Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) vừa tiết lộ thiết kế của tờ tiền 50 bảng có hình nhà toán học và khoa học máy tính Alan Turing, người đã có công lớn đối với Anh trong Thế chiến thứ hai nhờ khả năng phá mật mã.
Tờ tiền 50 bảng Anh (69 USD) mới này sẽ được lưu hành vào ngày 23/6 tới, đúng vào ngày sinh nhật ông Alan Turing.
Trên tờ tiền sẽ có hình ảnh của ông Alan Turing, các công thức toán học từ một bài báo mà ông đã viết vào năm 1936, đặt ra nền tảng cho khoa học máy tính hiện đại và các bản vẽ kỹ thuật cho máy móc dùng để giải mã Enigma.
Ngoài ra, trên đó còn trích dẫn một câu nói của ông Turing về sự trỗi dậy của trí thông minh nhân tạo: “Đây chỉ là phần báo trước những điều sẽ đến và chỉ là cái bóng của những gì sắp xảy ra”.
Trước đó, vào năm 2018, Anh đã quyết định chọn lĩnh vực khoa học xuất hiện trên tờ 50 bảng. Sau 6 tuần đề cử công khai, ngân hàng đã nhận được tổng cộng 227.299 đề cử, bao gồm 989 nhân vật đủ điều kiện.
Tất cả các đề cử đều được xem xét trước khi quyết định danh sách rút gọn gồm 12 nhân vật. Thống đốc Mark Carney là người đưa ra quyết định cuối cùng.
Nói về lựa chọn của mình, Thống đốc Mark Carney cho biết: “Alan Turing chính là cha đẻ của khoa học máy tính và trí tuệ nhân tạo, đồng thời, ông cũng là một anh hùng thời chiến. Những đóng góp của Alan Turing đã có tầm ảnh hưởng sâu rộng và mang tính đột phá. Ông chính là một người khổng lồ mà rất nhiều người hiện đang đứng trên vai”.
Cha đẻ ngành Khoa học Máy tính
Alan Turing sinh năm 1912, là con của một công chức. Năm 13 tuổi, ông được gửi đến trường Sherborne – một trường nội trú lớn ở Dorset. Tại đây, Turing đã tự nghiên cứu và thực hiện các ý tưởng khoa học của mình – chẳng hạn như thuyết tương đối – vượt xa các giáo trình của trường.
Sau khi tốt nghiệp, Turing đã giành được học bổng vào King’s College thuộc ĐH Cambridge và lấy bằng xuất sắc về Toán.
Không lâu sau, ông được cấp một học bổng ở King’s College để tiếp tục công việc nghiên cứu. Năm 1936, Turing xuất bản một bài báo mà ngày nay được công nhận là nền tảng của khoa học máy tính.
Turing đã phân tích ý nghĩa của việc con người tuân theo một phương pháp hoặc quy trình để thực hiện nhiệm vụ. Với mục đích này, ông đã có ý tưởng về một chiếc máy vạn năng có thể giải mã và thực hiện bất kỳ bộ hướng dẫn nào.
10 năm sau, ông đã biến ý tưởng mang tính cách mạng này thành kế hoạch thực tế cho một chiếc máy tính điện tử, có khả năng chạy bất kỳ chương trình nào.
Sau đó, Alan Turing sang Đại Học Princeton (Mỹ) để làm luận án tiến sĩ. Hoàn thành luận án tiến sĩ vào năm 1938, ông trở về King’s College và tham gia vào cơ quan tối mật của chính phủ Anh, giữ vai trò trong việc giải mật mã của quân đội Đức.
Ông và nhóm các nhà toán học đã thành công trong việc giải mã được các thông tin mật của phát xít Đức. Vì công lao đó, năm 1946, ông được trao tặng Huân chương Đế quốc Anh (OBE).
Đa số các chuyên gia trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đều cho rằng, AI bắt đầu từ bài viết “Máy tính và trí tuệ” của Alan Turing được xuất bản vào năm 1950. Phép thử Turing – Bài kiểm tra khả năng trí tuệ của máy tính – cũng đã được Alan Turing đề cập trong bài viết này.
Năm 1952, ở tuổi 40, Alan Turing trở thành người đầu tiên khởi xướng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, vào thời kỳ đỉnh cao của sự nghiệp, nhà toán học thiên tài này lại bị kết án về tội đồng tính luyến ái.
Sau khi bị buộc tội, ông không được phép sử dụng các cơ sở vật chất kỹ thuật của Trung tâm mật mã Bletchley Park (Anh), nơi ông và các cộng sự từng làm việc trong Thế chiến thứ hai.
Để tránh phải ngồi tù, ông đồng ý bị “thiến hóa học”. Vào năm 1954, Alan Turing tự tử bằng cách cắn vào một trái táo có tẩm thuốc độc xyanua. Lúc đó, ông mới 42 tuổi.
Hơn 50 năm sau, vào năm 2009, Thủ tướng Anh Gordon Brown, đại diện chính phủ Anh đã chính thức xin lỗi về việc kết án ông Turing. Sau khi chết, ông cũng đã được ân xá.
Thời Vũ(Theo Reuters, BBC)