Trong một buổi ngoại khóa với sinh viên, khi tôi hỏi ‘ước mơ của em là gì?’, một bạn nữ hào hứng nói: ‘Em ước mơ theo học Trường học Hạnh phúc tại Phần Lan!’. Câu trả lời khiến tôi tò mò.
Sự tò mò không chỉ nằm ở việc có một ngôi trường thực sự dạy về hạnh phúc, mà còn nằm ở cách Phần Lan “nuôi” định nghĩa và giấc mơ về hạnh phúc cho thế giới. Phải chăng, đây chính là điều giúp Phần Lan luôn lọt top những nước hạnh phúc nhất trong nhiều năm qua?
“Mặt sáng” của hạnh phúc
Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2021 do Mạng lưới Giải pháp Phát triển Bền vững công bố tháng 3 vừa qua là một báo cáo đặc biệt khi tập trung vào tác động của COVID-19 đối với chất lượng cuộc sống con người, và đánh giá cách các chính phủ trên toàn thế giới đối phó với đại dịch. Phần Lan, một lần nữa, được bình chọn là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới. Quốc gia Bắc Âu, nơi chỉ có 5,5 triệu người, đã giành vị trí đầu bảng trong cả năm 2019 và 2018, và liên tục nằm trong top 10 kể từ khi báo cáo đầu tiên được công bố năm 2012.
Nhiều lý giải về bí kíp hạnh phúc của Phần Lan đã được đưa ra, trong đó, giáo dục được nhận định là yếu tố quan trọng Theo CNN, giáo dục bắt buộc ở Phần Lan bắt đầu khi trẻ em lên bảy tuổi, muộn hơn so với nhiều quốc gia phát triển khác. LA Times thậm chí đã ví von rằng, nếu như ở Mỹ, hạnh phúc và thành công được coi là mục tiêu cá nhân, thậm chí là mục tiêu cạnh tranh, thì ở Phần Lan, thành công là một môn thể thao đồng đội.
Nghiên cứu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) chỉ ra rằng, việc Phần Lan trao quyền tự chủ cho các trường trong nội dung giảng dạy không chỉ giúp giáo viên hạnh phúc hơn mà còn giúp học sinh đạt điểm cao hơn. Học sinh ở Phần Lan chỉ có một bài kiểm tra tiêu chuẩn duy nhất được thực hiện khi kết thúc chương trình giáo dục trung học, đó là kỳ thi trúng tuyển quốc gia.
Quan trọng hơn cả, hệ thống giáo dục của Phần Lan hoạt động không dựa trên nguyên tắc giải trình của cá nhân hay nguyên tắc so sánh giữa các trường học, mà dựa trên sự công bằng, xây dựng cộng đồng và thành công chung, bởi “xã hội càng bình đẳng thì công dân càng hạnh phúc”, LA Times nhận định. Bí kíp bình đẳng tạo nên hạnh phúc không chỉ làm nền tảng cho hệ thống giáo dục Phần Lan, mà còn nâng cao độ tin cậy của người dân với chính phủ.
“Hạnh phúc kiểu Phần Lan” – một thuật ngữ mới vì thế ra đời, kích thích sự tò mò của thế giới về cách người Phần Lan đưa hạnh phúc vào trong giáo dục, và biến giáo dục trở thành nền tảng của hạnh phúc. Người ta mong muốn có thể sống hạnh phúc theo cách mà người Phần Lan đang sống. Và, một trường học tại Phần Lan được thành lập để đáp ứng nhu cầu đó: Trường học Hạnh phúc.
Trong lời đề tựa ngắn gọn trên website, ngôi trường này mô tả: “Hạnh phúc của người Phần Lan là một kỹ năng, và hoàn toàn có thể được giảng dạy. Đó là lý do tại sao chúng tôi tạo ra một ngôi trường nơi bạn có thể tìm kiếm hạnh phúc. Bất kỳ ai cũng có thể nộp đơn vào Trường Hạnh phúc của Phần Lan. Ngôi trường chào đón bạn đến để học cách kết nối lại với thiên nhiên và nắm lấy những thói quen, ngôn ngữ và truyền thống độc đáo của Phần Lan”.
Phương pháp học tập của ngôi trường cũng được gói gọn trong sáu từ khóa: Dinh dưỡng, Thiên nhiên, Luyện tập, Bình tĩnh, Nghỉ ngơi, Học. Có lẽ, chính sự ngắn gọn và giản tiện, với những phương pháp học không đi theo xu thế học thuật chung, cộng với sự tò mò về bí kíp đi tìm hạnh phúc, đã khiến ngôi trường thu hút sinh viên quốc tế – trong đó có cả cô sinh viên Việt Nam ôm ấp hành trang đến Phần Lan để học về hạnh phúc. Thế nhưng, đáng tiếc, vì đại dịch COVID-19, ngôi trường đã buộc phải ngừng tuyển sinh. Điều này càng khiến người ta đặt ra câu hỏi, liệu hạnh phúc có “xuất khẩu” được không?
Theo CNN, một công ty giáo dục Phần Lan hiện đang nỗ lực “xuất khẩu” ra toàn cầu nền giáo dục “hạnh phúc kiểu Phần Lan”, với sứ mệnh “mang giáo dục mầm non theo phong cách Phần Lan đến với thế giới” .
Tại trường Quốc tế Helsinki (HEI), ngôi trường với bảy chi nhánh ở Trung Quốc, Australia và Hàn Quốc, các bài kiểm tra, sự cạnh tranh hay bảng xếp hạng đều bị loại bỏ, nhằm giúp “giáo dục chất lượng cao kể từ bậc mầm non có thể tiếp cận được với càng nhiều trẻ em càng tốt”.
Theo bà Milla Kokko, Giám đốc điều hành và đồng sáng lập HEI, kể từ khi chi nhánh đầu tiên ở khu vực Nội Mông, Trung Quốc được thành lập vào năm 2017 với 300 học sinh từ ba đến sáu tuổi, HEI đã sớm nhận ra rằng, nếu mô hình này có thể hoạt động ở Nội Mông, nó có thể sẽ hoạt động ở bất cứ đâu.
Sau 4 năm, giờ đây, HEI tự tin mang bí kíp giáo dục hạnh phúc ra thế giới, với các kế hoạch mới tại Argentina, Arab Saudi và Kuwait. Lý giải về trường hợp của HEI, CNN cho rằng, sự thành công có lẽ đến từ tôn trọng văn hóa địa phương và cùng xây dựng với giáo viên bản địa, nhằm đưa “hạnh phúc kiểu Phần Lan” ra thế giới.
“Mặt tối” của hạnh phúc
Bí kíp hạnh phúc của Phần Lan dường như đang đi theo một lộ trình rất bài bản. Từ việc đưa hạnh phúc vào giáo dục và biến giáo dục trở thành nền tảng của hạnh phúc, đến việc thu hút và chào đón những sinh viên ở mọi lứa tuổi đến với mình để cùng học về hạnh phúc, và thậm chí lựa chọn xuất khẩu hạnh phúc để mang tinh thần và bí kíp của Phần Lan đến mọi nơi.
Phải chăng, việc liên tục lọt top quốc gia hạnh phúc nhất thế giới cũng đã khiến hạnh phúc trở thành một chiến lược của quốc gia Bắc Âu này. Hãng tin AFP đồng tình với điều đó. Theo AFP, động lực tiếp thị hạnh phúc đã được định hình bởi ngành công nghiệp du lịch Phần Lan, với việc bổ nhiệm các “đại sứ hạnh phúc” có nhiệm vụ giới thiệu cho du khách những bí mật của hạnh phúc kiểu Phần Lan.
“Mọi người tò mò về hạnh phúc của chúng tôi và họ muốn tìm hiểu về điều đó”, Paavo Virkkunen, người đứng đầu Dịch vụ xúc tiến kinh doanh Phần Lan chia sẻ. Chìa khóa cho thương hiệu hạnh phúc của Phần Lan, vốn được nhắc khéo trong lời đề tựa của Trường học Hạnh phúc, đó là cảm giác được hòa mình với thiên nhiên và là một phần của đời sống văn hóa độc đáo.
Với triết lý ấy, theo ông Virkkunen, vào đầu năm 2020, số khách du lịch đến Lapland, Phần Lan đã đạt mức kỷ lục, và quốc gia này cũng đang thu hút số dự án đầu tư trực tiếp từ nước ngoài cao hơn bất kỳ nơi nào khác ở Bắc Âu.
Ngay cả khi đại dịch COVID-19 lan rộng, buộc việc tiếp đón du khách quốc tế phải tạm dừng, sự quan tâm của người nước ngoài đối với Phần Lan vẫn không hề giảm, vì hạnh phúc chưa bao giờ là đề tài cũ xưa, dẫn đến các tour du lịch qua màn ảnh nhỏ ra đời.
“Mặc dù hiện nay mọi người không thể đi du lịch, nhưng bạn vẫn có thể mơ về Phần Lan và niềm hạnh phúc khi được kết nối thực sự với thiên nhiên, nơi bạn thực sự có thể thư giãn”, đại diện xúc tiến kinh doanh Phần Lan tự hào nói.
“Những điều cơ bản thực sự tốt ở đây? Chúng tôi không có ai phải sống trên đường phố, chúng tôi vẫn có người thất nghiệp nhưng dịch vụ y tế hoạt động tốt, những điều lớn lao như vậy đấy. Nhưng giá mà chúng tôi có thể thoải mái và vui vẻ hơn dù một chút!”, một chủ tiệm hoa tên Riitta Matilainen đã nói với AFP như thế, khi phóng viên tờ báo này đang đi tìm câu trả lời cho cách Phần Lan trở thành quốc gia hạnh phúc nhất thế giới.
Khi đặt câu hỏi trên một diễn đàn mở có tên Quora rằng “Mặt tối của hạnh phúc là gì?”, tôi nhận được nhiều câu trả lời giống nhau, rằng Phần Lan quá lạnh, và sự giá lạnh lại quá dài, những câu trả lời mang cả nghĩa đen và nghĩa bóng. Mang thông điệp hạnh phúc đến khắp thế giới và thành công trong việc kích thích trí tò mò về một cuộc sống hạnh phúc, nhưng tại chính quốc gia nơi hạnh phúc được gọi tên, những vấn đề không được coi là hạnh phúc vẫn đang tồn tại.
Theo một thống kê cấp quốc gia do Statista thực hiện về tỷ lệ người trưởng thành có biểu hiện trầm cảm được bác sĩ chẩn đoán hoặc điều trị trầm cảm ở Phần Lan vào năm 2018, có tới 80% số người được hỏi thừa nhận họ bị trầm cảm, với tỷ lệ trầm cảm ở những người có trình độ học vấn thấp cao hơn khá nhiều so với những người có trình độ học vấn cao. Đây liệu có phải cái giá của hạnh phúc?
Cũng trong tháng 3/2021, tờ phân tích Politico đã đưa ra một thực trạng: Tại Phần Lan, người đứng đầu chính phủ là phụ nữ, một nửa số bộ trưởng cũng là phụ nữ. Điều này đã mang lại hy vọng về một tương lai bình đẳng hơn. Đáng buồn thay, điều này không xảy ra trên internet.
Một báo cáo mới từ Trung tâm Truyền thông Chiến lược NATO, đã phát hiện ra rằng chính phủ Phần Lan, đứng đầu là Thủ tướng Sanna Marin, đang là mục tiêu của các hành vi quấy rối trực tuyến. Nhà nghiên cứu Rolf Fredheim cho biết, các nữ bộ trưởng Phần Lan đã nhận được “số tin nhắn lạm dụng cao đáng kinh ngạc”.
Theo Statista, trong năm 2020, khoảng 12.000 vụ vi phạm an ninh thông tin và thông báo về mối đe dọa không gian mạng đã được Trung tâm An ninh mạng Quốc gia Phần Lan xử lý, tăng hơn 100% so với năm trước đó. Khi hạnh phúc đang được Phần Lan lan tỏa online qua những tour du lịch trực tuyến, thì trong bóng tối, những kẻ lợi dụng chìa khóa online để tấn công vào “hạnh phúc kiểu Phần Lan” ở cấp độ cao nhất cũng ra đời.
“Báo cáo Hạnh phúc Thế giới năm 2021 nhắc nhở chúng ta rằng con người phải hướng tới hạnh phúc chứ không phải chỉ là sự giàu có”, chuyên gia Jeffrey D. Sachs, đồng tác giả Báo cáo Hạnh phúc Thế giới 2021 chia sẻ. Phần Lan, quốc gia hạnh phúc nhất thế giới, đang chứng minh chân lý đó với bí kíp hạnh phúc của riêng mình, chỉ có điều, một khi hạnh phúc cũng được xuất khẩu, giá trị của hạnh phúc sẽ trở nên khó kiểm soát hơn.