Với cô giáo Mường Hà Ánh Phượng, việc đưa giáo dục ‘xuyên biên giới’ giờ đây không còn quá nhiều rào cản. Chỉ với một chiếc laptop được kết nối mạng, giáo viên hoàn toàn có thể đưa học sinh đi tới khắp năm châu.
Sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Yên Lập – một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, cô giáo Hà Ánh Phượng thấu hiểu được những khó khăn mà học sinh miền núi gặp phải khi tiếp cận với việc học ngoại ngữ.
Sau khi tốt nghiệp cao học với tấm bằng loại ưu, Phượng được một công ty dược của Pakistan mời về làm giám đốc đại diện kiêm phiên dịch viên với một mức lương hấp dẫn. Tuy nhiên, cô đã từ chối để tiếp tục đi học thạc sĩ ngành Sư phạm tiếng Anh.
Hoàn thành việc học, Phượng quyết định trở về quê hương làm cô giáo trường làng. Là một giáo viên trẻ có sự năng động và tràn đầy ý tưởng sáng tạo, Phượng tích cực tham gia vào các buổi phát triển chuyên môn trên phạm vi toàn cầu.
Đặc biệt, cô đã đưa học sinh của mình tham gia vào các tiết học xuyên biên giới nhờ vào công nghệ thông tin và mạng Internet. Chẳng cần visa, cả cô và trò đã cùng nhau “đi du lịch” tới hơn 30 quốc gia.
Giờ đây, ngồi trong lớp, học trò của cô Phượng có thể tự tin giới thiệu về những nét văn hóa đặc trưng của người Mường với một thầy giáo Mỹ, nhưng đó không phải là cách giao tiếp truyền thống mà thông qua một buổi học trực tuyến ở hai điểm cầu là Washington và một xã miền núi của Việt Nam.
Cô giáo Ánh Phượng cho rằng, việc đưa giáo dục “xuyên biên giới” giờ đây không còn quá nhiều rào cản. Chỉ với một chiếc laptop được kết nối mạng, giáo viên hoàn toàn có thể đưa học sinh “đi tới khắp năm châu”.
Nói về câu chuyện “từ vườn chuối tôi nhìn ra thế giới”, cô giáo người Mường kể lại, hôm đó cô đang thực hiện lớp học không biên giới trực tuyến với học sinh nước ngoài thì nhà mất điện.
“Sợ phiền nên em ngồi ở vườn chuối nhà mình để bắt nhờ wifi nhà hàng xóm dạy nốt buổi. Buổi học đó, cô trò kết nối với học sinh của 4 châu lục và thu được nhiều điều quý giá. Em nghĩ bản thân mình có xuất phát điểm rất thấp nhưng đã làm được. Vì thế, em tin nhiều bạn trẻ sẽ làm được, nhất là trong thời đại 4.0”, cô giáo Phượng cho hay.
Cô thường áp dụng phương pháp dạy học trực tuyến, triển khai mô hình lớp học xuyên biên giới để giúp học sinh thực hành tiếng Anh, tăng sự tự tin và vốn hiểu biết văn hóa.
Tại Đại hội thi đua yêu nước tỉnh Phú Thọ lần thứ VI, Hà Ánh Phượng, giáo viên Tiếng Anh của Trường THPT Hương Cần, Thanh Sơn; người Việt Nam duy nhất lọt vào top 10 giáo viên xuất sắc toàn cầu, đã được nhận Bằng khen của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
“Tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc, vinh dự và biết ơn. Những sự ghi nhận này không chỉ có ý nghĩa cho cá nhân tôi mà còn góp phần tạo động lực, lan tỏa đến nhiều giáo viên khác có nhiều cố gắng hơn nữa vì cộng đồng”, cô giáo Hà Ánh Phượng xúc động.
Cô giáo Hà Ánh Phượng người dân tộc Mường (Phú Thọ). Cô từng giành được học bổng Hoa trạng nguyên của Bộ GD&ĐT cho thủ khoa tốt nghiệp THPT, là một trong 14 sinh viên châu Á năm 2011 đạt học bổng Tiềm năng lãnh đạo do Viện Giáo dục quốc tế Mỹ IIE trao tặng. Hà Ánh Phượng là giáo viên Việt Nam đầu tiên vào top 10 và cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban tổ chức giải thưởng Giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) do Quỹ Varkey (Varkey Foundation) lựa chọn, cùng với 9 giáo viên khác đến từ Italy, Brazil, vương quốc Anh, Mỹ, Nam Phi, Nigeria, Ấn Độ, Malaysia, Hàn Quốc. Giải thưởng Giáo viên toàn cầu được Quỹ Varkey (Varkey Foundation) thành lập năm 2014. Mỗi năm, Ban tổ chức nhận được hàng chục nghìn hồ sơ đến từ nhiều quốc gia (năm 2019 là hơn 10.000, năm 2017 có 30.000 hồ sơ, năm nay chưa công bố). Một giáo viên có đóng góp đặc biệt xuất sắc trong các lĩnh vực giáo dục sẽ được lựa chọn để nhận giải thưởng trị giá một triệu USD.