Hằng năm Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đào tạo 36.015 cử nhân đại học, 8.250 học viên sau đại học, 1.163 sinh viên quốc tế. Việc thực hiện mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, toàn diện hướng tới đạt chuẩn quốc tế là một nhiệm vụ hàng đầu của ĐHQGHN trong nhiệm kỳ tới.
Là cơ sở giáo dục hàng đầu Việt Nam, trong những năm gần đây, ĐHQGHN đã có nhiều chủ trương mới thúc đẩy các hoạt động đổi mới giảng dạy và nghiên cứu, đổi mới sáng tạo, tham gia nhiều nhiệm vụ KHCN lớn của quốc gia và mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều đại học uy tín trên thế giới.
Uy tín học thuật và chất lượng đào tạo của ĐHQGHN đã được nhiều tổ chức xếp hạng Châu Á và thế giới ghi nhận. Mới đây nhất, tại bảng xếp hạng đại học QS Thế giới 2021 (QS World University Rankings 2021 – QS WUR 2021), ĐHQGHN lần thứ 3 liên tiếp đứng trong nhóm 801-1000 các trường đại học tốt nhất toàn cầu.
Đi đầu trong đổi mới phương thức dạy học ở bậc đại học, sau đại học
Trong 2 năm đầu nhiệm kỳ (2015, 2016), ĐHQGHN đã tổ chức thành công kỳ thi tuyển sinh theo phương thức đánh giá năng lực người học, được xã hội đánh giá cao. Từ năm 2017, mô hình này đã được chuyển giao cho Bộ GD&ĐT sử dụng trong kỳ thi THPT quốc gia. Cùng với việc sử dụng kết quả kỳ thi này, để tăng chất lượng, số lượng đầu vào, ĐHQGHN đã phát triển khoa học kiểm tra đánh giá, đổi mới các phương thức tuyển sinh khác để tuyển sinh đại học và sau đại học, cũng như đổi mới toàn bộ hệ thống đo lường đánh giá trong hoạt động đào tạo.
Công tác xây dựng, đổi mới chương trình đào tạo theo hướng tiếp cận sản phẩm đầu ra, vừa phù hợp với xu thế chung của thế giới, vừa đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao, trình độ cao phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Cho đến nay, 100% các chương trình đào tạo của ĐHQGHN được xây dựng trên cơ sở xác định rõ mục tiêu và chuẩn đầu ra. Cùng với đó, chương trình đào tạo được đổi mới theo định hướng vừa đảm bảo kiến thức cơ bản và năng lực sáng tạo, vừa tăng cường thực hành, thực tập, thực tế, gắn chặt với thực tiễn và nhu cầu của xã hội. Nội dung, phương pháp đào tạo vừa hỗ trợ phát triển tài năng cá nhân, vừa thúc đẩy được năng lực sáng nghiệp, đáp ứng chuẩn năng lực của các vị trí việc làm trong các doanh nghiệp và nhà tuyển dụng.
Bên cạnh đó, cơ cấu ngành nghề đào tạo được điều chỉnh hợp lý hơn.ĐHQGHN là đơn vị tiên phong trong cả nước triển khai quy hoạch (năm 2014) và phân tầng các chương trình đào tạo (năm 2015). Đây là định hướng quan trọng cho việc mở các ngành, chuyên ngành đào tạo mới ở ĐHQGHN. Trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng, liên tục của xã hội và thị trường lao động, ĐHQGHN đã nhanh nhạy thích ứng để thường xuyên điều chỉnh, bổ sung quy hoạch phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Từ năm 2015 đến nay, cơ cấu ngành nghề đào tạo được chuyển dịch theo thích ứng với cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng tính ứng dụng và khả năng khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.
Cụ thể, tỉ lệ cơ cấu ngành nghề thuộc lĩnh vực khoa học tự nhiên, y dược và sự sốngđã chuyển từ 36% (năm 2015) sang chiếm tỉ lệ nhỏ hơn là 16% (năm 2019); nhóm lĩnh vựccông nghệ-kỹ thuật:năm 2015 chỉ chiếm 9%, năm 2019 đã tăng lên 18%. Đặc biệt lĩnh vực thế mạnh của ĐHQGHN về khoa học và công nghệ liên ngành, liên lĩnh vựccũng có sự chuyển dịch lớn,từ 5% vào năm 2015 lên 15% vào năm 2019.
Để đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, ĐHQGHN đã có những đổi mới trong tư duy, từ quan điểm giữ ổn định quy mô (24.000 sinh viên năm 2015), sang tăng dần qui mô (trên 35.000 sinh viên năm 2019), chủ yếu từ các chương trình đào tạo mới tính liên ngành, mũi nhọn và các ngành kỹ thuật, công nghệ và những lĩnh vực khoa học mới, có yếu tố khởi nghiệp cao mà xã hội có nhu cầu cao về nguồn nhân lực.
Các chương trình đào tạo đại học chất lượng cao theo Thông tư 23/2014 được chú trọng phát triển, đến nay đã có 24 chương trình. Có đơn vị đã chuyển đổi 100% chương trình đào tạo sang chương chương trình cất lượng cao. Với quy mô tuyển sinh, trong năm 2019 đạt 39,5%, góp phần tạo động lực và nguồn lực để ĐHQGHN, cũng như các đơn vị thực hiện cơ chế tự chủ một cách chủ động và có lộ trình. Các hệ đào tạo đặc biệt (tài năng, tiên tiến, chất lượng cao) tiếp tục được coi trọng, chiếm tỉ lệ 19% so với quy mô đào tạo chính quy. Sinh viên tốt nghiệp các chương trình đào tạo này vừa có năng lực chuyên môn, vừa có năng lực ngoại ngữ vượt trội được các trường đại học thế giới công nhận.
Đào tạo tiến sĩ và bậc sau đại học luôn được ĐHQGHN chú trọng. Nhiều tiến sĩ tốt nghiệp ở ĐHQGHN được nhận vào các chương trình nghiên cứu sau tiến sĩ ở các đại học, trung tâm nghiên cứu có uy tín trên thế giới. Hoạt động đào tạo tiến sĩ cũng đã góp phần gia tăng số lượng, chất lượng công bố quốc tế và duy trì vị thế của ĐHQGHN trong các bảng xếp hạng khu vực và quốc tế. Đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học tự nhiên-kỹ thuật-công nghệ của ĐHQGHN đã có 90% nghiên cứu sinh có công bố quốc tế trên các tạp chí quốc tế ISI/Scopus.
Đổi mới hoạt động giảng dạy theo hướng “cá thể hóa”
Lấy người học là trung tâm, phát huy vai trò chủ động của người học, tạo động lực để người học tham gia tích cực vào quá trình nâng cao chất lượng đào tạo là hướng đi cốt lõi của ĐHQGHN. Nhiều hội nghị, hội thảo, tọa đàm, diễn đàn, tập huấn về đổi mới hoạt động giảng dạy đã được tổ chức. Trung tâm Hỗ trợ giảng dạy thuộc Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục được thành lập, đã hỗ trợ hiệu quả cho việc đổi mới phương pháp dạy và học ở ĐHQGHN.
Hoạt động giảng dạy ở ĐHQGHN được triển khai trên cơ sở đổi mới triết lý đào tạo và chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo, phát huy tối đa năng lực của từng cá nhân, trên nền tảng công nghệ dạy học tiên tiến, học liệu số và hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại.
Việc đổi mới giảng dạy các môn chung được thực hiện theo Đề án về “Đổi mới quản lý đào tạo các học phần chung tại ĐHQGHN”, đã tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên lựa chọn môn học theo kế hoạch và thời gian phù hợp. Đề án “Đổi mới công tác thực tập, thực tế trong đào tạo nhằm tăng cường khả năng có việc làm của sinh viên ở ĐHQGHN” được triển khai theo hướng sinh viên có kỳ thực tập tại địa phương, doanh nghiệp; thúc đẩy sinh viên tiếp cận sớm với yêu cầu chuyên môn của thị trường lao động và nâng cao khả năng tìm kiếm việc làm sau tốt nghiệp. Việc triển khai giáo dục cá thể hóa mới chỉ là bước đầu, nhưng đó là hướng đi nhiều triển vọng ở ĐHQGHN.
Nghiên cứu khoa học làm nền tảng
Việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo toàn diện, phát triển phẩm chất, tầm nhìn, năng lực và kỹ năng cho người học được chú trọng. Theo đó, cùng với việc đổi mới phương pháp giảng dạy và tăng cường thực hành, thực tế để nâng cao năng lực người học thì việc tổ chức các hoạt động bổ trợ nhằm phát triển phẩm chất, tầm nhìn và kỹ năng của người học cũng được đặc biệt quan tâm.
Ngoài ra, ĐHQGHN luôn kiên trì theo đuổi triết lý phát triển đào tạo chất lượng cao, đào tạo tinh hoa, không dựa vào số lượng, nhiều năm qua, ĐHQGHN giữ ổn định quy mô đào tạo chính quy một cách hợp lý để có điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo. Nhờ đó, tỉ lệ sinh viên chính quy/giảng viên đạt 15/1 – tỉ lệ cao nhất trong các trường đại học của Việt Nam. Tỉ lệ học viên đào tạo sau đại học đã chiếm gần 30% tổng số sinh viên, học viên chính quy.
Trên cơ sở kế thừa truyền thống đào tạo và nghiên cứu khoa học hàng đầu đất nước của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, cùng với việc phát huy cao độ quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm, ĐHQGHN đã phát triển đại học theo hướng tích hợp chặt chẽ đào tạo với nghiên cứu khoa học theo mô hình đại học nghiên cứu tiên tiến, đào tạo gắn với nghiên cứu và thông qua nghiên cứu.
GS.TSKH Vũ Minh Giang (chuyên gia cao cấp, nguyên Phó Giám đốc ĐHQGHN) chia sẻ: “ĐHQGHN coi nghiên cứu khoa học là một chỉ báo về chất lượng đào tạo. Các quy chế về nghiên cứu khoa học và các chính sách khác của ĐHQGHN đều khuyến khích và tạo cơ chế để các cấp học ‘nhúng sâu’ vào môi trường nghiên cứu khoa học. Học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh tham gia nghiên cứu với giảng viên là điều rất phổ biến ở ĐHQGHN”.
Nghiên cứu khoa học cũng đã tạo các tiền đề để ĐHQGHN phát triển các ngành, chuyên ngành đào tạo mới, chưa có trong danh mục đào tạo của Nhà nước, tạo ra nét độc đáo và tiên phong của ĐHQGHN như các chuyên ngành vật liệu và linh kiện nanô, biến đổi khí hậu, khoa học bền vững…