Vô cùng ngạc nhiên khi bước chân vào ngôi trường Mỹ, lần đầu tiên phải trả lời câu hỏi ‘Tôi là ai’ khiến cô gái Việt bắt đầu đi tìm lại chính mình.
Tại ngôi trường Macalester College, bang Minnesota, Nguyễn Thúy Ngân (Hà Nội) được hòa vào một môi trường đa dạng văn hóa. Dù đặt tại một thành phố nhỏ, nhưng Macalester College có 2.000 sinh viên tới từ 100 quốc gia khác nhau đến học tập. Đây là “thế giới” Ngân từng mơ về trong suốt những năm tháng còn học phổ thông.
“Lớp học đầu tiên tôi được học là về “cá thể hóa”. Tất cả sinh viên đều phải trả lời câu hỏi “Tôi là ai?”. Lần đầu được nghe tới những khái niệm ấy khiến tôi như “vỡ” ra nhiều điều. Ở ngôi trường này, mọi sự khác biệt cũng đều được tôn trọng”.
Đứa trẻ lập dị đi tìm lại chính mình
Ngân từng là một cô bé 6 tuổi từ Đông Anh vào nội thành đi học. Cô bị bạn bè bắt nạt vì tật nói ngọng và vẻ ngoài “đen không giống ai”. Lên cấp 2, có lần Ngân bị cô chủ nhiệm phát hiện ra cuốn nhật ký viết về người bạn cùng bàn mình thầm thích. Sau đó, cô giáo đã đem cuốn nhật ký cho các phụ huynh cùng đọc. Điều ấy khiến Ngân cảm thấy tổn thương.
12 tuổi, Ngân bắt đầu nổi loạn. Cô cắt tóc ngắn, mặc quần áo tomboy, trốn học ra ngoài quán net và bắt đầu tìm kiếm những người bạn qua mạng để trải lòng.
Nhưng càng ngày, Ngân càng thấy mình thay đổi theo cách bản thân không mong muốn. Một lần, xem được series phim “How I met your mother”, cô bắt đầu vạch ra con đường đi du học.
Đỗ vào trường Macalester College với học bổng toàn phần, được học tập trong một ngôi trường đa dạng văn hóa, chủng tộc, màu da khiến Ngân bỗng cảm thấy không còn giới hạn về con người mình muốn trở thành.
“Tôi có một cậu bạn xoay rubic nhanh top thế giới. Cậu ấy có thể vừa xoay rubic, vừa nhảy hiphop. Ngoài ra, cậu bạn này còn biết làm phim. Nhờ thế, tôi nhận ra rằng không nên giới hạn bản thân trong một chiếc hộp kín vì mình còn có thể làm được rất nhiều thứ”, Ngân nói.
Vì thế, vừa xa nhà 3 tuần, khi chưa kịp làm quen với đất nước xa lạ, Ngân đã xin đi gia sư tình nguyện cho những trẻ em da màu. Cô gái 25 tuổi tự nhận mình giống như “một miếng bọt biển”, dù không có gì trong tay nhưng cứ bước ra thế giới bên ngoài, sẵn sàng đón nhận tất cả.
2 tháng sau, Ngân biết tới quỹ học bổng của nhà từ thiện Kathryn Wasserman Davis trao cho các dự án cộng đồng của sinh viên. Thấy quỹ học bổng ấy, Ngân liều mình đăng ký tham gia. Dự án công nghệ thực hiện tại trung tâm trẻ mồ côi ở Vĩnh Phúc đã giúp nữ sinh lần lượt vượt qua các ứng viên và trở thành người chiến thắng, giành được 10.000 USD.
Đến năm hai đại học, Ngân tiếp tục trở thành tình nguyện viên cho một tổ chức giúp đỡ phụ nữ và trẻ nhập cư tại Saint Paul, Minnesota. Cô gái Việt nhận ra vấn đề trong những gia đình nhập cư này là cha mẹ và con cái không có sự kết nối, đặc biệt là việc trong định hướng giáo dục.
Phát hiện này của Ngân đã thuyết phục được Quỹ học bổng Phillips do vợ chồng tỷ phú Jay Phillips thành lập. Cô được trao 16.000 USD để thử nghiệm những biện pháp khắc phục.
Năm 2015, cô gái Việt bắt đầu trở thành “cánh tay kết nối” tạo ra những hoạt động giúp các bậc phụ huynh hiểu hơn về con đường học tập của con cái mình; còn những đứa trẻ không cảm thấy tự ti về nguồn gốc nhập cư hay những rào cản văn hóa của bản thân. Ngày kết thúc dự án, nhiều người đã khóc; thậm chí có phụ huynh bước tới nắm tay và cảm ơn Ngân.
Có những đứa trẻ nhập cư giờ đây cảm thấy tự hào về nguồn gốc của mình. Nhiều em còn nhận được học bổng cao của Mỹ.
Hãy dám “say yes”
Sau dự án, Ngân tiếp tục tham gia các hoạt động cộng đồng khác nhau. Trước khi ra trường, cô gái trẻ biết tới quỹ học bổng Watson Fellowship do gia đình tỷ phú Thomas Watson sáng lập nhằm giúp đỡ những nhà lãnh đạo trẻ xuất sắc có nhiều hoài bão.
Mỗi năm, quỹ này trao cho 50 cá nhân nhân xuất sắc nhất trên toàn nước Mỹ. Mỗi người sẽ nhận được 30.000 USD để đi vòng quanh thế giới, thực hiện ước mơ của chính mình.
Yêu cầu duy nhất quỹ đặt ra khi thực hiện chuyến đi là người được chọn phải đi 1 năm, phải đi một mình và phải đi có mục đích.
Vượt qua nhiều vòng loại, Ngân là 1 trong 2 người Việt Nam nhận được học bổng này kể từ khi quỹ thành lập.
Thời điểm đó, cô cũng nhận được một vài lời đề nghị hấp dẫn nếu ở lại Mỹ. Đứng trước hai ngã rẽ, Ngân quyết định bắt đầu chuyến đi vòng quanh thế giới của mình.
“Tham gia chuyến đi, tôi cảm thấy như đang được sống trong thế giới mình từng mơ ước”, Ngân nói.
Vốn là người từng lãnh đạo nhiều dự án cộng đồng kể từ khi còn đi học, Ngân nhận thấy các dự án của mình hầu hết đều “chết non” do quỹ hết tiền hoặc các nhà tài trợ không tiếp tục ủng hộ. Từ đó, Ngân bắt đầu tìm hiểu về doanh nghiệp xã hội – một mô hình kinh doanh bền vững. Cô bắt đầu cuộc hành trình của mình ở Anh.
“Ở Anh, bước ra ngoài phố, bạn sẽ thấy những chiếc xe cafe tự động được bán bởi những người vô gia cư. Nhờ đó, họ có thể làm ra tiền bằng chính sức lao động của mình. Điều này cũng tạo ra những tác động xã hội”, Ngân kể.
Cô cũng hào hứng với những mô hình “tủ lạnh công cộng” được đặt ở góc phố. Đây là nơi các siêu thị có đồ ăn sắp hết hạn hoặc không dùng đến đặt vào để những người vô gia cư hay có thu nhập thấp có thể đến lấy. Mô hình này tuy đơn giản nhưng đã giải quyết được vấn đề lãng phí thực phẩm. Bên cạnh đó, mô hình “thư viện đồ gia dụng” cũng cho phép những người cần có thể mượn món đồ nào đó như máy xay, dụng cụ làm vườn,… với chi phí rất rẻ.
Trong suốt một năm, Ngân đã đi qua 7 quốc gia ở các châu lục khác nhau là Anh, Rwanda, Thái Lan, Bangladesh, Nepal, Singapore, Chile. Thay vì ở khách sạn, cô lại tìm đến nhà của những người dân với mong muốn có thể nhìn thấy một cuộc sống khác.
Một năm với trải nghiệm sống tại 50 gia đình khác nhau; kết nối được với 300 doanh nhân doanh nghiệp xã hội; cứ ba tháng, Ngân lại đến một châu lục mới;… Những trải nghiệm đầy mới mẻ đã giúp cô gái 22 tuổi khi ấy như tìm lại được chính mình.
Trong chuyến hành trình vòng quanh thế giới, Ngân cảm thấy ấn tượng nhất với đất nước châu Phi Rwanda.
“Đây là một đất nước rất nhỏ, chỉ là một dấu chấm trên bản đồ thế giới. Nhưng mọi người tại đây vô cùng tự hào về dân tộc mình. Đây cũng là một đất nước rất phát triển về khởi nghiệp”, Ngân nói.
Ở Rwanda, Ngân xin làm trợ giảng trong một trường đại học với mong muốn được tiếp cận với giáo trình đại học rất mạnh về khởi nghiệp của họ.
Kết thúc 1 năm theo quy định của quỹ, Ngân tiếp tục vài cuộc hành trình ngắn trước khi trở về Việt Nam. Sau chuyến đi, Ngân cảm thấy bản thân hiểu hơn về khái niệm “tự do”.
“Tự do không phải là muốn cái gì thì làm mà ở đâu, trong hoàn cảnh nào mình cũng có thể tự tạo ra cơ hội cho mình.
Kể cả ở Anh, Bangladesh, Chile hay Nepal,… đây đều là những nơi lần đầu tiên tôi được đặt chân đến nhưng tôi vẫn có thể tìm được những người bạn và có thể tận hưởng cuộc sống”, Ngân chia sẻ.
Trở về Việt Nam, Ngân giữ vai trò là quản lý khu vực Châu Á – Thái Bình Dương của Angel Hack – một chuỗi cuộc thi phát triển phần mềm quy mô toàn cầu. Trái ngược với mong muốn của bố mẹ là con gái có một cuộc sống ổn định, Ngân lại chọn cho mình hướng đi có phần “bất ổn”.
Cô cho rằng, khi dám “say yes”, không giới hạn bản thân vào một chiếc hộp kín thì dù có khó khăn thế nào, cơ hội cũng ắt sẽ đến.