Nhiều du học sinh Trung Quốc trở về từ nước ngoài thời gian này phải chịu sự lạnh nhạt, bị coi là ‘những kẻ giàu có hư hỏng, có khả năng nhiễm bệnh’ của một bộ phận người dân.
Số ca nhiễm mới Covid-19 tại Trung Quốc được ghi nhận đã giảm đáng kể trong vòng một tháng trở lại đây. Tuy nhiên, chính phủ nước này đang phải thực hiện các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn làn sóng người có nguy cơ mắc bệnh trở về từ nước ngoài, theo AFP.
Với hầu hết chuyến bay quốc tế bị hủy, người nước ngoài bị cấm nhập cảnh, phần lớn người trở về lúc này là công dân Trung Quốc, chủ yếu là sinh viên.
Trên mạng xã hội Trung Quốc bắt đầu xuất hiện nhiều bài đăng chỉ trích các du học sinh nước này, cho rằng họ quay về nước là vô ơn, thậm chí gây nguy hiểm, lấy một số trường hợp du học sinh có hành vi vô trách nhiệm làm bằng chứng.
“Hiện giờ, dư luận Trung Quốc đang rất ác cảm với du học sinh trở về từ nước ngoài, các cơ sở kiểm dịch thì bị xáo trộn”, Hestia Zhang, nghiên cứu sinh thạc sĩ tại Đại học Yale (Mỹ), cho biết.
Cô quyết định ở lại Mỹ, tự cách ly trong ký túc xá hơn là quay về, dù Mỹ hiện là nước có số ca nhiễm Covid-19 cao nhất thế giới.
“Nếu về nhà, cũng có rất nhiều rủi ro trên đường nên tôi quyết định ở lại vẫn hơn”, cô nói thêm.
Trong khi đó, Cathy, vừa trở về Trung Quốc vào 31/3, đành chấp nhận thực tế rằng cô có thể đối mặt định kiến của người trong nước. Cô sử dụng tên tiếng Anh của mình để che giấu danh tính và cho biết bản thân “không có lựa chọn nào khác ngoài việc chịu đựng”.
Hiện, gần một nửa trong số 800 ca nhiễm Covid-19 trở về từ nước ngoài của Trung Quốc là du học sinh.
Hầu hết người trở về phải cách ly trong vòng 2 tuần. Tuy nhiên, video ghi lại cảnh một nữ du học sinh cố gắng trốn khỏi nơi cách ly ở Thanh Đảo hay một người khác đòi cung cấp nước khoáng đóng chai trong cơ sở cách ly tại Thượng Hải khiến nhiều người bức xúc.
“Đúng là ăn cháo đá bát, quê hương không cần những loại người như thế này”, một người dùng mạng giận giữ.
Yik Chan Chin, giáo sư về truyền thông tại trường liên kết giữa ĐH Giao thông Tây An và Liverpool tại Tô Châu, nhận định nhiều người Trung Quốc tin là du học sinh ưu tú hơn những người học tập trong nước. Niềm tin này được củng cố bởi quan niệm du học sinh là con nhà giàu và có nhiều quốc tịch.
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, phần lớn trong số 1,6 triệu du học sinh vẫn đang ở nước ngoài. Nhiều người muốn về nước nhưng e ngại vấn đề vé máy bay đắt đỏ và nguy cơ lây nhiễm trên đường trở về.
Ngày 30/3, chính phủ Trung Quốc đã thuê một chuyến bay giải cứu 200 sinh viên nước này kẹt ở Ethiopia sau khi các chuyến bay trung chuyển họ về nước bị hủy vào phút chót. Một chuyến khác cũng cất cánh vào 2/4 để đưa sinh viên từ Anh về nước.
“Tôi hy vọng những du học sinh được giải cứu về là những người yêu nước và có lương tâm, không phải là những kẻ đáng ghét chỉ biết quan tâm đến cuộc sống xa hoa”, một dân mạng Trung Quốc viết.
Bên cạnh đó, cũng có nhiều người tỏ ra thông cảm, đặc biệt là khi nhiều du học sinh ở nước ngoài quyên góp vật tư y tế cho chính phủ chống dịch.
“Ai đã vét sạch các kệ hàng bán đồ bảo hộ ở nước ngoài để gửi về chống dịch? Chính là du học sinh đấy”, Lu Chuan – biên kịch, nhà sản xuất kiêm đạo diễn phim nổi tiếng người Trung Quốc, viết trên trang cá nhân.