Trong cuộc họp báo thường kì trực tuyến của Bộ Ngoại giao ngày 9/4, Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng đã cung cấp thông tin về việc hỗ trợ công dân Việt Nam ở nước ngoài trở về nước.
Trả lời đề nghị cho biết tổng số người Việt ở nước ngoài được hỗ trợ để về nước là bao nhiêu người tính từ đầu dịch Covid-19 đến nay và người về chủ yếu từ địa bàn nào, bà Lê Thị Thu Hằng cho biết: Trong thời gian qua các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng sở tại cũng như trong nước đã hỗ trợ gần 1.500 công dân Việt Nam bị kẹt trở về nước an toàn. Trong số công dân Việt Nam trở về nước chủ yếu từ châu Âu và Mỹ, trong quá trình quá cảnh kẹt lại tại các sân bay ở Nhật Bản, Nga, Đức, Hong Kong (Trung Quốc), Singapore và Thái Lan.
Về thông tin Thủ tướng Australia Scott Morrison mới đây ra thông báo hướng đến những du khách và sinh viên quốc tế rằng nếu không thể tự hỗ trợ cho cuộc sống tại Australia trong dịch Covid-19 thì họ nên trở về nước mình và Báo Thanh niên cũng có bài viết về nhiều công dân Việt kẹt ở Nhật Bản liên tục bị các hãng hàng không hủy vé không hoàn tiền thì việc giải cứu các công dân bị mắc kẹt nếu có ở Nhật và Australia ra sao, Người phát ngôn nói: Trong thời gian qua, Bộ Ngoại giao đã chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phối hợp với các cơ quan chức năng ở trong nước cũng như ở nước ngoài hỗ trợ cho gần 1.500 công dân Việt Nam về nước an toàn. Hiện nay còn số ít công dân Việt Nam bị kẹt tại các sân bay quốc tế nước ngoài do các quốc gia và vùng lãnh thổ thay đổi chính sách về xuất nhập cảnh, quá cảnh; các hãng hàng không dừng, hủy các chuyến bay và thay đổi lịch trình bay do điều kiện phòng chống dịch Covid-19.
Ngoài ra, theo tôi được biết, một số công dân Việt Nam cũng đang gặp khó khăn về thị thực lưu trú tại nước ngoài do không tìm được các chuyến bay về nước, các cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam đã và đang phối hợp chặt chẽ với các hãng hàng không quốc tế, các cơ quan chức năng sở tại để tháo gỡ các khó khăn về thị thực lưu trú, đảm bảo chăm sóc y tế, cung cấp nhu yếu phẩm cần thiết, hỗ trợ tìm kiếm, thu xếp các chuyến bay phù hợp để có thể về được Việt Nam.
Tôi xin nhắc lại, không phải trong mọi trường hợp cơ quan đại diện có thể giải quyết được tất cả các vướng mắc. Vừa qua Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, đề xuất phương án đưa một số công dân Việt Nam về nước, ưu tiên nhóm người cao tuổi, ốm đau, trẻ em dưới 18 tuổi, đảm bảo cân đối chung và phù hợp với năng lực cách ly tập trung ở trong nước. Riêng một số trường hợp người Việt Nam không có giấy tờ tùy thân và hợp đồng lao động hợp pháp ở nước ngoài sẽ cần tiến hành các thủ tục pháp lý với các cơ quan chức năng trong và ngoài nước để thẩm tra thân nhân và có phương án xử lý phù hợp, bà Lê Thị Thu Hằng thông tin thêm.