Đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 do virus corona chủng mới SARS-CoV-2 từ cuối tháng 2 bắt đầu bùng phát mạnh tại Nhật Bản khiến quốc gia này trở thành một trong những điểm nóng.
Từ giữa tháng 3, dịch bệnh bắt đầu tác động lớn tới hoạt động kinh tế, xã hội của xứ sở “Hoa Anh đào”. Như tất cả những người đang sinh sống tại Nhật Bản, cộng đồng người Việt bắt đầu cảm nhận được những tác động tiêu cực từ COVID-19.
Chùm 3 bài “Ấm ấp hai tiếng ‘đồng bào’ tại Nhật Bản” là những cảm nhận của phóng viên TTXVN nhiều năm công tác tại Nhật Bản về ý nghĩa của hai tiếng thiêng liêng ấy đối với cộng đồng người Việt ở quốc gia Đông Bắc Á trong thời điểm dịch bệnh khó khăn này.
Bài 1: Lá lành đùm lá rách
Theo Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản Vũ Hồng Nam, cộng đồng người Việt tại Nhật Bản có khoảng 350.000 người, gồm 3 nhóm. Nhóm học sinh, sinh viên có khoảng hơn 100.000 người, nhóm thực tập sinh có khoảng 250.000 người và nhóm còn lại gồm những người định cư và các thành phần khác.
Thiếu thông tin về tình hình dịch bệnh và các biện pháp hỗ trợ, thiếu khẩu trang là nỗi lo đầu tiên trong những ngày đầu dịch bùng phát mạnh. Đặc biệt, những du học sinh và thực tập sinh người Việt sống ở những vùng xa các đô thị lớn, hầu như không mua được khẩu trang và không có nhiều thông tin cần thiết về dịch bệnh.
Khó khăn càng dồn dập khi tình hình diễn biến theo chiều hướng xấu. Hàng loạt trường học, công sở, doanh nghiệp, dịch vụ… tạm ngừng hoạt động. Nhiều người bị giảm giờ làm, tạm nghỉ hoặc làm việc tại nhà dẫn đến việc giảm hoặc mất thu nhập. Du học sinh đi theo diện tự túc phải nghỉ học và nghỉ làm thêm. Những du học sinh vừa tốt nghiệp trong tháng Ba vừa qua bị kẹt lại Nhật Bản vì các chuyến bay bị hạn chế. Tuy nhiên, những du học sinh này lại không thể đi làm thêm do không được cấp phép và cũng vì tình hình dịch bệnh, vì vậy các em rất chật vật để có thể sống được tại Nhật Bản trong thời gian chờ có chuyến bay về nước.
Một khó khăn nữa là các đường bay về Việt Nam bị hạn chế, khiến cho không chỉ những người Việt ở Nhật có nhu cầu về nước mà nhiều hành khách Việt Nam từ nước khác quá cảnh tại sân bay của Nhật cũng bị mắc kẹt. Thông tin, chính sách của các nước thay đổi thường xuyên, một đường bay có thể hủy trong vòng 30 phút mà không được báo trước, nếu một hành khách bị sốt trên máy bay sẽ làm đảo lộn kế hoạch của bao người khác… Tất cả những yếu tố này khiến cho những người Việt đang kẹt tại Nhật lo lắng hơn vì không biết đến lúc nào mới có thể thoát khỏi tình huống này.
Chính trong hoàn cảnh đầy thử thách này, những hành động, nghĩa cử ấm áp đang xuất hiện ngày càng nhiều trong cộng đồng người Việt tại Nhật Bản.
Gọi điện cho tôi trong một buổi chiều giữa tháng 4, em Nguyễn Hoàng Dương, du học sinh sống tại Tokyo thông báo: “Em nghỉ làm được hai tháng nay rồi chị ạ”. Tôi hỏi: “Bây giờ không có thu nhập thì em sống như thế nào?”. Em nói: “Em vẫn còn một ít tiền, trong tình hình này thì tụi em phải tằn tiện chị ạ”. Em có vẻ hơi buồn khi nói rằng gia đình đã phải gửi tiền sang để em làm hợp đồng mới thuê nhà. Trước kia, với công việc làm thêm tại một quán ăn ở Akihabara, em đã tự trang trải mọi chi phí sinh hoạt của mình. Việc phải nhờ gia đình hỗ trợ tiền thuê nhà dường như đối với em là một điều “cực chẳng đã” vì em không muốn chất thêm một gánh nặng nào lên vai bố mẹ ngoài khoản tiền học phí.
Dương kể với tôi bạn bè em hằng ngày đều nhắn tin cho nhau, than thở vì không được đi làm, đi học. Tuy nhiên, mọi người đều động viên nhau vượt qua khó khăn. Em vui vẻ khoe với tôi: “Em không lo bị lây nhiễm đâu, vì em chẳng đi đâu và em không thiếu khẩu trang”. Hóa ra, bạn cùng trọ với em làm việc tại siêu thị, thường xuyên mua khẩu trang cho em. Em nói: “Tụi em bây giờ là thế chị ạ, cứ người có điều kiện hơn một chút thì sẽ giúp cho người khó khăn hơn”.
“Nhà trường hoãn lịch khai giảng liên tục chị ạ, từ đầu kỳ nghỉ Xuân đến giờ”, em Nguyễn Dương Tùng thông báo khi tôi gọi điện hỏi thăm. Theo kế hoạch mới, trường sẽ bắt đầu học trực tuyến từ ngày 11/5 nhưng học tập trung trên trường thì chưa có lịch. Vẫn là giọng nói lạc quan của cậu thanh niên mà tôi có dịp làm quen 3 năm trước, Tùng nói rằng em bị giảm giờ làm, thu nhập giảm nhưng em cảm thấy may mắn vì mình vẫn còn được đi làm và được ở một thành phố lớn.
Tùng kể khi biết có những người bạn không mua được khẩu trang vì ở nơi xa trung tâm, em thường dậy sớm vào khoảng 5h30 sáng, đi một loạt các cửa hàng tiện lợi để mua khẩu trang, sau đó ra ga đưa cho các bạn. Nghe giọng nói vui vẻ của Tùng qua điện thoại, tôi nhớ lại hình ảnh chàng thanh niên 18 tuổi, cách đây 3 năm sang Nhật theo chương trình hỗ trợ của báo Asahi, một ngày chỉ được ngủ 5 giờ vì lịch trình bận rộn vừa học vừa làm, nhưng luôn nở nụ cười. Chàng trai đã từng được nhận bằng khen của cảnh sát Takatsu vì thành tích dũng cảm bắt trộm giờ đây là sinh viên năm thứ ba Trường đại học Thực liệu nông nghiệp Niigata.
“Mình thấy làm được thì mình làm thôi, có gì to tát đâu chị!”, đó là câu đầu tiên mà anh Ngô Thanh Tùng, chủ quán phở 77 tại Chiba, nói với tôi khi lần đầu trò chuyện. Không nói nhiều về sự giúp đỡ dành cho cộng đồng mà mình đang thực hiện, anh Tùng chỉ hỏi tôi có thể chia sẻ giúp anh thông tin rằng ngôi nhà của anh luôn sẵn sàng chào đón những đồng bào đang mắc kẹt tại Nhật Bản, đặc biệt là ở sân bay Narita, trú chân trong thời gian chờ có chuyến bay tiếp theo về nước. Một người bạn tôi kể rằng có một gia đình 3 người được anh Tùng đón về tạm trú tại nhà. Bố mẹ sang Nhật Bản dự lễ tốt nghiệp đại học của con gái, nhưng sau đó không về nước được vì các chuyến bay bị hủy. Không biết tiếng Nhật, trong khi thời hạn visa sắp hết, họ đã được anh Tùng hướng dẫn cách thức gia hạn visa và đón từ khách sạn ở Tokyo về Chiba. Cả gia đình hiện vẫn đang sống tại nhà của anh Tùng chờ đến ngày có chuyến bay về nước.
Anh Tùng kể rằng ý tưởng cho những người Việt mắc kẹt tại Nhật Bản ở nhà mình trong giai đoạn dịch bệnh xuất phát từ việc bạn bè của anh ở Dallas (Mỹ) đăng lên Facebook thông báo một nhóm du học sinh sẽ quá cảnh tại sân bay Narita để về Việt Nam. Anh ngay lập tức gắn tên mình vào nội dung đó và nhắn rằng nếu trong trường hợp bà con Việt kiều từ Mỹ, từ châu Âu về nước quá cảnh tại Nhật Bản, nếu bị kẹt tại Nhật Bản thì liên hệ với anh. Anh nhấn mạnh chỉ cần nhận được đề nghị giúp đỡ, anh sẽ đến đón tại sân bay và hỗ trợ nơi ăn ở miễn phí, đủ tiện nghi, trong thời gian chờ đợi chuyến bay tiếp theo về nước.
Từ lời thông báo của bạn bè tại Mỹ, anh Tùng đã thông báo trên Faceboook cá nhân rằng người Việt nào gặp khó khăn đang kẹt tại Nhật Bản chưa về nước, đặc biệt là du học sinh và thực tập sinh, có thể đến nhà anh ở trong thời gian chờ về nước. Anh nói rằng khu vực anh sống ít người, không có tiếp xúc nhiều, gần siêu thị, gần sân bay Narita, anh có thể lái ô tô, hỗ trợ đưa đón hoặc đi mua sắm. Từng có 20 năm làm hướng dẫn viên du lịch và 3 năm làm giáo viên tại trường đại học thể thao, với anh Tùng, hỗ trợ mọi người là công việc quen thuộc, không khác với những công việc anh từng làm. Khi tôi hỏi có sợ bị lây nhiễm không, với sự quả quyết, anh Tùng nói: “mình phải tự thấy an toàn mình mới làm và ai cũng sợ thì sẽ không có ai dám làm”.
Anh Tùng tâm sự: “khi đồng bào đang gặp khó khăn, mình cảm thấy mình đủ điều kiện, đủ kinh nghiệm để hỗ trợ mà không làm thì mình rất áy náy”. Trong cuộc trò chuyện với tôi, điều duy nhất mà anh muốn là thông qua kênh thông tin chính thống, những người Việt ở Nhật đang khó khăn, có thể biết đến anh, liên hệ với anh để anh có thể hỗ trợ.
Một thông tin khá thú vị mà bạn anh Tùng vừa tiết lộ, đó là ông chủ quán phở 77 đã tự mình làm món thịt chưng mắm tép để gửi tặng những bạn bè có nhu cầu trong lúc đại dịch. Món ăn dân dã, đặc trưng hương vị Việt Nam mà anh gọi vui là mắm tép thương hiệu “ông Tòng” đã làm ấm lòng những người con xa quê trong lúc khó khăn.
Bài 2: Những ‘tấm lòng Việt Nam’ trong ngành y