Phạm Nhật Huy Thông từng là sinh viên trường Đại học Sư phạm Kỹ Thuật. Với hồ sơ không có nhiều thành tích nổi bật, Huy Thông lại nhân được các học bổng danh giá.
Chàng trai này hiện đã đi làm tại Đan Mạch và chia sẻ cho giới trẻ Việt cách xin học bổng dễ dàng hơn.
Luyện IELTS, tìm thông tin
Với hồ sơ không có điểm đặc biệt nào, Phạm Nhật Huy Thông đã chiến thắng và giành được học bổng Irish Aid của Chính phủ Ireland.
Với trình độ tiếng Anh của mình, Thông hiểu rằng mình không đủ để thi IELTS.
Thời gian đầu của Thông kéo dài khoảng 3 tháng, là giai đoạn “đau đớn” vì không giỏi tiếng Anh. Việc luyện IELTS diễn ra cực kì căng thẳng, mỗi ngày chàng trai này đều dành khoảng 2 tiếng để học tiếng Anh. Mặc dù đang làm ở phòng kế hoạch một công ty lớn nhưng mỗi ngày sau khi kết thúc công việc sớm nhất cũng 19h, Thông vào quán café hoặc ở lại công ty để tiếp tục luyện đề IELTS.
Sau 3 miệt mài ôn luyện, Phạm Nhật Huy Thông đã đạt được 7.5 IELTS. Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn nên song song với học IELTS, Thông dành mọi thời gian rảnh để tìm học bổng. Khi đó, Thông tiếp cận với học bổng rất tỉ mỉ và chỉ tìm học bổng cấp toàn bộ học phí và chi phí sinh hoạt.
Sau 3 tháng vừa ôn luyện vừa tìm học bổng, cộng thêm mới đạt IELTS 7.5, Thông tự tin nộp hồ sơ xin học bổng và nghĩ rằng cơ hội xuất ngoại đang đến gần.
Liên tiếp nhận thư từ chối và cái kết
Thời gian này, Thông đã trải qua một giai đoạn rối loạn cảm xúc bởi đã đăng ký 15 học bổng và tất cả đều có điểm chung là…thất bại. “Bạn có thể tưởng tượng, vào buổi sáng mình vừa nhận được email báo hồ sơ bạn đã được đi tiếp của học bổng A, rồi buổi chiều lại nhận được thư từ chối của học bổng B. Ít ngày sau, vừa kịp hoàn hồn sau thư từ chối B thì thư từ chối học bổng A cũng tiếp bước vùi dập mình.
Nhiều lúc mình tự nghĩ có phải các trường, đại sứ quán “thông đồng” với nhau để từ chối mình hay không. Việc liên tục thất bại ảnh hưởng rất lớn đến mình, suy nghĩ mình không đủ giỏi hay tài năng lúc này ám ảnh mỗi ngày khi mình thức dậy và mở mail.
Tổng kết năm đầu, mình apply kha khá học bổng, dù mình cũng được một vài học bổng cấp trường nhưng chỉ hỗ trợ 50% học phí trở xuống” – Thông chia sẻ.
Thông đã từng có suy nghĩ từ bỏ học bổng và quay lại với công việc. May mắn khi có một người bạn góp ý cho hồ sơ của Thông. Sắp xếp lại những lần thất bại, chàng trai trẻ này rút ra kinh nghiệm rằng nhóm học bổng potential excellence tuy không cần GPA cao nhưng lại cần mình chứng minh được thiên hướng đóng góp xã hội. Thêm nữa là sự chứng tỏ được mục đích du học.
Mặc dù có ước mơ đi du học “bùng cháy”, nhưng kế hoạch du học xong để làm gì thì Thông…không nói được. Điều này có tác hại lớn vì nó cho thấy đó chỉ là người sống không có định hướng tương lai rõ ràng và chỉ đang muốn xuất ngoại bằng được.
“Ở lần nộp hồ sơ thứ hai này, dù mình còn những ám ảnh về thất bại của năm trước, nhưng mình vẫn có cơ sở để kì vọng chiến thắng nhờ vào cả năm mình đã tham gia hoạt động xã hội để chứng minh thiên hướng đóng góp xã hội của mình và chất lượng bài luận của mình được nâng cao đáng kể, mình đã kể được một câu chuyện rõ nét hơn về mình trong tương lai, mình cũng chia sẻ được lý do mình muốn đi du học là gì, ngoài việc đi du học để trải nghiệm.
Đặc biệt hơn, tất cả những điều trên mình đều phát triển từ câu chuyện cá nhân của mình nên mình tự tin, bài luận của mình sẽ nổi bật, không lẫn với các bài khác vì không ai có câu chuyện cá nhân giống ai cả” – Huy Thông chia sẻ.
Kết quả thực sự ngoài mong đợi, mặc dù vẫn đăng ký các học bổng cũ, nhưng kết quả hoàn toàn khác. Năm đó, Thông đỗ học bổng Irish Aid, học bổng 100% của trường Hult (UK), trường Adelaide (AU). Ngoài ra, bài luận của Thông cũng tiến thẳng vào vòng cuối của học bổng Chevening và NZ Aid, là những học bổng có yêu cầu writing gắt gao nhất.
Chia sẻ kinh nghiệm cho những bạn trẻ đang có dự định du học, Thông cho biết: “Đối với mình quá trình xin học bổng chưa bao giờ và cũng sẽ không bao giờ dễ dàng cả nhưng có thể làm được. Những gì bạn cần trong quá trình này không chỉ là sự “lì lợm” không gì lay chuyển mà còn bạn còn cần phải cho giám khảo thấy được sự trưởng thành, không phải thông qua số tuổi hay kinh nghiệm làm việc, mà thông qua suy nghĩ của bạn về tương lai cũng như chính bản thân bạn”.