Baoquocte.vn. Các sợi dây liên kết về giáo dục có thể giúp gì cho quan hệ Mỹ-Trung?
Đã 10 ngày trôi qua kể từ cuộc gặp cấp cao Mỹ-Trung tại Alaska. Bài phát biểu mở đầu mạnh mẽ của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và lời phản hồi kéo dài 17 phút của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác Ngoại sự Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Dương Khiết Trì vẫn được bàn luận sôi nổi trên mạng xã hội Trung Quốc.
Theo website SupChina, sau cuộc hội đàm, câu “Nước Mỹ đừng dạy dỗ Trung Quốc như thể họ vượt trội hơn” đã trở thành “một trong những xu hướng hàng đầu trên Weibo”.
Câu nói này và các câu tương tự đã xuất hiện hơn 2 tỷ lần trên Weibo chỉ trong một ngày.
Cũng trong thời gian này, ông John D. Van Fleet, Trưởng tiểu ban giáo dục tại Phòng Thương mại Mỹ ở Thượng Hải đã tham dự 2 hội thảo du học dành cho các gia đình Trung Quốc.
Trong cuộc hội thảo ở Nam Kinh, ông Jeffrey Lehman, Hiệu phó phân hiệu Đại học New York tại Thượng Hải hồi tưởng một cách thích thú về quãng thời gian tham gia trao đổi ở Pháp, trong khi bà Phoebe You, Giám đốc Trung tâm Trung Quốc thuộc Đại học Ohio, người gốc Sơn Đông, nói về giá trị của việc học đại học tại ngôi trường này.
Ông Lehman hối thúc những người tham gia xem xét việc đi du học – một trong những quyết định quan trọng nhất của cuộc đời – một cách cẩn trọng, đánh giá đúng tất cả yếu tố. Ông cho rằng, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, việc đi du học có lợi thế hơn hẳn.
Số liệu thống kê cho thấy, số du học sinh Trung Quốc tại Mỹ lên tới hơn 350.000 người trong vài năm trở lại đây. Con số này thậm chí có thể cao hơn nếu không có những tác động của đại dịch Covid-19.
Theo Báo cáo Giáo dục Quốc tế 2020 của Open Doors, số lượng sinh viên nước ngoài tại Mỹ, đặc biệt là sinh viên Trung Quốc, đã gia tăng chóng mặt trong những thập niên gần đây.
Sinh viên Trung Quốc chiếm 35% tổng số du học sinh tại Mỹ, con số lớn hơn nhiều so với tỷ lệ 20% của số dân Trung Quốc so với thế giới.
Theo báo cáo của Harvard Crimson, một số động thái của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump đã có tác động khiến đà gia tăng phần nào bị đảo ngược.
Tuy vậy, có vẻ như chính quyền của tân Tổng thống Joe Biden đồng tình với quan điểm của các chuyên gia giáo dục trên toàn thế giới rằng “du học sinh đến Mỹ sẽ đem lại giá trị to lớn cho cả người học lẫn nước Mỹ”.
Trong nhiều năm qua, hàng triệu gia đình Trung Quốc đã thể hiện quan điểm về vấn đề này khi đầu tư khoản tiền tiết kiệm để cho con sang Mỹ du học. Theo ông John D. Van Fleet, không có dấu hiệu nào cho thấy xu thế này thay đổi về mặt cấu trúc.
Trong vài ngày sau màn dạo đầu nảy lửa Alaska, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin một cách tích cực về các phiên họp kín diễn ra sau đó, cho thấy hai bên đã đối thoại mang tính xây dựng và có thể trở thành nền tảng cho các cuộc đối thoại tiếp theo.
Ít nhất, theo giới quan sát, hai bên có thể trao đổi một cách rõ ràng, rành mạch.
Kết quả này một phần đến từ kinh nghiệm của các nhà ngoại giao trên trường quốc tế. Ông Dương Khiết Trì đã có 2 năm du học ở Anh vào đầu thập niên 1970. Còn Ngoại trưởng Vương Nghị học tiếng Nhật ở đại học và từng là giảng viên thỉnh giảng ở Đại học Georgetown, Mỹ vào cuối thập niên 1990, Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản từ năm 2004 đến năm 2007.
Về phía Mỹ, Ngoại trưởng Blinken đã sống nhiều năm ở Paris và tốt nghiệp phổ thông ở đây, trong khi Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan từng là học giả tại Đại học Oxford.
Theo ông Van Fleet, có thể nhiều người sẽ không trở thành các nhà ngoại giao. Tuy nhiên, trong thế giới mà số người sống và làm việc ở nước ngoài đang ngày một gia tăng, những người trẻ có được tư duy toàn cầu dựa trên du học sẽ có lợi thế lớn hơn khi bước vào thế kỷ XXI.
Trong trường hợp giới trẻ có cơ hội đại diện cho đất nước trên trường quốc tế, kinh nghiệm có được từ quá trình du học sẽ giúp họ có được sự trưởng thành và tự tin, cũng như hiểu biết rõ ràng hơn về những đồng nghiệp ở phía bên kia bàn đàm phán.
(theo Nikkei Asia)