Vốn là ngành nghề đặc thù, việc vận động viên (VĐV) thể thao chuyên nghiệp thường xuyên phải khổ luyện từ nhỏ, dẫn đến quỹ thời gian học văn hóa hạn hẹp. Tuy nhiên, với độ tuổi làm nghề ngắn hơn nhiều so các lĩnh vực khác, nền tảng học vấn lại chính là chiếc chìa khóa để tìm kiếm hướng đi mới sau khi giải nghệ.
Vốn là ngành nghề đặc thù, việc vận động viên (VĐV) thể thao chuyên nghiệp thường xuyên phải khổ luyện từ nhỏ, dẫn đến quỹ thời gian học văn hóa hạn hẹp. Tuy nhiên, với độ tuổi làm nghề ngắn hơn nhiều so các lĩnh vực khác, nền tảng học vấn lại chính là chiếc chìa khóa để tìm kiếm hướng đi mới sau khi giải nghệ.
Từ luật sư chạy bộ đến thạc sĩ bóng đá
Ở Mỹ, nhiều VĐV chuyên nghiệp xuất thân từ các trường đại học. VĐV đội bóng chày Oakland – Craig Breslow theo học tại Yale – một trong những trường đại học chất lượng cao hàng đầu thế giới. Huyền thoại bóng rổ Mỹ Bill Walton từng tốt nghiệp Trường đại học California và dành hai năm theo đuổi ngành luật ở Trường đại học Stanford lừng danh. Grand Hill – VĐV bóng rổ bảy lần lọt vào đội hình toàn sao của NBA (giải bóng rổ nhà nghề Mỹ) lại đam mê ngành nghiên cứu lịch sử.
Châu Á nói chung và Đông – Nam Á nói riêng cũng có không ít VĐV chơi thể thao như nghề tay trái. Trong 23 cầu thủ đội bóng đá nữ Syria từng sang Việt Nam đá vòng loại ASIAD 2018, chỉ có duy nhất một cầu thủ chơi bóng chuyên nghiệp, số còn lại làm giáo viên thể chất, nhân viên công nghệ – thông tin, bác sĩ… Ở Xin-ga-po, nhiều VĐV thi đấu ba môn phối hợp (triathlon) đều có việc làm ổn định như luật sư hay nhân viên tài chính, ngân hàng.
Nền tảng học vấn của VĐV được hình thành bằng hai con đường: chơi thể thao trong các trường đại học rồi được tuyển chọn thành VĐV chuyên nghiệp – mô hình phổ biến ở nhiều nước phát triển châu Á (như Xin-ga-po, Nhật Bản, Hàn Quốc) đến những cường quốc (như Mỹ, Anh, Pháp…); hoặc được đào tạo bài bản về học vấn trong quá trình đào tạo chuyên môn.
Câu lạc bộ (CLB) Chelsea (Anh) hỗ trợ chương trình học văn hóa phổ thông cho các cầu thủ, từ lứa U13 đến U16 và tới khi tốt nghiệp, tương tự các đội bóng mạnh khác ở châu Âu. Không chỉ đào tạo văn hóa đồng thời với chuyên môn thể thao, các đội bóng còn thúc đẩy ý thức học tập của các cầu thủ để hoàn thiện toàn diện kỹ năng sống.
“Các trận đấu ngày càng đòi hỏi hàm lượng chiến thuật cao hơn, nên cầu thủ cần thông minh, tiếp nhận thông tin nhanh chóng để thực hành đấu pháp và đưa ra những quyết định đúng dưới áp lực lớn. Do đó, các cầu thủ trẻ được giáo dục tốt, khát khao học hỏi sẽ đóng vai trò quan trọng trong quá trình phát triển”, ông Neil Bath, Giám đốc đào tạo trẻ của Chelsea nhấn mạnh.
Những bước đệm cần thiết
Ở nước ta, mô hình VĐV chuyên nghiệp được tuyển chọn từ các trường đại học còn hạn chế, do cơ sở vật chất của hầu hết trường đại học, kể cả các trường đào tạo chuyên biệt như Trường đại học Thể dục Thể thao Bắc Ninh, Trường đại học Sư phạm Thể dục Thể thao Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, đều không bảo đảm đáp ứng nhu cầu tập luyện. Bởi vậy, các VĐV muốn đi theo con đường chuyên nghiệp phải gia nhập các cơ sở đào tạo chuyên môn từ nhỏ. Trình độ học vấn của VĐV chủ yếu phụ thuộc vào năng lực rèn luyện văn hóa, đạo đức của các “lò” đào tạo ấy. Cũng vì vậy, từng có giai đoạn việc đào tạo văn hóa cho các VĐV bị coi nhẹ, nhưng trong khoảng 10 năm gần đây, các trung tâm đào tạo thể thao, đặc biệt là bóng đá, đã coi trọng việc giáo dục đạo đức, văn hóa bên cạnh chuyên môn thuần túy.
Tại Hoàng Anh Gia Lai (HAGL), chuyện học văn hóa là yêu cầu bắt buộc. Các học viên được trau dồi tại điểm trường, gần Trung tâm huấn luyện Hàm Rồng. Học viện có 22 học viên đã tốt nghiệp cấp THPT và 67 em đang theo học các lớp văn hóa. Trong số này, sĩ số lớp 12 đông nhất rồi giảm dần tới các lớp bảy, sáu và năm. Không những vậy, tất cả cầu thủ đều được học tiếng Anh và tiếng Pháp.
“Học văn hóa là điều bắt buộc với trẻ em trên toàn thế giới. Ở HAGL, có thể các em sẽ không trở thành cầu thủ vì một lý do nào đó. Tuy nhiên, việc CLB bảo đảm với gia đình rằng các em sẽ hoàn tất chương trình học phổ thông là việc làm rất nhân văn. Tôi rất thích điều này vì các em có thể tìm việc làm phù hợp cho mình nếu không hoàn thành ước mơ là một cầu thủ chuyên nghiệp”, Giám đốc kỹ thuật HAGL khi đó, ông Chung Hae Seong chia sẻ vào năm 2017 lúc mới nhận nhiệm vụ.
Ở Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, các cầu thủ được theo học văn hóa tại Trường phổ thông liên cấp Vinschool cùng chuẩn đầu ra IELTS 5.0 tiếng Anh chuyên ngành. Tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Viettel, các cầu thủ được gửi đến các điểm trường trên địa bàn. Văn hóa là tiêu chí hàng đầu khi trung tâm đưa ra đánh giá về một cầu thủ. “Trước khi đến tuổi hoàn thiện kỹ năng, tư duy chơi bóng, các em cần tạo bản lề là tư duy logic trước đã. Chúng tôi xác định rằng muốn trở thành cầu thủ giỏi, các em phải là học sinh tốt trước đã”, Giám đốc Trung tâm Viettel Đỗ Mạnh Dũng nhấn mạnh.
Thành quả của bước đột phá trong đào tạo là một thế hệ cầu thủ toàn diện về đạo đức, tài năng và trình độ học vấn. Ở HAGL, Xuân Trường được tư vấn đầy đủ về pháp lý và kiến thức để mở trung tâm phục hồi thể thao quốc tế IRC. Với nền tảng ngoại ngữ tốt, Xuân Trường còn là “phiên dịch viên” cho toàn đội, được đồng đội đánh giá là có tư duy độc lập và kỹ năng tốt. Văn Toàn, Đông Triều kinh doanh quán cà-phê, hay Công Phượng mở công ty quản lý hình ảnh cầu thủ. Tuấn Anh, Hùng Dũng bắt đầu bước chân vào kinh doanh, còn Quang Hải tham gia khóa học quản lý thể thao. Tất cả đều được chú ý tạo điều kiện có bước đệm cần thiết để chuẩn bị cho hướng đi mới sau khi giải nghệ.