Bắt đầu từ đam mê và những phòng thí nghiệm hiện đại, được khẳng định tại những giải thưởng học thuật uy tín rồi tiến ra ‘chinh phục’ thị trường, đó là hành trình chung của rất nhiều công trình nghiên cứu ‘cộp mác’ sinh viên ngành Công nghệ sinh học trường Đại học Công nghệ TP.HCM (HUTECH).
Những nghiên cứu khoa học (NCKH) giàu tính ứng dụng cũng là cách mà ngành học này khẳng định vai trò mũi nhọn của mình trong đời sống hiện đại. Cùng khám phá những công trình thú vị và cả bảng thành tích “khủng” của sinh viên Công nghệ sinh học HUTECH nhé!
Bộ sưu tập đáng nể tại Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ
Giải thưởng Sinh viên NCKH cấp Bộ hàng năm là giải thưởng học thuật uy tín nhất cả nước dành cho sinh viên tất cả các trường đại học, học viện,… Đây cũng là “sân chơi” quen thuộc nhiều năm qua của sinh viên Công nghệ sinh học HUTECH, nơi các bạn ghi được những dấu ấn sâu đậm với loạt giải cao liên tiếp.
Như năm 2019, giải Nhất thuộc về đề tài “Ứng dụng vi khuẩn lên men lactic xử lý hạt giống đậu phộng” của nhóm bạn Nguyễn Bảo Trân, Nguyễn Ngọc Gia Bảo, Trần Minh Thư. Với ý tưởng ứng dụng vi khuẩn lactic phân lập từ món nem chua quen thuộc, nghiên cứu của nhóm cho thấy xử lý hạt giống bằng vi khuẩn lactic làm tăng tỉ lệ nảy mầm, độ khỏe mầm, chiều dài trung bình của cây,… và đặc biệt là số tia củ (tăng đến 2.5 lần so với đối chứng). Hay năm 2018, các đề tài như “Nghiên cứu ảnh hưởng của các elicitor, hệ thống LED cải tiến, môi trường hai lớp đến quá trình nhân giống, tạo củ và tích lũy saponin trong Sâm Ngọc Linh (Panax vietnam Ha et Grushv.) in vitro”, “Khảo sát hiện trạng và đánh giá dư lượng của glyphosate trong các trang trại trồng nho huyện Tuy Phong tỉnh Bình Thuận”,… của sinh viên Công nghệ sinh học HUTECH đều giành giải Nhì. Viện Khoa học ứng dụng HUTECH – đơn vị đào tạo ngành này – nhận Bằng khen của Bộ GD&ĐT về thành tích xuất sắc trong tổ chức hoạt động NCKH trong 3 năm liên tục.
Hẳn nhiên, để đạt được kết quả này, sinh viên HUTECH đã được trang bị kiến thức chuyên môn vững vàng về vi sinh vật học, tế bào học, hóa sinh học, công nghệ lên men, công nghệ enzyme, sinh học phân tử, kỹ thuật gen,… “Lợi thế” của các bạn còn là hệ thống các phòng nghiên cứu – thí nghiệm hiện đại, mở cửa cho sinh viên nghiên cứu ngay cả ngoài giờ học. PGS.TS. Thái Văn Nam – Phó Viện trưởng Viện Khoa học ứng dụng HUTECH cho biết: “HUTECH có ưu thế là cơ sở vật chất được đầu tư liên tục, 100% sinh viên được học tập trong môi trường hiện đại, thực hành với các thiết bị tiên tiến trong hệ thống phòng thí nghiệm chuẩn quốc tế. Đây chính là nền tảng quan trọng để sinh viên dễ dàng theo đuổi các đề tài NCKH giàu tính ứng dụng hoặc có thể làm việc ngay tại môi trường doanh nghiệp sau khi ra trường”.
Từ phòng thí nghiệm đến tự tin khởi nghiệp
Không chỉ là học lý thuyết, làm thí nghiệm, nghiên cứu và phát triển bản thân trong các chuyên ngành (gồm Công nghệ sinh học nông nghiệp, Công nghệ sinh học thực phẩm & sức khỏe hay Công nghệ sinh học dược), sinh viên Công nghệ sinh học HUTECH còn mang những nghiên cứu của mình vào ước mơ khởi nghiệp. Gương mặt tiêu biểu cho xu hướng này là Mã Phú Cường, cậu bạn sinh viên giành giải Ba giải thưởng Tài năng Lương Văn Can 2018, Quán quân HUTECH Startup Wings 2019 và đặc biệt là giải Dự án sinh viên xuất sắc nhất tại Vietnam Startup Wheel 2019 với những sản phẩm từ trái thanh long Đức Thuận do chính mình phát triển.
Từ nỗi trăn trở “được mùa, rớt giá” của trái thanh long cùng nền tảng kiến thức của một kỹ sư Công nghệ sinh học, Mã Phú Cường lấy phòng thí nghiệm HUTECH làm nhà, lấy máy móc trang thiết bị làm bạn để “đồng hành” qua các công đoạn nghiền, lọc, phối chế, cô đặc, tạo đông dịch quả,… để cho ra đời sản phẩm mứt thanh long chứa nhiều dưỡng chất. “Vũ khí” của bạn còn là kiến thức về thương mại hóa sản phẩm sinh học, kỹ năng thuyết trình và khởi nghiệp,… – những kỹ năng được đào tạo ngay trong chương trình chính khóa của sinh viên HUTECH, giúp các bạn tự tin phát triển những dự án của chính bản thân hoặc “thuyết phục” nhà tuyển dụng khi ứng tuyển vào các vị trí “hot”.
Hiện tại thì Mã Phú Cường đã sở hữu Công ty TNHH Thanh Long Đức Thuận dù chưa tốt nghiệp. Nghiên cứu sản phẩm, “đánh chiếm” thị trường là hướng phát triển lý tưởng cho những bạn trẻ yêu nghiên cứu nhưng cũng thích kinh doanh, đam mê khởi nghiệp. Chọn Công nghệ sinh học để chuẩn bị cho những chế phẩm sinh học hữu ích, sản phẩm thực phẩm hấp dẫn,… cho chính bạn phát triển và sở hữu thương hiệu, tại sao lại không chứ?
Năm 2020, HUTECH ngành Công nghệ sinh học theo 04 phương thức:
– Xét tuyển điểm thi THPT Quốc gia;
– Xét điểm thi ĐGNL của ĐHQG TP.HCM;
– Kỳ thi ĐGNL do HUTECH tổ chức;
– Xét tuyển học bạ: Theo tổ hợp 03 môn (tổng điểm TB năm lớp 12 của 03 môn trong tổ hợp xét tuyển đạt từ 18 điểm); hoặc Theo điểm trung bình 03 học kỳ (tổng điểm HK1, HK2 lớp 11 và HK1 lớp 12 đạt từ 18 điểm). Nhận hồ sơ đợt 1 đến 15/5.