Số ca mắc COVID-19 tại Mỹ đã vượt quá 6 triệu chỉ 3 tuần sau khi đến mốc 5 triệu ca.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến khoảng 8h00 sáng 1/9 (theo giờ Việt Nam), thế giới đã ghi nhận 25.621.967 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, trong đó có 854.235 ca tử vong và 17.922.218 ca đã bình phục.
Mỹ vẫn là nước chịu tác động mạnh nhất của dịch bệnh với 6.211.051 ca nhiễm và 187.721 ca tử vong. Tiếp đến là Brazil với 3.910.901 ca nhiễm và 121.515 ca tử vong, Ấn Độ với 3.687.939 ca nhiễm và 65.435 ca tử vong.
Như vậy, số ca mắc tại Mỹ đã vượt quá 6 triệu chỉ 3 tuần sau khi đến mốc 5 triệu ca. Tuy nhiên, theo số liệu do trường Đại học Johns Hopkins tổng hợp, ngày 30/8 Mỹ ghi nhận có thêm 35.000 ca nhiễm mới, mức tăng trong ngày thấp nhất kể từ ngày 23/8,
Đại dịch COVID-19 đã có dấu hiệu giảm bớt ở những bang bị ảnh hưởng nặng nề như California và Florida. Bang California – bang có số ca mắc cao nhất nước Mỹ – ngày 30/8 đã ghi nhận số ca mắc mới dưới 4.000, mức thấp nhất kể từ đầu tháng 7.
Tương tự, số ca mắc mới ghi nhận cùng ngày ở bang Florida dưới 2.600 ca, mức thấp nhất trong 6 ngày trở lại đây và thấp hơn rất nhiều so với kỷ lục 15.000 ca mắc mới ghi nhận tại đây hôm 12/7 vừa qua.
Một số bang vẫn có số ca nhiễm mới tính theo ngày khá cao như Texas (2.800 ca), Illinois (2.000 ca), các bang Alabama, Georgia, Louisiana, Michigan, Missouri, Bắc Carolina và Nam Carolina đều ghi nhận hơn 1.000 ca mắc mới mỗi ngày.
Ở phía Bờ Đông nước Mỹ, Thống đốc bang New Jersey Phil Murphy tuyên bố sẽ cho phép hàng quán được phục vụ thực khách trong nhà kể từ ngày 4/9 nhưng giới hạn chỉ được phục vụ khách ở mức 25% sức chứa của nhà hàng.
Các trường đại học trên khắp nước Mỹ cũng đang nỗ lực để có thể mở lại các lớp học trực tiếp mà vẫn đối phó hiệu quả với đại dịch COVID-19. Hiện nhiều trường mở lại kết hợp vừa học trực tiếp vừa học trực tuyến, nhưng có những trường buộc phải học trực tuyến hoàn toàn.
Trong khi đó, tại Đức, Thủ hiến bang Bayern Markus Söder cho biết sau khi kết thúc kỳ nghỉ hè, toàn bộ học sinh từ lớp 5 trở lên và giáo viên giảng dạy tại bang này sẽ phải đeo khẩu trang trong lớp học trong 9 ngày.
Tại bang Bayern, các lớp học sẽ khai giảng vào ngày 8/9 tới sau kỳ nghỉ hè. Thông báo nêu rõ chỉ học sinh cấp tiểu học không phải thực hiện quy định đeo khẩu trang bắt buộc. Theo Thủ hiến Markus Söder, việc đeo khẩu trang bắt buộc vào đầu năm học là một phần trong chiến lược đảm bảo các điều kiện vệ sinh ở bang miền Nam này nhằm duy trì hoạt động thường xuyên tại các trường học ngay cả trong đại dịch COVID-19.
Tại Israel, các trường học và nhà trẻ ở 23 thành phố và thị trấn trên cả nước sẽ tiếp tục phải đóng cửa vào ngày 1/9 – ngày khai giảng năm học mới – do số ca mắc COVID-19 tiếp tục tăng. Tính đến hết ngày 31/8, Israel đã ghi nhận 116.596 ca mắc COVID-19 và 939 ca tử vong.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Châu Phi (CDC châu Phi) cho biết, tính đến chiều 31/8, châu lục này đã ghi nhận tổng cộng 1.245.230 ca mắc COVID-19 và 29.589 ca tử vong. Ngoài ra, 975.643 trường hợp mắc COVID-19 đã được điều trị khỏi.
Theo CDC châu Phi, 5 quốc gia châu Phi chiếm khoảng 70% tổng số ca nhiễm bệnh của cả lục địa này gồm Nam Phi, Ai Cập, Maroc, Nigeria và Ethiopia. Trong đó, riêng Nam Phi chiếm gần 50% tổng số ca nhiễm bệnh ở châu lục, tiếp theo là Ai Cập với 8%.
Tính đến chiều 31/8, Nam Phi ghi nhận tổng cộng 627.041 ca mắc và 14.149 ca tử vong, tăng 1.985 ca mắc và 121 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Trong khi đó, một số quốc gia châu Phi có số ca mắc mới tăng mạnh, đặc biệt sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế, như Maroc và Ethiopia.
Hiện Maroc đã trở thành quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề thứ 3 ở châu Phi, với tổng số 62.590 ca mắc và 1.141 ca tử vong, trong khi số ca mắc mới hằng ngày trên 1.000 ca. Tiếp theo là Ethiopia, với số ca mắc mới hằng ngày cũng trên 1.000 ca từ hơn 2 tuần qua, nâng tổng số ca mắc COVID-19 tại quốc gia Đông Phi này lên 52.131 ca với 809 ca tử vong.
Ngoài ra, một số quốc gia châu Phi bùng phát làn sóng dịch COVID-19 lần 2 tăng mạnh sau khi nới lỏng các biện pháp hạn chế, như Algeria, Kenya, Côte d’Ivoire, Libya,…Hiện khu vực miền Nam châu Phi là nơi có số ca mắc nhiều nhất châu lục, tiếp theo là khu vực Bắc và Tây Phi.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết cơ quan này kêu gọi các nước duy trì các biện pháp hạn chế nhằm đối phó với đại dịch COVID-19, đồng thời cho rằng việc mở cửa một cách thiếu kiểm soát sự lây lan của virus SARS-CoV-2 sẽ là “cách làm dẫn tới thảm họa”.
Ông Tedros thừa nhận rằng nhiều người đã mệt mỏi trước các biện pháp hạn chế và muốn quay trở lại trạng thái bình thường sau 8 tháng bùng phát dịch COVID-19./.