Cao Bảo Anh hiện là nghiên cứu sinh tiến sĩ về miễn dịch học, Đại học Harvard, Mỹ. Anh đã có 10 năm gắn bó với chuyên ngành này.
Khi biết miễn dịch học là chìa khóa của y học, Bảo Anh quyết tâm biến nó thành niềm đam mê mà mình sẽ theo đuổi suốt đời. Anh đã làm tình nguyện viên trong phòng thí nghiệm, lấy bằng thạc sĩ rồi theo học tiến sĩ.
Nhân dịp cuốn sách Hệ miễn dịch – kiệt tác của sự sống vừa được xuất bản khi dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Cao Bảo Anh chia sẻ với Zing về tầm quan trọng của hệ miễn dịch cơ thể người, cũng như hành trình anh viết cuốn sách.
Cơ thể khỏe mạnh, tâm trí vững vàng
– Cuốn sách “Hệ miễn dịch – kiệt tác của sự sống” ra mắt trong giai đoạn dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đã nhận được sự quan tâm của độc giả. Anh có thể chia sẻ ý tưởng và quá trình viết cuốn sách này?
– Con người là sự tổng hòa của ba phần thân thể – tâm lý – lý trí. Thực chất, ba phần này liên quan nhau hết. Khi thân thể không khỏe mạnh, tâm lý cũng không thể vững vàng và lý trí cũng không thể sáng suốt. Ngược lại, khi tâm lý mà rối hoạn, lý trí cũng hỗn loạn mà thân thể cũng bắt đầu sinh bệnh.
Nếu không hiểu về thân thể, về ngôi nhà của tâm lý và lý trí, chúng ta chắc chắn không thể thực sự làm chủ cuộc đời mình.
Bởi thế, tôi lựa chọn viết về hệ miễn dịch, tế bào – những vấn đề khoa học tưởng như xa lạ, nhưng lại có mối liên hệ mật thiết đối với con người chúng ta.
Muốn sống khỏe mạnh, đầu tiên, chúng ta cần phải hiểu cơ thể mình; hiểu rằng tất cả tế bào đều sinh ra từ một hợp tử – tế bào đầu tiên, cùng chung sống trong một căn nhà là cơ thể, cùng nhau nỗ lực để bảo vệ một cơ thể khỏe mạnh. Cơ thể khỏe mạnh mới dẫn đến tâm trí vững vàng và tránh được bệnh tật.
– Cuốn sách “Hệ miễn dịch – kiệt tác của sự sống” được viết bằng một văn phong giản dị, gần gũi. Đó có phải sẽ là lối đi anh sẽ chọn trong cách viết sách và chia sẻ kiến thức với cộng đồng?
– Đúng vậy. Tôi nghĩ rằng khoa học chỉ thực sự có hơi thở của riêng nó, khi người tiếp cận được với nó có thể hiểu, thực hành.
Nếu cố gắng và thực sự hiểu vấn đề, chúng ta có thể biến những kiến thức khoa học thành những điều dễ tiếp cận nhưng không làm mất đi tính chính xác của nó.
Khi bắt đầu viết cuốn Hệ miễn dịch và một số cuốn khác nữa cho các bạn trẻ, nhiều bạn bè và chính bản thân tôi tự hỏi tốn công sức làm một cuốn sách, đằng nào cũng không phải vì tiền, lại tiêu tốn thời gian, cơ hội làm nghiên cứu sinh và làm việc bên Mỹ thì khó khăn, liệu có đáng không?
Nhưng khi đã viết, trăn trở và hoàn thiện cuốn sách bằng trái tim mình, tôi mong là có thể gửi nó đến cho các bạn trẻ, để chúng ta có cùng nhịp đập trái tim.
– Trong thời gian tới, anh có viết những cuốn sách cùng chủ đề này không?
– Hệ miễn dịch – kiệt tác của sự sống là cuốn sách đầu tiên của tôi được xuất bản. Tôi đang tham gia các dự án viết sách cùng anh chị và bạn bè du học sinh khác. Một chủ đề tôi đang tìm hiểu là AI – trí thông minh nhân tạo.
Nghe qua chẳng liên quan gì nhưng tôi thắc mắc rằng khi đặt sự sống bên cạnh một thứ nhân tạo bậc nhất như trí tuệ nhân tạo, sự sống sẽ ra sao, của con người sẽ như thế nào.
Dù việc viết hay dịch rất khó, mệt, áp lực, khi viết cùng mọi người tôi thấy mình có ý nghĩa, việc mình làm có ý nghĩa. Cái ý nghĩa ấy chính là điều tôi đang nỗ lực để theo đuổi.
Như tôi học nghiên cứu sinh ngành miễn dịch học ở Harvard, áp lực về chất lượng khoa học rất cao, nhưng tôi nhận ra là khi nỗ lực làm một điều gì đó đơn giản và vô tư, thành công sẽ đến trong trái tim và khối óc.
Sau mỗi ánh hào quang đều có những đau khổ
– Con đường học tập và nghiên cứu của anh chắc hẳn đã trải qua rất nhiều khó khăn. Anh có thể chia sẻ với độc giả về khó khăn lớn nhất mà anh gặp phải?
– Học thạc sĩ ở Canada, chuẩn bị cho hành trình đến với Harvard chính là khoảng thời gian nhớ nhất của tôi với đủ tuyệt vọng và những giây phút tăm tối.
Khi liên tục thất bại, liên tục hoài nghi rằng con đường nghiên cứu mà mình theo đuổi, tôi bắt đầu tìm đến sách, những cuốn sách ngoài chuyên ngành của mình.
Ánh sáng đích thực phải đến từ sâu thẳm bên trong – một đầu óc tỉnh táo, một trái tim kiên cường, một thân thể khỏe mạnh.
Cao Bảo Anh
Tôi tìm hiểu và đọc các sách về tâm lý và dần gọi tên được những khủng hoảng tâm lý của mình khi ấy.
Sau này, khi tìm thấy các cuốn sách tâm lý của nhóm tác giả Oopsy, tôi thực sự biết rõ vấn đề của mình và bắt đầu đứng vững trên đôi chân của mình. Chính nhờ thế, tôi đã nỗ lực hoàn thành hồ sơ nộp vào chuyên ngành miễn dịch học ở Harvard.
– Trải qua những chặng đường khó khăn, anh có điều gì muốn nhắn nhủ đến những độc giả trẻ tuổi?
– Tôi nghĩ rằng mỗi người chúng ta đi trên một con đường, hãy tiếp tục đi, đừng để hào quang của người khác làm bạn quá ngưỡng mộ hay phải tự ti ở bản thân mình.
Ánh sáng đích thực phải đến từ sâu thẳm bên trong – một đầu óc tỉnh táo, một trái tim kiên cường, một thân thể khỏe mạnh. Có thể ít người thấy được ánh sáng đó, nhưng nếu thực sự có được thứ ánh sáng từ chính mình, chúng ta sẽ không lạc lối, dù cuộc đời có tối tăm đến đâu đi nữa.
Hãy xác định con đường các bạn đi, hãy chọn cho mình quá trình để phấn đấu và đừng quên rằng dù là thành công hay thất bại to lớn hay nghiệt ngã đến đâu, đó cũng chỉ là những khoảnh khắc trên quá trình ấy.
Đừng vì những khoảnh khắc mà đánh đổi cả quá trình, thậm chí là sinh mạng của mình.