Trong công tác phòng, chống dịch Covid-19, bên cạnh những cán bộ, nhân viên y tế, chiến sĩ công an, quân đội…, các tình nguyện viên phiên dịch tại các khu cách ly tập trung cũng đóng góp một phần không nhỏ, làm đẹp thêm hình ảnh người Hà Nội nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung trong mắt bạn bè quốc tế.
Thực hiện chính sách cách ly những người nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó có nhiều người nước ngoài, tại các khu cách ly tập trung của thành phố rất cần những phiên dịch viên để giúp người nước ngoài hiểu và chấp hành công tác phòng, chống dịch. Trước yêu cầu này, Sở Ngoại vụ Hà Nội gửi công văn sang Sở Du lịch, nhờ tìm tình nguyện viên làm phiên dịch. Sau khi Sở Du lịch Hà Nội đăng thông báo, đã có khoảng 100 người đăng ký tham gia. Sở Ngoại vụ đã chọn năm bạn trẻ là phiên dịch viên tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha, tiếng Hàn Quốc và phân công về các khu cách ly tập trung của thành phố ở Trường Quân sự Sơn Tây; Bệnh viện Công an thành phố; khu nhà ở sinh viên Pháp Vân – Tứ Hiệp (quận Hoàng Mai).
Tại khu cách ly tại Bệnh viện Công an thành phố, Phạm Thị Huệ (30 tuổi, phiên dịch tiếng Hàn Quốc) cho biết: “Là hướng dẫn viên du lịch, dịp này em khá nhàn vì ít việc. Khi nhận được thông tin của Sở Ngoại vụ về việc cần tìm phiên dịch cho các khu cách ly, em đã đăng ký trước rồi mới báo cho bố mẹ”. Ở khu cách ly tập trung tại Bệnh viện Công an thành phố, công việc của Huệ là phiên dịch, giải thích chính sách chống dịch cho người Hàn Quốc khi họ làm thủ tục đăng ký tại khu cách ly. Sau đó, khi y tá, bác sĩ kiểm tra sức khỏe, đo thân nhiệt cho những đối tượng này, Huệ lại đi cùng để giải thích cho mọi người hiểu, hợp tác.
Ðoàn Xuân Hiệp, 30 tuổi, hướng dẫn viên du lịch, được phân công làm phiên dịch tiếng Anh tại khu cách ly tập trung ở khu Pháp Vân – Tứ Hiệp từ ngày 19-3. Nhiệm vụ chủ yếu của Hiệp là hỗ trợ lực lượng dân quân, bộ đội làm thủ tục cho người cách ly nhận phòng, hỗ trợ giải quyết đề xuất của công dân nước ngoài. Vừa bắc cầu nối về ngôn ngữ, các tình nguyện viên còn động viên, chia sẻ với hành khách trong khu cách ly để họ vơi đi những nỗi niềm riêng. Trong những ngày công tác tại đây, có một câu chuyện khiến Hiệp nhớ mãi. Cô Việt kiều 60 tuổi, không nói được tiếng Việt, từ Mỹ về Việt Nam vào ngày 18-3 để chăm bố bị ung thư giai đoạn cuối tại Huế. Tuy nhiên, khi về nước, vì phải cách ly y tế tập trung 14 ngày, cho nên cô ấy không thể về thăm bố được. Trong thời gian cô đang cách ly thì nhận được tin báo bố mất. Mọi người an ủi, chia buồn, thì cô ấy cho biết, cô rất hiểu và không phàn nàn về các biện pháp phòng, chống dịch của Việt Nam.
Ðào Thị Phương Anh, 31 tuổi, hướng dẫn viên du lịch tại Hà Nội cũng có nhiều kỷ niệm đáng nhớ trong chuyến công tác đặc biệt này. Thời điểm Phương Anh vào nhận nhiệm vụ cũng là lúc ở khu cách ly có một số người nước ngoài lúc đầu có thái độ không hợp tác. “Em giải thích cho họ đây là quy định của Việt Nam. Bất kỳ ai ở vùng dịch khi vào Việt Nam đều phải cách ly 14 ngày. Em cũng nói, việc cách ly là để phòng dịch cho bản thân và cộng đồng. Sau khi được giải thích, mọi người hiểu và vui vẻ hợp tác”, Phương Anh chia sẻ và cho chúng tôi xem một lá thư của anh Pô-e, quốc tịch Ba Lan. Thư viết: “Ðây là lần thứ tư tôi tới Việt Nam. Tôi rất ấn tượng với cách mà Chính phủ Việt Nam đối mặt với dịch bệnh. Chân thành cảm ơn các bạn vì đã chăm sóc chúng tôi. Các bạn có thể tự hào vì cách đất nước các bạn đã đối phó dịch bệnh, mặc cho tiềm lực tài chính còn hạn chế. Tôi yêu tất cả các bạn, yêu con người Việt Nam”. Phương Anh cho biết: Sau khi gửi đơn đăng ký tình nguyện phiên dịch cho khu cách ly tập trung vào tối hôm trước thì sáng sớm hôm sau cô lên đường. Hành trang bước vào cuộc chiến chống Covid-19 của Phương Anh là nước xịt rửa tay, dung dịch rửa tay, nước súc họng, xà-phòng diệt khuẩn… Với tinh thần phấn chấn, Phương Anh nhanh chóng nhập cuộc, thực hiện nhiệm vụ phiên dịch tiếng Anh, Tây Ban Nha, hỗ trợ các nhân viên y tế, các lực lượng quân đội, an ninh tại khu cách ly tập trung Trường Quân sự Sơn Tây rất nhanh chóng.
Mang ý thức trách nhiệm với cộng đồng, những bạn trẻ đã và đang đóng góp không nhỏ công sức cho công tác phòng, chống dịch của TP Hà Nội, làm đẹp thêm hình ảnh của Thủ đô nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung trong mắt bạn bè quốc tế.