Với thành tích ấn tượng về tái cấu trúc hệ thống tổ chức, tuyển sinh, công bố quốc tế, vị trí trên các bảng xếp hạng đại học thế giới, phát triển tạp chí khoa học, linh hoạt trong hợp tác quốc tế, Đại học Huế (ĐHH) đang không ngừng nỗ lực vững bước theo tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW, ‘phát triển Đại học Huế trở thành Đại học Quốc gia vào năm 2022’.
Trong bảng xếp hạng đại học của các tổ chức xếp hạng thế giới, ĐHH tăng 918 bậc với Webometrics (từ vị trí 3658 lên 2740), tăng lên nhóm 50 bậc cao hơn trên bảng xếp hạng đại học Châu Á 2021 (QS Asia Rankings 2021) (từ nhóm 451 – 500 lên nhóm 401- 450); năm thứ hai ĐHH lọt tốp 10 của Việt Nam trong bảng xếp hạng URAP (bảng xếp hạng đại học thế giới theo thành tựu học thuật); và là năm đầu tiên lọt vào bảng xếp hạng SCImago nơi mà các tiêu chí xếp hạng được dựa trên 3 nhóm tiêu chí: nghiên cứu khoa học, đổi mới sáng tạo, và tác động xã hội.
Theo Tiến sỹ Đỗ Thị Xuân Dung, Phó Giám đốc ĐHH, năm 2020 tiếp tục là một “điểm sáng” của ĐHH với việc Bộ Giáo dục và Đào tạo khen thưởng vì có nhiều bài báo khoa học trên các tạp chí uy tín quốc tế thuộc danh mục ISI, xếp thứ 2 trên 34 cơ sở giáo dục đại học (CSGDĐH) được khen thưởng về số lượng bài báo (321 bài, tăng 100 bài so với năm 2019). Cùng với đó, đơn vị đã công bố 415 bài báo trên các tạp chí khoa học thuộc danh mục Scopus, tăng 135 bài (gấp 1,5 lần) so với năm 2019.
Ngày 26/10 vừa qua, Tạp chí Khoa học ĐHH (thuộc trường KHTN) đã được chấp nhận chỉ mục vào hệ thống DOAJ (thư mục các tạp chí truy cập mở – Directory of Open Access Journals), là bước đệm quan trọng cho các tạp chí gia nhập vào các tổ chức chỉ mục uy tín WoS và SCOPUS, sau đó được lập chỉ mục trong ASEAN Citation Index (ACI) vào tháng 12/2020, ngang hàng với 20 tạp chí khác.
Mặc dù dịch COVID-19 gây nhiều hạn chế, trở ngại trong giao tiếp trực tiếp với các đối tác hợp tác quốc tế, song ĐHH đã linh hoạt vận dụng và đã hoàn thành nhiều mục tiêu quan trọng, cụ thể, được trao quyền điều phối 2 trong 5 dự án nâng cao năng lực giáo dục đại học do quỹ ERASMUS+ được Cộng đồng châu Âu tài trợ cho Việt Nam trong vòng 5 năm qua để phát triển chương trình đào tạo Thạc sỹ về Luật môi trường và chống biến đổi khí hậu (từ 2020), Thạc sỹ Nông nghiệp sinh thái (từ 2019).
Riêng năm 2020, ĐHH đã có nhiều chương trình nghị sự và hợp tác quan trọng với Pháp, Đức, Nhật Bản và một số quốc gia khác thông qua chủ động thay đổi chương trình và hình thức hợp tác kết hợp trực tiếp và trực tuyến. Hầu hết các đơn vị trong toàn Đại học Huế vẫn đảm bảo có các ký kết mới hoặc hợp tác trong nghiên cứu và đào tạo.
Dù dịch bệnh có tác động đến tâm lý chọn ngành chọn nghề, song ĐHH vẫn thu hút được số lượng sinh viên và học viên sau Đại học khá ấn tượng, với số lượng tăng khoảng 10-15%. Việc mở thêm các ngành mới trong năm 2020 như Khoa học dữ liệu và trí tuệ nhân tạo, Kinh tế quốc tế, Quan hệ quốc tế, Logistics và quản lý chuỗi cung ứng, Nông nghiệp công nghệ cao, Quản trị và phân tích dữ liệu, và Hộ sinh là một trong những định hướng quan trọng trong chiến lược phát triển ngành nghề mới đón đầu nhu cầu xã hội.
“Tiến trình xây dựng và phát triển ĐHH trở thành Đại học Quốc gia đang khẩn trương hơn bao giờ hết, được phản ánh trong các chủ trương, nghị quyết của Đảng ủy, được thấm nhuần sâu sắc trong toàn thể cán bộ, giảng viên, người lao động và người học, được triển khai trong các chương trình hành động, công tác của toàn hệ thống”, Tiến sỹ Đỗ Thị Xuân Dung nhấn mạnh.
Từ Nghị quyết của Ban Cán sự Đảng Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ đã có tờ trình báo cáo với Thủ tướng Chính phủ về việc phát triển ĐHH thành ĐHQG, tạo tiền đề quan trọng cho những lộ trình tiếp theo của đơn vị trong thời gian tới. ĐHH cũng đã tổ chức gặp mặt các Giáo sư và sắp đến là toàn thể các giảng viên có học hàm, học vị cao từ Tiến sỹ trở lên để lan tỏa sứ mệnh dẫn dắt, đào tạo thế hệ trẻ, đầu tàu trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ để con đường đi lên Đại học Quốc gia sáng dần trong một tương lai không xa./.