưa thể trở về Việt Nam. Trong khoảng thời gian này, Lợi vẫn tiếp tục các công việc nghiên cứu và hỗ trợ các bạn cùng phòng thí nghiệm. Đồng thời, Lợi cũng tranh thủ tiếp cận các nghiên cứu khác như là các công nghệ phân tích vi nhựa trong nước thải và trong không khí: “Mình tin rằng, đây là một trong những đề tài đang được quan tâm gần đây trên thế giới. Bên cạnh đó, mình cũng đang trong giai đoạn chuẩn bị để có thể triển khai một đề tài nghiên cứu liên quan đến tác động của xâm nhập mặn ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ mà trong giai đoạn đầu năm 2020 cũng đã gây ra những khó khăn cho người dân khu vực này. Mình hy vọng bản thân sẽ chuẩn bị tốt nhất có thể và triển khai nghiên cứu này trong thời gian sớm nhất”.
Sau khi học xong tại Nhật, với tấm bằng Tiến sĩ và năng lực của mình, bản thân Tấn Lợi có thể dễ dàng tìm được một công việc tốt với mức lương mơ ước của nhiều người, tuy nhiên, với anh, trên hết vẫn là sự kiên định mục tiêu “ra đi để trở về”. “Có 2 lý do mình chọn trở về. Thứ nhất, đó là tình cảm dành cho công việc là giảng viên và công việc nghiên cứu. Có thể nói, đây là duyên nợ của mình với con đường học thuật và đặc biệt là duyên nợ với ngành Kỹ thuật Môi trường ở trường ĐH Văn Lang – nơi mình nhận được nhiều điều quý giá, bao gồm kiến thức lẫn tình người. Lý do thứ hai là tính quan trọng của công việc truyền thụ kiến thức cho sinh viên. Có thể gọi là may mắn của bản thân, khi mình được học với những người thầy vừa có tâm, vừa có tầm trong việc giáo dục: TS. Nguyễn Trung Việt, PGS. TS Trần Thị Mỹ Diệu, PGS. TS Lê Thị Kim Oanh (trường ĐH Văn Lang), 2 giáo sư tại Viện Công nghệ Châu Á, Thái Lan là GS Nguyễn Thị Kim Oanh, GS Chettiyappan Visvanathan và GS Hidenori Harada tại ĐH Kyoto (Nhật Bản). Tất cả những thầy, cô này đã truyền cho mình một đức tin cao cả về giá trị của một người thầy và họ làm mình tin rằng, bản thân cũng có thể làm tốt công việc này”, Tấn Lợi bộc bạch.
“Dự định tương lai sắp tới của mình không gì ngoài ra là tiếp tục xây dựng công việc nghiên cứu khoa học của bản thân tại trường ĐH Văn Lang, cũng như trau dồi khả năng giảng dạy. Trên cơ sở ngành Môi trường ngày càng được người dân quan tâm, mình luôn ấp ủ một chút tham vọng, đó là đẩy mạnh công việc nghiên cứu khoa học của ngành Môi trường cùng với các anh/chị, thầy/cô tại khoa Công nghệ, trường ĐH Văn Lang, cũng như với các anh/chị, thầy/cô ở các trường khác mà mình đã quen biết”, TS Huỳnh Tấn Lợi chia sẻ.