Hoa hậu Anh vừa tạm cởi bỏ vương miện, rời nhiệm kỳ để về làm bác sĩ chống Covid-19. Cô từng ‘gây bão’ khi đăng quang ở độ tuổi 23, là hoa hậu thành thạo 5 ngôn ngữ, sở hữu 2 bằng y khoa và có chỉ số IQ 146.
Bhasha Mukherjee đăng quang hoa hậu vào năm 2019, khi đang thực tập tại Bệnh viện Pilgrim ở Pilgrim, Anh. Sau khi chiến thắng cuộc thi Hoa hậu Anh vào tháng 8, Bhasha Mukherjee tạm thời nghỉ việc để tham dự cuộc thi Hoa hậu thế giới và trở thành đại sứ cho một số tổ chức từ thiện.
Dự kiến, cô sẽ tập trung cho những công việc nhân đạo của mình cho đến tháng 8 năm nay.
Tuy nhiên vào đầu tháng 3, khi đang hoạt động tại Ấn Độ, Mukherjee nhận được tin nhắn từ các đồng nghiệp cũ tại bệnh viện nơi cô từng làm việc nói về tình hình chống dịch khó khăn như thế nào. Bhasha Mukherjee quyết định liên lạc với bệnh viện bày tỏ mong muốn được trở lại làm việc.
Trả lời tờ CNN, Mukherjee thẳng thắn chia sẻ, bản thân cảm thấy sai lầm khi đeo chiếc vương miện Hoa hậu Anh. Nó chẳng có ý nghĩa gì ngay cả đối với hoạt động nhân đạo, trong khi mọi người trên khắp thế giới đang phải ra đi vì Covid-19, còn những đồng nghiệp của cô phải ngày đêm cố gắng cứu chữa cho người bệnh.
“Lúc này tôi chỉ muốn được về quê nhà và đến thẳng bệnh viện, với vai trò là một bác sĩ. Lúc này, người dân cần một bác sĩ hơn là một người đẹp”, Bhasha Mukherjee nói.
Hoa hậu Anh cất vương miện, trở về làm bác sĩ chống Covid-19
Trước đó, Bhasha Mukherjee là nhan sắc gây choáng ngợp bởi người đẹp đăng quang hoa hậu ở tuổi 23 có thành tích học tập “khủng”. Cô thông thạo 5 ngôn ngữ gồm tiếng Anh, Bengal, Hindi, Đức và Pháp; nhận hai bằng cử nhân y khoa và sở hữu IQ 146, thuộc nhóm thiên tài.
Tuy nhiên, con đường của Bhasha Mukherjee không phải trải đầy hoa hồng.
Mukherjee vốn sinh ra ở Ấn Độ. Khi lên 9 tuổi, gia đình cô chuyển tới định cư tại Anh. Kể từ đó, cô bắt đầu sống trong cảnh tủi hờn vì bị bắt nạt tại trường học do nhà quá nghèo. Cô luôn phải sống trong cảnh nơm nớp lo sợ cho tương lai.
Mukherjee nhớ lại: “Ở Ấn Độ, gia đình tôi được xếp vào tầng lớp trung lưu. Chúng tôi có thể mua thức ăn đủ để cả nhà no căng bụng, miễn những món đồ đó không quá xa xỉ. Nhưng ở Anh, mọi thứ thật khác. Chúng tôi gặp khó khăn về tài chính, phải sống chung một nhà với các gia đình khác. Bố mẹ, em trai và tôi phải chen chúc ngủ cùng nhau trong một căn phòng nhỏ”.
Kinh tế gia đình eo hẹp đến nỗi, chị em Mukherjee phải mua quần áo tại các tiệm bán hàng lưu động trên xe tải hoặc những cửa hàng từ thiện.
Cô còn nhớ có lần, trong Ngày Sách và Bản quyền Thế giới, trường cho phép học sinh ăn mặc tự do đến lớp, thậm chí hóa trang thành nhân vật yêu thích. Nhưng Mukherjee chỉ có thể mặc quần áo hàng ngày của mình. Thấy thế, bạn bè trêu chọc cô hóa trang thành người ăn xin.
Mukherjee chia sẻ: “Tôi không hề có cảm giác được mọi người đón nhận. Thư viện có lẽ là chốn bình yên của tôi. Khi ở đấy, tôi không còn lo bị ai bắt nạt”.
Các giáo viên cũng nhiệt tình ủng hộ thái độ chăm chỉ của Mukherjee. Cô tự nhận mình trở thành “cục cưng” trong mắt giáo viên. “Chỉ cần đạt điểm cao, cao hơn nữa, càng cao càng tốt. Thế là tôi lao vào học”.
Hoa hậu thành thạo 5 ngôn ngữ, có 2 bằng y khoa và chỉ số IQ 146
Với thành tích đáng ngưỡng mộ, cô gái trẻ đã đỗ vào Đại học Nottingham. Lúc đầu, Mukherjee chọn theo học khoa Tâm lý vì bị ám ảnh với ký ức kinh hoàng khi người thân tự sát. Nhưng rồi, cô nhận ra chính bản thân mình cũng đang phải chiến đấu với căn bệnh trầm cảm và áp lực khôn cùng.
“Trong suốt năm nhất, tôi không có động lực rời giường để đến lớp. Tôi rất hay quên và sống chểnh mảng. Điều đó đã khiến tôi bỏ lỡ một kỳ thi rất quan trọng – không phải vì tôi không muốn đi thi mà là do đãng trí nên quên mất. Quãng thời gian đó, tôi gần như mất hết phương hướng”.
Trong lúc tìm kiếm liệu pháp để giải quyết căn bệnh của mình, Mukherjee biết đến công việc người mẫu và làm từ thiện. Hoa hậu Anh gốc Ấn thừa nhận, công việc mới khiến cuộc sống của cô ý nghĩa hơn ngoài ngày tháng vùi đầu vào học hành.
Năm 2019, trước khi đăng quang hoa hậu, Bhasha Mukherjee hoàn thành việc học tại ĐH Nottingham với điểm số thuộc nhóm cao nhất khóa. Cô nhận hai bằng cử nhân ngành Y, chính thức trở thành bác sĩ tại Bệnh viện Pilgrim.
“Khi sống trong bóng tối quá lâu, bạn có xu hướng nhận định cuộc sống của mình sẽ bị mây đen che phủ đến hết đời. Có nhiều người vì chịu sang chấn tâm lý nên nảy sinh ý nghĩ chối bỏ thế giới. Nhưng tôi nghĩ các bạn nên mở lòng để những người thân yêu có cơ hội giúp đỡ mình”.
Tuổi thơ cơ cực và ý chí kiên cường đã giúp Mukherjee vươn lên thành công trong cuộc sống. Đó cũng là lúc cô nghĩ, mình nên làm điều gì đó để báo đáp cuộc đời.
Trường Giang(Theo CNN, Mirror)