Kazakhstan với dân số khoảng 18,5 triệu người vẫn tiếp tục phấn đấu cho sự Âu hóa. Lãnh đạo quốc gia hiện sử dụng nguồn thu từ tài nguyên thiên nhiên để thúc đẩy các cải cách, tiến bộ, bao gồm lĩnh vực giáo dục.
Không “gắn bó” với các bảng xếp hạng
Khi nói đến việc cải cách hệ thống Giáo dục đại học(ĐH) lỗi thời của Kazakhstan, cựu Tổng thống Nazarbayev được biết đến là người tiên phong triển khai những ý tưởng mới. Đó là những ý tưởng từ phương Tây và được một số cố vấn nước ngoài đưa ra. Tuy những ý tưởng này góp phần vào những cải cách sâu rộng, nhưng hiệu quả vẫn còn nhiều thách thức.
Một vấn đề còn tồn tại là dù chính phủ đã có những nỗ lực đáng kể, nhưng việc đạt được vị thế đẳng cấp thế giới của một số trường ĐH hàng đầu của Kazakhstan vẫn còn thiếu bền vững.
Trong bảng xếp hạng các trường ĐH thế giới QS năm 2021, các trường ĐH ở Kazakhstan có thành tích tương đối tốt. Một trong số đó là ĐH Quốc gia Al-Farabi Kazakhstan khi chiếm vị trí thứ 165 trong top 200 trường. Trong khi đó 9 trường ĐH khác của quốc gia này có mặt trong danh sách 1.000 trường hàng đầu thế giới.
Nếu có mặt trong danh sách 200 trường tốt nhất, trường ĐH này thường được coi là trường đẳng cấp thế giới. Với việc chiếm vị trí thứ 165, ĐH Quốc gia Al-Farabi Kazakhstan đã giành được quyền khẳng định vị thế này. Câu hỏi đặt ra là trường có thể duy trì được vị trí này hay không?
Trên thực tế, không phải tất cả bảng xếp hạng trường ĐH trên thế giới đều hào phóng với các trường ĐH Kazakhstan như QS. Theo Times Higher Education hoặc The World University Rankings được thực hiện vào năm 2020 cho năm 2021, không có trường ĐH nào của Kazakhstan lọt vào danh sách 1.000 trường ĐH tốt nhất.
Bảng xếp hạng trên chỉ bao gồm 3 trường ĐH của Kazakhstan là ĐH Quốc gia Al-Farabi Kazakhstan, ĐH Quốc gia Âu Á LN Gumilyov và ĐH Satbayev. Các trường này nằm ở đâu đó ngoài 1.001 trường hàng đầu. Tuy nhiên, ít nhất Kazakhstan đã được nhắc đến trong các bảng xếp hạng này.
Kết quả đạt được những năm trước cũng không khá hơn là bao. Theo xếp hạng của The World University Rankings 2019, Kazakhstan cố gắng đưa được 1 trường của mình vào danh sách 1.000 trường hàng đầu, đó là ĐH Quốc gia Al-Farabi Kazakh nằm ở vị trí nào đó giữa 801 và 1.000.
Cuối cùng, trong Bảng xếp hạng các trường ĐH toàn cầu tốt nhất do US News công bố tháng 10/2020 cho năm 2021, Kazakhstan hoàn toàn không được nhắc đến. Nó đã biến mất khỏi bản đồ giáo dục thế giới trong bảng xếp hạng này.
Nguyên nhân
Có một số vấn đề cơ bản khiến các trường ĐH ở đây không đạt cũng như duy trì vị thế ĐH đẳng cấp thế giới. Nhiều trường ĐH ở Kazakhstan tiếp tục hoạt động dựa trên mô hình sáng tạo và chuyển giao tri thức của Liên Xô cũ. Hầu hết các nghiên cứu được thực hiện trong các viện nghiên cứu trong khi trường ĐH chỉ tập trung vào việc giảng dạy. Về bản chất, nhiều trường trong số này là trường cao đẳng hơn là ĐH.
Về mặt tích cực, một số trường ĐH ở Kazakhstan không còn mang đặc điểm chuyên môn quá đặc trưng của hệ thống ĐH thời Liên Xô cũ mà đã được thành lập nhằm cung cấp cán bộ cho các ngành cụ thể của nền kinh tế quốc dân. Kể từ khi độc lập, chúng được nâng cấp thành các cơ sở giáo dục ĐH đa dạng hơn.
Tuy nhiên, có một thách thức khác là khả năng chuẩn bị của giảng viên cho nghiên cứu còn thấp. Các chương trình tiến sĩ chưa được phát triển và sự thiếu hụt trầm trọng của giảng viên được đào tạo ở phương Tây. Những yếu tố này khiến Kazakhstan không cập nhật được những phát triển mới nhất phổ biến ở các trường ĐH phương Tây và dẫn đến kết quả nghiên cứu rất thấp.
Chủ nghĩa thận trọng trong quá trình tuyển dụng và thăng chức ở đây đã làm chậm quá trình cải cách và ngăn cản sự phát triển xuất sắc trong học tập. Nền kinh tế yếu kém, kết hợp với việc thiếu kinh phí nghiên cứu, dẫn đến các trường không có bài viết của mình trên các tạp chí hàng đầu thế giới. Trong khi đó việc ít hay không có các bài viết được công bố trên các tạp chí này khiến các trường bị coi là không có tính cạnh tranh.
Các trường ĐH ở Kazakhstan cũng yếu kém trong quá trình quốc tế hóa. Chỉ có một số lượng nhỏ SV quốc tế đăng ký vào các trường học ở đây so với các đối thủ lớn khác trên thị trường giáo dục thế giới.
Các giảng viên và những người có bằng tiến sĩ nước ngoài hầu như không được thuê giảng dạy trong trường ĐH ở đây. Ngay cả các trường có vị thế đặc biệt như ĐH NJSC KIMEP và ĐH Nazarbayev cũng không đủ khả năng thuê các học giả phương Tây nổi tiếng để duy trì tính cạnh tranh.
Cấu trúc quản trị và quản lý trường ĐH ở đây cũ và lỗi thời, trong đó có sự độc quyền trong việc ra quyết định. Điều này cản trở sự phát triển của các trường ĐH ở Kazakhstan.
ĐH Nazarbayev đã tiêu tốn hàng tỉ USD nhưng không mang lại nhiều lợi nhuận từ khoản đầu tư này. Cho đến nay, dù được coi là trường ĐH tự trị đẳng cấp thế giới và ưu tú của Kazakhstan, nó không xuất hiện trong bất kỳ bảng xếp hạng ĐH thế giới nào.
Với tư cách là một nhà cải cách và nhà hiện đại hóa, ông Nazarbayev đã cố gắng kéo Kazakhstan vào thế kỷ 21 với sự hỗ trợ của những cải cách giáo dục, nhưng nhiệm vụ đưa quốc gia này vào các bảng xếp hạng hàng đầu thế giới dường như quá khó. Tuy nhiên, người ta vẫn hy vọng nó sẽ xuất hiện thường xuyên trong bản đồ giáo dục thế giới, mặc dù những vấn đề hiện hữu cho thấy đất nước còn một chặng đường dài phía trước.
Ông Nazarbayev đã lãnh đạo Kazakhstan trong 3 thập kỷ và có những nỗ lực cải cách quy mô toàn quốc. Ông đã thành lập các trường ĐH mới, tư nhân hóa lĩnh vực giáo dục ĐH, thúc đẩy việc đưa tiếng Anh vào chương trình giảng dạy trong tất cả các trường và bắt đầu chuyển sang bảng chữ cái Latinh cho ngôn ngữ Kazakhstan. Người kế nhiệm ông Nazabayev là Tổng thống Kassym-Jomart Tokayev đang tiếp tục những cải cách này. – Cựu Tổng thống Kazakhstan Nursultan Nazarbayev.