Sau khi rời sân chơi Olympia, nhiều nhà vô địch có sự nghiệp thành công, lập gia đình và sinh sống ở nước ngoài.
Mỗi năm, Đường lên đỉnh Olympia lại ghi dấu những gương mặt tài năng. Nhà báo Lại Văn Sâm từng chia sẻ chương trình mang tới khát vọng tìm kiếm hiền tài. Những học sinh xuất sắc sẽ được đào tạo trong các lĩnh vực khoa học. Họ được kỳ vọng đến một ngày thay đổi cuộc sống cho chính mình và cộng đồng.
Sau khi rời sân chơi Olympia, nhiều quán quân có sự nghiệp thành công, lập gia đình và sinh sống ở nước ngoài.
Từ học trò nghèo đến kỹ sư ở Australia
Trong số 19 quán quân Olympia, Lê Vũ Hoàng (sinh năm 1988, Quảng Bình) – nhà vô địch năm thứ 6 – là cái tên nổi bật, gắn với nhiều thành công sau khi rời chương trình.
Năm 2005, Hoàng tham dự Olympia trong hoàn cảnh éo le: mẹ ốm nặng, phải mổ u não. Hình ảnh chàng trai gầy gò, đen nhẻm đứng bên mái nhà tranh, vách đất khiến nhiều người xúc động.
Sau khi giành chức vô địch tại Olympia, Hoàng nhận tiền thưởng 35.000 USD và học bổng 100% vào ĐH Công nghệ Swinburne, Australia. Anh đã hoàn thành chương trình tiến sĩ tại ngôi trường này.
Chia sẻ trên sóng truyền hình gần đây, Lê Vũ Hoàng cho biết sau 12 năm học tập và sinh sống tại xứ sở chuột túi, anh đã xây nhà, mua ôtô, làm kỹ sư điện tử của một công ty và sống hạnh phúc bên vợ con.
Về sự nghiệp, Hoàng tự hào khi thiết kế, sản xuất một số sản phẩm đã bán ra trên thị trường thế giới, được người tiêu dùng và các công ty lớn đánh giá cao. Năm 2018, anh cùng một số đồng nghiệp mang sản phẩm hệ thống đèn chiếu sáng thông minh cho đô thị tham gia cuộc thi Viet Challenge và giành giải nhất.
“Mình nghĩ đó là cách tốt đóng góp cho đất nước. Mình có thể sản xuất sản phẩm, nghiên cứu giải pháp ở Australia, sau đó tìm kiếm đối tác ở Việt Nam để trao đổi công nghệ, cung cấp sản phẩm, giải pháp”, Hoàng nói.
Trong tương lai, nhà vô địch Olympia 2005 đặt mục tiêu thành lập một doanh nghiệp, có phòng nghiên cứu và phát triển riêng để có thể tự làm sản phẩm mình thích. Cùng với đó, anh hy vọng tạo ra sản phẩm đưa về Việt Nam phục vụ cộng đồng và góp phần vào sự phát triển của nền khoa học, công nghệ Việt Nam.
Tư vấn quản lý cấp cao ở tập đoàn lớn
Năm 2001, Phan Mạnh Tân, chàng trai đến từ vùng đất học Hà Tĩnh, giành vòng nguyệt quế tại chung kết Olympia năm thứ 2. Anh sau đó chọn ĐH Công nghệ Swinburne, Australia làm nơi học tập.
Tân từng chia sẻ việc tham dự Olympia có ảnh hưởng quyết định đến sự nghiệp. Cuộc sống của anh hiện tại xuất phát từ việc chương trình đem tới cơ hội ra nước ngoài du học.
Sau 18 năm học tập và làm việc ở xứ sở chuột túi, quán quân Olympia hiện có sự nghiệp thành đạt. Anh đảm nhận vị trí tư vấn quản lý cấp cao, kiến trúc sư giải pháp kỹ thuật tại Tập đoàn IBM (Australia). Đây là nơi anh làm việc từ năm 2010.
Tân hiện quản lý nhóm 30-40 người đến từ nhiều quốc gia khác nhau. Anh cho biết cố gắng áp dụng văn hóa Việt Nam để tổ chức nhiều hoạt động gắn kết mọi thành viên với nhau hơn.
Nhà vô địch Olympia năm 2 đã có vợ, cũng từng là du học sinh, và 2 con.
Nghiên cứu sinh tiến sĩ, giảng viên
Năm 2010, Phan Minh Đức (sinh năm 1992) trở thành nhà vô địch Olympia đầu tiên đến từ thủ đô Hà Nội. Tương tự hầu hết quán quân trước đó, anh chọn đi du học tại ĐH Công nghệ Swinburne.
Trong quá trình học ngành Kinh doanh tại trường, các môn của Đức đều đạt loại giỏi (từ 75-85/100 điểm) và xuất sắc (từ 85-100/100 điểm). Từ năm thứ 2 đại học, quán quân Olympia 2010 làm trợ giảng.
Chia sẻ trên truyền hình về cuộc sống sau 10 năm sang Australia, Đức cho hay anh hiện là nghiên cứu sinh ngành Kinh tế tại Swinburne. Bên cạnh đó, nhà vô địch Olympia còn tham gia giảng dạy môn Nguyên lý kinh tế.
Bên cạnh cuộc sống hiện tại, Đức còn tiết lộ về biệt danh vui “ông tổ ngành rửa bát” do anh từng đi làm thêm công việc này và giới thiệu cho nhiều cựu thí sinh Olympia, bạn bè học tập ở Swinburne.
Tương tự Lê Vũ Hoàng, Phan Mạnh Tân hay Phan Minh Đức, nhiều quán quân Olymia cũng đạt được thành công nhất định trong quá trình học tập, làm việc ở nước ngoài.
Trần Ngọc Minh, quán quân năm đầu tiên, tốt nghiệp ĐH Công nghệ Swinburne với kết quả thuộc top 5% xuất sắc. Sau đó, cô được trao học bổng từ cử nhân lên tiến sĩ. Tháng 7/2013, Minh làm việc cho một công ty nhà mạng di động hàng đầu tại xứ sở chuột túi.
Người vô địch Olympia năm thứ 5 – Đỗ Lâm Hoàng – tốt nghiệp chuyên ngành Kỹ sư công nghệ viễn thông và Internet tại Swinburne. Theo tiết lộ của một cựu thí sinh, Hoàng làm công việc chuyên viên mạng di động không dây tại Sở Giáo dục bang Victoria, Australia.
Huỳnh Anh Vũ – người thắng cuộc năm thứ 8 – là một trong hai sinh viên xuất sắc được giữ lại làm giảng viên ngành Kinh tế sau khi tốt nghiệp trường Swinburne.
Nhiều quán quân Olympia khác cũng đã hoàn thành chương trình cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. Một số nhà vô địch các năm gần đây như Văn Viết Đức (năm 15) đang thực tập 1 năm tại một công ty xây dựng ở Melbourne hay Hồ Đắc Thanh Chương (năm 16), Phan Đăng Nhật Minh (năm 17) và Nguyễn Hoàng Cường (năm 18) hiện là sinh viên của trường Swinburne.
Riêng Trần Thế Trung – nhà vô địch Olympia 2019 – chưa đi du học. Cậu từng cho biết mình sẽ sang Australia học tập theo học bổng của ĐH Công nghệ Swinburne và nhất định trở về quê hương cống hiến sau khi tốt nghiệp.